| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền dung túng cho doanh nghiệp tại dự án 'lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Bình'

Thứ Tư 25/09/2019 , 09:23 (GMT+7)

Lại thêm một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) ở tỉnh Thái Bình để xảy ra hàng loạt vi phạm thể hiện sự bao che, dung túng của chính quyền tỉnh này.

15-27-09_thi_binh_1
Phối cảnh dự án Eden Garden.

Dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4-5 tầng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình do Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam (BID Group) làm chủ đầu tư.

Theo tài liệu về dự án, ngày 15/9/2017, Sở Xây dựng Thái Bình và Công ty Cổ phần BID Group đã chính thức ký kết Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao (BT) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang Khu tập thể 4 – 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình.

Quy mô dự án xây dựng theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” được thực hiện trên tổng diện tích sử dụng đất 4.967m2 với tòa nhà cao 15 tầng… Số lượng căn hộ trong tòa nhà là 372 căn hộ với nhiều diện tích khác nhau từ 50 – 100m2 phù hợp với nhu cầu đa dạng của người mua nhà. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2018 với mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Chủ đầu tư lấy tên dự án này là Eden Garden.

Trúng thầu dự án trên còn giúp BIDGroup được tỉnh Thái Bình giao thực hiện một dự án đối ứng khác trên khu đất vàng 9.580 m2 cạnh dự án BT, có 3 mặt tiền Lê Lợi, Đào Nguyên Phổ và Lê Quý Đôn.

Trong các hoạt động giới thiệu về dự án, phía BID Group thông tin “Dự án này chắc chắn sẽ mang đến một phong cách sống mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình, đồng thời góp phần sớm đưa thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I”. Hoặc “chốn thanh bình lý tuởng để xây dựng một cuộc sống thịnh vượng, bản phối âm hoàn hảo giữa những thanh âm êm dịu của thiên nhiên”.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm được lựa chọn làm nhà đầu tư, hàng loạt những vi phạm của BIG Group thể hiện UBND tỉnh Thái Bình đã dung túng cho Tập đoàn hiện do ông Trần Văn Mạnh (người Thái Bình) làm Chủ tịch HĐQT. Người dân trong phạm vi dự án bức xúc, khiếu nại còn chính quyền tỉnh Thái Bình càng ngày càng có những động thái ủng hộ doanh nghiệp hơn là người dân.

Lá đơn tập thể của nhiều hộ dân khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong kiến nghị đích danh ông Nguyễn Hồng Diên (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình), ông Đặng Trọng Thăng (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) và ông Nguyễn Ngọc Ý (Chủ tịch UBND Thành phố Thái Bình) cùng các Sở, ngành liên quan gồm có 13 nội dung, thể hiện rõ việc họ hoàn toàn tán thành, nhất trí với chủ trương thực hiện dự án, bên cạnh đó, những khiếu nại của người dân cũng thể hiện, chính quyền và chủ đầu tư hoàn toàn không đứng về phía họ trong dự án được gọi là “cải thiện đời sống người dân trong khu vực”.

Về quy mô của dự án này, người dân cho rằng đây không phải là dự án tái định cư 244 hộ dân 3 tầng nhà mà là một tổ hợp dự án nhà tái định cư và nhà thương mại lớn. Dự án trên danh nghĩa được tổ chức đấu thầu, tuy nhiên chỉ có mỗi BID Group tham gia và trúng thầu, thậm chí chủ đầu tư còn rêu rao về dự án trước cả thời điểm chính quyền tổ chức đấu thầu khiến dư luận rất bức xúc.

Trong đơn thư gửi cơ quan chức năng, những hộ dân trong phạm vi dự án khu tập thể Lê Hồng Phong kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình về quy trình giải phóng mặt bằng thực hiện không dân chủ, không tôn trọng dân, một số đề xuất của các hộ dân không được đáp ứng, không đối thoại với người dân. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền có kết luận cụ thể tỷ lệ đền bù chuyển đổi từ nhà cũ sang nhà mới…

Đặc biệt, trong đơn thư, người dân cho rằng UBND Thành phố Thái Bình chưa làm hết trách nhiệm, không công khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thái Bình về sở hữu hợp pháp của các hộ dân khu tập thể 4+5 tầng. “Từ năm 2017 đến nay không cơ quan nào xuống với dân để nghe dân. Sao bây giờ cán bộ lại xa dân thế, sợ dân hay coi thường dân?”, đơn thư mới đây nhất, ngày 14/9/2019 của tập thể các hộ dân viết.

Tài liệu liên quan đến dự án còn thể hiện các sai phạm, thiếu sót của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Bình bỏ qua.

Đơn cử như việc UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực thực hiện dự án với nội dung chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ công trình công cộng sang đất ở khi chưa thực hiện đầy đủ các bước để được điều chỉnh là chưa phù hợp với quy định Luật Quy hoạch đô thị.

15-27-09_thi_binh_2
Ảnh: Hoàng Anh.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt đưa khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư với số tiền là 15.699.712.000 đồng không theo quy định của Bộ Tài chính. Hành vi mà khi cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện là “không đúng quy định của pháp luật khi thực hiện công tác quyết toán công trình đối với dự án”.

Hay như việc chủ đầu tư BID Group chưa lập để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình tại Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 4/7/2016 đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 34 hộ dân mặt đường Lê Quý Đôn và Trần Hưng Đạo.

UBND tỉnh Thái Bình cũng đã vội vàng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của nhà đầu tư trong khi BID chưa lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng… UBND tỉnh Thái Bình cũng phê duyệt hồ sơ đề xuất thực hiện dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh Thái Bình…

Theo tìm hiểu của NNVN, đến thời điểm hiện tại, dự án “lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Bình” vẫn còn là mớ hỗn độn. Đã quá thời hạn so với kế hoạch ban đầu của chủ đầu tư, người dân miệt mài đi “nếu không đúng thời hạn thì cấp nào phải chịu trách nhiệm, ai là người chịu trách nhiệm chính khi mọi việc không đúng như thỏa thuận, như hợp đồng ký kết với nhân dân” còn chính quyền Thái Bình vẫn tiếp tục ủng hộ nhà đầu tư.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến giữa tháng 6/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình một lần nữa phải ngồi lại để nghe và cho ý kiến báo cáo của UBND về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Mặc dù để xảy ra hàng loạt sai phạm tại dự án này, nhưng Thái Bình vẫn tiếp tục ủng hộ chủ đầu tư triển khai.

Cụ thể, sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và các quy định của pháp luật.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm