| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền chậm chân, ngư dân dài cổ

Thứ Sáu 03/04/2015 , 09:35 (GMT+7)

Đã có 10 trường hợp của huyện Phù Cát hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký đóng mới tàu cá được trình lên UBND tỉnh Bình Định, song vẫn chưa có trường hợp nào được phê duyệt.

Trước đó, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, huyện Phù Cát được UBND tỉnh Bình Định phân bổ chỉ tiêu cho vay vốn đóng mới 65 tàu cá.

Trong 10 trường hợp nói trên, có 7 trường hợp của ngư dân xã Cát Khánh, địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất huyện Phù Cát với 451 chiếc, tổng công suất 43.450 CV; trong đó có 166 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên làm những nghề đánh bắt xa bờ.

Ông Đinh Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết: “Xã đã triển khai cho ngư dân nắm bắt nội dung Nghị định 67 về phát triển thủy sản, trong đó có vấn đề cho vay vốn giúp ngư dân hoán cải, nâng cấp, đóng mới tàu cá công suất lớn, phục vụ những nghề đánh bắt xa bờ cùng một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, của UBND tỉnh trong việc thực hiện Nghị định này; đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn ngư dân đăng ký và lập các thủ tục vay vốn đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu cá”.

Đến nay, toàn xã Cát Khánh đã có 54 trường hợp ngư dân đăng ký xin được vay vốn đóng mới tàu cá; 34 trường hợp đăng ký cải hoán tàu, thay thế máy mới có công suất cao hơn, trang bị phương tiện và ngư lưới cụ.

Theo chỉ tiêu đã được phân bổ, Cát Khánh đã tiến hành xét duyệt theo các tiêu chuẩn quy định. Kết quả có 34 trường hợp đủ điều kiện lập hồ sơ vay vốn đóng mới, 34 trường hợp cải hoán, nâng cấp tàu cá.

“Toàn xã đã có 15 hộ gia đình và ngư dân làm đơn, lập phương án sản xuất; xã đã tiến hành rà soát, củng cố và hoàn chỉnh 7 hồ sơ trình lên huyện và đã được UBND huyện Phù Cát phê duyệt trình lên tỉnh”, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, ông Đinh Thành Tiến cho hay.

Hoàn tất xong hồ sơ, ngư dân mỏi mắt ngóng nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào ở Phù Cát được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Ông Nguyễn Công Quý ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh), chủ cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với 2 tàu dịch vụ gồm tàu BĐ-93406 TS, có công suất 310 CV chuyên thu mua hải sản của các tàu đánh bắt khơi xa và 1 tàu có công suất 35 CV chuyên thu mua ở hải sản ngư trường gần bờ.

Ông Qúy đã đăng ký và làm hồ sơ xin vay vốn đóng mới tàu vỏ thép công suất 950 CV để làm dịch vụ thu mua hải sản ngư trường khơi xa với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Hồ sơ của ông Qúy đã được huyện trình lên tỉnh, ông cũng đã chuẩn bị đầy đủ vốn đối ứng 5%. Thế nhưng sau hơn 5 tháng chờ đợi, ông vẫn chưa nhận được quyết định cho phép vay vốn để hợp đồng đóng mới tàu.

“Về nguồn kinh phí thực hiện, đối với thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, ngân sách tỉnh đảm bảo 70%, còn lại 30% do đóng góp của các cơ sở đóng tàu; đối với thiết kế mẫu tàu vỏ composite và mẫu tàu vỏ gỗ bọc composite, ngân sách tỉnh sẽ đảm bảo 100%”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định.

Ông Quý thắc mắc: “Hồ sơ của tôi không còn vướng một điều gì, đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định 67 nhưng không hiểu vì sao phải chờ đợi lâu đến vậy?”. Thắc mắc của ông Qúy cũng là thắc mắc chung của 9 trường hợp khác của ngư dân huyện Phù Cát.

Tìm hiểu từ ngành chức năng, chúng tôi được ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & BVNLTS Bình Định cho biết: Ngày 25/12/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 37 chủ tàu ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác thủy sản và tàu dịch vụ theo tinh thần Nghị định 67. Những hồ sơ của ngư dân huyện Phù Cát không nằm trong danh sách được tỉnh phê duyêt đợt này là do đến ngày 28/1/2015, UBND huyện Phù Cát mới gửi hồ sơ của 10 ngư dân, trong đó có 7 hồ sơ của ngư dân xã Cát Khánh đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá lên tỉnh.

“Do huyện gửi hồ sơ lên muộn, nên chúng tôi đã tổng hợp danh sách ngư dân ở huyện Phù Cát trình UBND tỉnh phê duyệt lần sau, cùng với nhiều ngư dân của các huyện, thành phố trong tỉnh. Ngày 18/3 vừa rồi, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách đợt mới gồm 39 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác và tàu dịch, trong đó huyện Phù Cát có 10 chủ tàu gồm xã Cát Khánh có 7 chủ tàu, xã Cát Hải có 2 chủ tàu và xã Cát Tiến 1 chủ tàu”, ông Dương nói.

Sở NN-PTNT Bình Định đang phối hợp với các Ngân hàng Thương mại hướng dẫn ngư dân đã đủ điều kiện vay vốn đóng tàu hoàn tất các thủ tục cần thiết để được vay vốn; tổ chức họp với các cơ sở mua bán ngư lưới cụ để triển khai việc cung cấp cho ngư dân thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá.

Nhằm giúp các ngân hàng có cơ sở xác định chính xác giá trị con tàu, bao gồm cả ngư lưới cụ, đảm bảo phần vốn góp đối ứng của chủ tàu đúng quy định, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đồng ý về chủ trương cho phép Sở NN-PTNT thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế 2 mẫu tàu cá vỏ gỗ, 2 mẫu tàu vỏ composite và 2 mẫu tàu vỏ gỗ bọc composite, công suất từ 400 CV trở lên cho các nghề câu cá ngừ, mành chụp, lưới rê, vây khơi. Thời gian hoàn thành việc thiết kế 6 mẫu tàu nói trên trong tháng 4/2015.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã công bố danh sách 9 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ của tỉnh tham gia thực hiện Nghị định 67 trên phạm vi toàn quốc, nên việc đóng tàu mới đã thuận lợi hơn.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất