| Hotline: 0983.970.780

Chợ chiều Nhân Lư bao giờ mới được dẹp bỏ

Thứ Năm 06/08/2020 , 17:17 (GMT+7)

Chợ ven đường tuy thuận tiện bán, buôn tuy nhiên luôn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông. Thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra nhưng chợ vẫn họp...

Một góc chợ chiều Nhân Lư. Ảnh: Vũ Hữu Sự.

Một góc chợ chiều Nhân Lư. Ảnh: Vũ Hữu Sự.

Chợ Cháy ở xã Cẩm Chế huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là một ngôi chợ truyền thống có từ hàng trăm năm nay, một thời đã trở thành một trung tâm buôn bán nhất nhì của huyện Thanh Hà. Năm 2017, khi xã Cẩm Chế đạt chuẩn nông thôn mới, chợ được đầu tư, cải tạo, xây mới với kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Thế nhưng dù hạ tầng của chợ khang trang hơn, nhưng việc buôn bán, kinh doanh trong chợ thì lại có phần giảm sút. Người vào chợ lèo tèo. Hôm chúng tôi đến, tuy là ngày phiên nhưng mới 8 giờ chợ đã chỉ còn lác đác người, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị đóng cửa ki ốt hay dọn hàng về.

Trong khi đó thì trên một đoạn dài sát mép quốc lộ 398 thuộc thôn Nhân Lư của xã, cách chợ Cháy chỉ vài ba trăm mét, từ lâu đã tự phát mọc lên một cái chợ khác, gọi là chợ chiều Nhân Lư. Tuy gọi là chợ chiều nhưng từ sáng sớm chợ đã họp và buôn bán nhộn nhịp cả ngày, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến môi trường.

Cho rằng chợ chiều Nhân Lư là nguyên nhân gây sự vắng vẻ của chợ Cháy, ảnh hưởng đến doanh thu của mình, nhiều tiểu thương trong chợ Cháy đã có đơn gửi các cấp lãnh đạo, yêu cầu dẹp bỏ chợ tạm, dẫn đến khiếu kiện đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của các hộ kinh doanh trong chợ Cháy là sự chênh lệch về mức đóng góp. Với mỗi ki ốt loại 1 trong chợ Cháy, mỗi hộ thuê phải nộp 2,7 triệu/tháng, nộp 3 năm liền với số tiền gần 100 triệu đồng. Các ki ốt còn lại mỗi tháng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng tùy vị trí. Trong khi đó ở chợ chiều Nhân Lư thì một năm, một hộ kinh doanh chỉ phải nộp cho thôn 400 ngàn đồng, tuy vị trí kinh doanh nào của chợ chiều cũng thuận lợi hơn ở trong chợ Cháy, bởi chợ họp sát đường nên người dân chỉ cần dừng xe là có thể mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trả lời chúng tôi về vụ việc trên, ông Nguyễn Hải Nam, chủ tịch UBND xã Cẩm Chế, cho biết, trong thời kỳ giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, các hộ kinh doanh ở chợ chiều Nhân Lư phải dồn cả về chợ Cháy, thì doanh thu của các hộ kinh doanh trong chợ Cháy có tăng lên. Như vậy, nói chợ chiều Nhân Lư đã thu hút khách, gây ảnh hưởng đến sự sầm uất và doanh thu của các tiểu thương trong chợ Cháy là có cơ sở. Nhưng từ khi hết giãn cách, chợ chiều Nhân Lư trở lại bình thường, thì UBND xã đã tiến hành giải quyết một số vi phạm trong chợ chiều. Thứ nhất là việc gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 398, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành giải tỏa, vạch đường đỏ quy định phạm vi 2 mét tính từ mép đường. Việc này được các hộ kinh doanh trong chợ chiều chấp hành rất nghiêm chỉnh, việc cản trở giao thông đã không còn. Thứ hai là ảnh hưởng môi trường, việc này UBND xã đã giao cho tổ vệ sinh môi trường tiến hành dọn dẹp thường xuyên, nên môi trường cũng không còn bị ảnh hưởng nữa.

Tuy ông chủ tịch nói vậy, nhưng quan sát chợ chiều Nhân Lư trong hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy vẫn có rất nhiều người đỗ xe ngoài vạch đỏ, trên lòng đường để mua bán, việc ảnh hương giao thông vẫn còn.

Chúng tôi hỏi ông chủ tịch:

- Chợ chiều Nhân Lư có trong quy hoạch xây dựng NTM của xã, được cấp có thẩm quyền phê duyệt không?

- Không, không có trong quy hoạch.

- Đối với một địa phương đã đạt chuẩn NTM, thì điều quan trọng nhất là phải tuyệt đối tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để chợ chiều tồn tại, là địa phương đã vi phạm luật quy hoạch. Tại sao không dẹp bỏ một cách triệt để?

Ông Nguyễn Hải Nam không trả lời câu hỏi này.

Việc dẹp bỏ chợ chiều Nhân Lư không chỉ được UBND huyện, mà còn được cả UBND tỉnh quan tâm. Các cấp nói trên đã ban hành nhiều văn bản. Ngày 28/2/2014, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 07 “v/v quản lý chợ trên địa bàn tỉnh”, trong đó yêu cầu các địa phương phải giải tỏa hết các chợ cóc, chợ tạm, cácđiểm bán hàng vi phám an toàn giao thông. Và gần đây nhất là công văn của UBND tỉnh Hải Dương chuyển đơn của các công dân xã Cẩm Chế về việc giải tỏa chợ chiều Nhân Lư đến chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, yêu cầu giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/7/2020.

Nhưng đã quá thời hạn trên rất lâu, mọi việc vẫn im ắng.

Chúng tôi đã liên hệ qua ông phó văn phòng UBND huyện Thanh Hà, đề nghị được gặp người có thẩm quyền để trả lời về đơn đề nghị của tập thể tiểu thương chợ Cháy. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm.

    Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất