| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền xã... tay không đập gạch

Thứ Sáu 03/07/2009 , 09:39 (GMT+7)

Chính quyền cơ sở chỉ còn biết đứng nhìn hàng trăm lò gạch phừng phừng tuôn khói khi trang bị cho công tác “dẹp lò gạch” chỉ có... xô nhựa.

Khi miếng cơm manh áo đã đặt hết vào những viên gạch, những chủ lò quyết chí nổi lửa để giữ cho bằng được lò gạch khỏi biến thành bùn. Còn chính quyền cơ sở thì chỉ còn biết đứng nhìn hàng trăm lò gạch phừng phừng tuôn khói khi trang bị cho công tác “dẹp lò gạch” chỉ có... xô nhựa. 

>> Bắc Ninh “tổng hoành triệt” lò gạch thủ công trước 30/9

Đình chỉ 30 ngày chứ 3 tháng cũng bó tay!

Nhắc đến chuyện đi cưỡng chế lò gạch, anh Nguyễn Văn Đức- Trưởng CA xã Đại Lai (Gia Bình) lắc đầu ngao ngán: “Cả xã có tới gần trăm lò gạch, trong khi BQL đun đốt gạch của xã chỉ có 6 ông thì chỉ có 3 trưởng thôn, 3 ông còn lại kiêm chức trong ủy ban. Trang bị cưỡng chế thì chỉ có gậy cao su, xẻng xúc đất và xô nhựa. Anh bảo, mỗi cái lò gạch có tới vài chục cửa đốt, đến máy xúc múc đất mà tấp vào còn không xuể chứ nói gì lấy xẻng xúc đất để “hoành triệt” cửa lò?”.

Chả thế mà trong đợt “tổng nổi dậy” đốt lò hôm 17/6 vừa rồi, đúng 11h đêm thì 36 chủ lò nhất loạt nổi lửa. Tới 2h đêm, xã mới huy động được 20 dân quân, rồi đích thân Chủ tịch xã ra hiện trường chỉ đạo huy động xô nhựa, cuốc xẻng “hoành triệt” cửa lò. Mang tiếng là đi cưỡng chế nhưng CA xã làm gì có quyền bắt người. Chỉ được phép thấy lò nào nổi lửa thì tới múc nước dập tắt, rồi xúc đất tấp kín.

"Hơn nữa, những chủ lò gạch ở khắp Đại Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh...đều là dân tứ chiếng tận Hưng Yên, Hải Dương... lên đây thuê đất làm lò. Khi mình cản không cho họ đốt, họ cũng chẳng chống đối gì nên mình làm gì có quyền bắt họ. Vậy nên cả dải đất ngoài đê ven sông Đuống rộng tới 30ha có tới gần trăm cái lò gạch. Cứ dập được lò này, sang tới lò kia thì họ lại bới đất ra đốt tiếp. Dân quân, CA dập lửa đến lò thứ 3 thì ai cũng kiệt sức, nản quá nên thôi kệ, CA xã cũng kéo về ngủ cho xong. Nói thật với nhà báo, đi dẹp lò gạch bát cháo đêm cũng chẳng có. Thế nên ai cũng nản” – anh Đức hóm hỉnh.

Ông Trần Danh Thuận- Chủ tịch UBND xã Đại Lai vừa bị tạm đình chỉ công tác cách đây ít lâu thở dài: “Huyện đình chỉ công tác tôi 30 ngày chứ 3 tháng thì tôi cũng đành chịu. Chẳng phải cấp trên chỉ đạo mà chúng tôi không làm. Nhưng quả thật là làm không nổi. Năm ngoái tầm này chúng tôi cũng từng huy động cả máy bơm cao áp cưỡng chế mấy lò, trong đó có lò nhà anh Tài. Cả cái lò gạch của người ta đang nung dở trị giá cả tỉ đồng chứ chẳng chơi. Lúc máy bơm phun nước lên đỉnh lò, thành lò gặp nước bắt đầu vữa ra. Cả vợ con nhà anh Tài gào khóc xông vào cửa lò đang hừng hực lửa quyết chết cháy cho bằng được! Nói dại, nhỡ có chuyện gì thì họ thù chúng tôi cả đời”. 

Muốn triệt lò thì phải cấm đóng gạch 

Khác với các xã ở huyện Gia Bình, ma trận lô cốt lò gạch tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành) không nằm gần bờ sông nên khi đi dập lửa lò gạch, nhiều cán bộ xã Đình Tổ còn khổ sở hơn. Ông Vũ Tứ Hảo – cán bộ tư pháp xã Đình Tổ, nguyên Trưởng CA xã năm 2008 đến giờ vẫn “ngán tận cổ” khi nhắc tới chuyện đi cưỡng chế lò gạch. Xã chỉ có một chiếc máy bơm để dập lửa. Nhưng khổ nỗi bờ sông thì xa, mà vòi lại quá ngắn (vì kinh phí xã không có để mua) nên dân quân chỉ còn biết dùng xô nhựa xách từng xô nước để dập lò gạch.

Vậy là còn đỡ, cái này mới khổ hơn! Các chủ lò gạch ở Đình Tổ hầu hết là bà con trong xã. Ngay như vợ con của Trưởng CA xã Vũ Tứ Hảo cũng đi đóng gạch. Phá lò gạch đi thì chủ lò lấy tiền đâu để trả cho công nhân. Cả gia sản người ta chỉ có cái lò gạch, mình nỡ nào đưa máy xúc ra mà giật miếng cơm manh áo của họ, rồi thì mặt mũi đâu nhìn bà con làng xóm nữa? “Thà cứ đưa công an bên Đồng Thành hay Song Hồ sang đây cưỡng chế mới kiên quyết được. Chứ công an Đình Tổ lại đi phá lò gạch người Đình Tổ thì vừa mệt lại vừa mất lòng nhau” – ông Hảo có ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành): Các chủ lò gạch đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh xem xét cho đốt 1- 2 lò vào thời điểm sau vụ gặt lúa chiêm hàng năm để giữ lò và giải quyết gạch tồn đọng. Nhưng không hiểu sao UBND tỉnh vẫn giữ nguyên quy định này, gây khó cho cả chính quyền và chủ lò.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Đình Tổ (một trong 3 Chủ tịch xã của huyện Thuận Thành vừa bị đình chỉ công tác) cho rằng, UBND tỉnh cấm các lò gạch thủ công nung đốt vào thời gian sau vụ gặt chiêm là làm khó chính quyền cơ sở. Bởi thời gian này thuận lợi nhất cho việc nung đốt khi không còn hoa màu gì. Hơn nữa các chủ lò gạch buộc phải đốt một lần xen kẽ để giữ lò vượt qua mùa lũ. Trong đợt nung đốt trái phép đầu tháng 6 vừa rồi, mặc dù chúng tôi đã bắt các chủ lò ký cam kết không vi phạm. Nhưng trên thực tế các chủ lò bên Lương Tài, Thuận Thành, Phong Khê...cũng đốt cả nên chủ lò ở đây cũng đốt theo.

Cũng theo ông Sửu, cái dở nữa là theo quyết định 97/2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh về quản lí sản xuất gạch ngói thủ công không có điều nào cấm sản xuất gạch phơ, gạch mộc ngoài thời gian đun đốt. Vì thế nên năm nào ra Tết cho đến lúc gặt xong vụ chiêm lao động nhàn rỗi trong xã, rồi từ Thanh Hóa, Hà Nam cũng đổ về ào ạt đóng gạch phơ. Gạch phơ đóng xong thì phải cho hết vào lò. Mà cho vào lò rồi thì phải đốt, chứ chả nhẽ lại bỏ đấy rồi tới tháng 7 lũ sông Đuống dềnh lên nó nhão hết thành bùn à. Thế là gạch đã vào lò rồi, dù có chịu phạt mấy thì họ cũng phải đốt. 

Băn khoăn “hậu lò gạch thủ công” 

Không chỉ kêu khó khi thực hiện lệnh cấm lò gạch thủ công theo quyết định của UBND tỉnh, hầu hết lãnh đạo các địa phương tại Bắc Ninh đều khá lúng túng về phương án khi những lò gạch thủ công này buộc phải dỡ bỏ vào cuối năm 2009. Ông Nguyễn Khắc Đạm- Trưởng phòng Công thương huyện Gia Bình cho biết, toàn huyện hiện có gần 450 lò gạch thủ công, mỗi năm mang về cho ngân sách huyện 3 tỉ đồng, thu hút hơn 10 nghìn lao động. Huyện đang quy hoạch các lò gạch tuynel thay thế. Tuy nhiên theo ông Đạm, chỉ có một phần nhỏ chủ lò gạch thủ công đủ vốn đầu tư vào công nghệ tuynel bởi lò tuynel phải bỏ ra cả chục tỉ.

Vấn đề lớn đang đặt lên vai nhiều vị Chủ tịch xã hiện đang bị tạm đinh chỉ công tác là làm sao trả lại mặt bằng đất sản xuất ven sông sau khi các lò gạch rút đi. Ông Nguyễn Khắc Lạng – Trưởng phòng NN- PTNT huyện Gia Bình cho biết, những diện tích đã bị đào sâu lấy đất làm gạch sẽ được cho thuê làm ao nuôi thủy sản. Diện tích chưa bị đào sâu sẽ san bằng để khoán lại cho các hộ dân làm nông nghiệp như cũ.

Ông Nguyễn Khắc Đạm- Trưởng phòng Công thương huyện Gia Bình: Hiện tại, chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn thư của các chủ lò gạch cũng như người dân khiếu kiện việc UBND tỉnh ra quyết định thanh lí HĐ và buộc các chủ lò phải dỡ bỏ lò gạch thủ công ngay trước ngày 30/9. Nếu có thể, UBND tỉnh nên để cho các chủ lò hoạt động hết năm 2009.

Tuy nhiên, ai sẽ đứng ra đảm nhiệm việc san trả mặt bằng? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tá Vịnh – Trưởng phòng Công thương huyện Thuận Thành cho biết: Các chủ lò gạch có nhiệm vụ gỡ bỏ lò, trả lại mặt bằng khi rút đi. Còn việc san lấp mặt bằng là nhiệm vụ của UBND các xã. Về ý kiến này, ông Nguyễn Văn Sửu – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Tổ (Thuận Thành) lắc đầu: “Đợt cưỡng chế đốt gạch vừa rồi, huyện giao cho chúng tôi đi thuê 3 cái máy xúc để “hoành triệt” lò gạch nhưng chúng tôi thuê không nổi vì chẳng ai dại gì lái máy xúc đi phá lò của bạn bè mình. Bây giờ bảo chúng tôi san lấp mặt bằng thì lấy đâu ra kinh phí để thuê máy?”

Nhìn dải đất phù sa chạy dài dọc bờ sông Đuống giờ đây đã biến thành những đại công trường lổm nhổm lô cốt đốt gạch, những thửa đất màu mỡ đã bị múc sâu hoắm, tôi lấy làm lo lắng bởi theo lời một cán bộ ở xã Thái Bảo (huyện Gia Bình) nói thì phù sa sông Đuống bây giờ mỗi năm chỉ bồi chừng 10cm là cùng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.