| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền xã "tự tung tự tác"

Thứ Sáu 10/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Lãnh đạo xã Định Hòa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) bị tố cáo “tự tung tự tác” thu hồi đất đang trong thời hạn hợp đồng của một số trang trại chăn nuôi thuộc xứ đồng Mau Nhì./ Xã "to" hơn huyện?

Theo điều tra của PV, năm 2005, ông Vũ Hùng Thơm, Phó chủ tịch UBND xã Định Hòa ký hợp đồng “cho thuê đất phát triển kinh tế trang trại trên đất 5%” đối với hộ ông Lê Đình Chiến và Lê Đình Thăng, cùng ở thôn Nhì 2 với thời hạn 20 năm.

Theo đó, trên hợp đồng không có số, tháng 4/2005 nêu rõ: “Thống nhất cho bà Lê Thị Lục (vợ ông Thăng) thuê khu vực đất Mau Nhì, diện tích 10.016m2, bắt đầu từ 28/4/2005 trở đi. Hợp đồng của ông Lê Đình Chiến thuê 16.822 m2”.

Với 2 bản hợp đồng này, UBND xã Định Hòa hoàn toàn ký sai thẩm quyền và để “sửa sai”, ngay trong ngày 28/4/2005, UBND xã lại ký tiếp một hợp đồng có thời hạn 5 năm (từ 28/4/2005 – 28/4/2010) với bà Lê Thị Lục, diện tích 10.516m2, khu vực Mau Nhì. Như vậy, cùng một diện tích xã ký liền 2 bản hợp đồng, vậy thực tế hợp đồng nào mới là hợp đồng có tính pháp lý (?).

Ông Lê Đình Chiến cho biết: “Xã nói ký bổ sung 1 hợp đồng có thời hạn 5 năm là để thay đổi mức thu sản theo giá hiện hành, còn thực tế hợp đồng 20 năm vẫn có hiệu lực bởi hợp đồng này từ trước tới nay chưa thanh lý lần nào”.

Trái ngược với phản ánh của người dân, trong buổi làm việc ngày 3/10/2014, ông Lê Văn Sướng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Định Hòa nói: “Lúc ký hợp đồng 20 năm anh em không biết nên đã ký sai, ký sai thì sửa thôi”. PV hỏi: Xã đã thanh lý hợp đồng 20 năm trước khi ký hợp đồng mới chưa?, ông Sướng bảo: “Chắc là có hồ sơ thanh lý, hoặc thông báo rồi (?)”.

16-55-37_2
Hợp đồng của hộ ông Tuyết đến 2016 mới hết hạn nhưng đã bị xã thu hồi mất hơn 5.000 m2

Chưa dừng lại ở việc ký cho thuê đất trái thẩm quyền, lãnh đạo xã Định Hòa còn khiến các hộ dân hết sức bức xúc trước việc UBND xã tự tiện thu hồi đất đang trong hợp đồng của hộ này để cho hộ khác thuê với một lý do “đất nằm trong quy hoạch chăn nuôi đà điểu”.

Ông Phạm Văn Tuyết là nạn nhân đầu tiên bị thu hồi 5.790 m2 đất lúa và ao nuôi cá. Theo phản ánh của ông Tuyết, năm 2011 UBND xã Định Hòa cho ông thuê 18.741 m2 đất (trong đó đất lúa 9.791 m2; ao 8.950 m2); thời hạn cho thuê đến 2016.

Tuy nhiên đầu vụ Xuân 2014, khi đang cày đất cấy lúa thì xã mời ông lên làm việc và thông báo sẽ thu hồi 5.790/18.741 m2 để bàn giao cho một hộ khác ở xã Định Bình chăn nuôi đà điểu. “Tôi bảo nếu xã muốn chuyển đổi sang nuôi đà điều, nuôi lợn, nuôi gà…thì tôi sẽ chuyển đổi và xin đừng thu đất của tôi. Nhưng ông Thơm, Phó chủ tịch xã một mực bảo “vùng này thuộc quy hoạch của xã nếu gia đình anh (ông Tuyết – PV) có nhu cầu thì bữa sau cho thuê chỗ khác”, ông Tuyết nói.

Cũng theo ông Tuyết, khoảng đầu tháng 6/2014 để bàn giao diện tích đất trên cho xã ông phải thu hoạch lứa cá mới thả được hơn một tháng đem đi bán lỗ. “Việc làm của xã thật phi lý, họ muốn lấy là cứ lấy mà không quan tâm đến thiệt hại của dân. Tôi đề nghị chính quyền các cấp chấn chỉnh tình trạng này để ổn định lòng dân và cũng để chúng tôi an tâm đầu tư làm ăn”, ông Tuyết nhấn mạnh thêm.

Chung cảnh ngộ như ông Tuyết, trong năm 2014, hộ ông Lê Đình Chiến bỗng dưng nhận được thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đang làm trang trại của gia đình, trong khi thời hạn hợp đồng còn kéo dài đến 2015.

16-55-37_3
Ông Lê Văn Sướng, Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho rằng việc ký hợp đồng sai (20 năm) là do…anh em không biết.

Ông Chiến bức xúc: Năm 2005 (theo hợp đồng xã ký 20 năm) ông đầu tư thâm canh lúa và nuôi 31 con bò, đến 2007 sau khi nhận bằng khen hộ làm ăn giỏi từ huyện về thì UBND xã Định Hòa gửi thông báo thu 2,6 mẫu ruộng của gia đình ông mà không có bất kỳ lý do gì. Ruộng bị thu hẹp, bò không đủ thức ăn buộc ông phải bán rẻ 19 con. Từ thời điểm đó đến nay, tuy thu nhập có giảm nhưng mỗi năm trang trại của gia đình ông sau khi trừ chi phí cũng lãi được trên dưới 50 triệu đ/năm.

Đầu vụ xuân 2014, UBND xã Định Hòa lại tiếp tục thu của gia đình ông hơn 1.300 m2 vì vướng vào “quy hoạch” nuôi đà điểu của xã. Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất (khoảng tháng 9/2014), xã này tiếp tục có thông báo thu toàn bộ diện tích còn lại của gia đình ông. “Hợp đồng đã nói rõ bên nào sai bên đó chịu trách nhiệm nhưng thực tế chỉ có dân chúng tôi chịu khổ chứ biết kêu ai”, ông Chiến nói.

Trao đổi về việc xã phá vỡ hợp đồng, ông Lê Văn Sướng, nói: “Không phải xã tự cắt hợp đồng của các hộ. Phải có sự đồng ý của họ thì xã mới lấy được chứ. Còn nếu các hộ phản ánh, vẫn muốn thuê đất thì xã sẽ chờ đến khi hết hợp đồng”.

Theo như lời của ông Sướng thì các đợt thu hồi đất trên đều được ông Tuyết, ông Thăng, ông Chiến đồng ý nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược với những lời ông Sướng nói, cả 3 hộ đều khẳng định: “Trong cuộc họp thông báo thu hồi đất, họ đã đề xuất được giữ lại diện tích bị thu hồi để ổn định SX nhưng chỉ nhận được câu trả lời của ông Thơm, Phó chủ tịch UBND xã rằng: “Đất ni là đất 5% của xã, muốn lấy lúc nào thì lấy(?)”

Với cách làm tùy tiện như trên của lãnh đạo xã Định Hòa, thử hỏi người dân ai dám yên tâm đầu tư phát triển SX và đằng sau việc thu hồi đất của người này giao cho người khác có gì uẩn khúc không?!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.