| Hotline: 0983.970.780

Cho con tiêu tiền từ nhỏ, tại sao không?

Chủ Nhật 01/04/2018 , 14:50 (GMT+7)

Cho con mình tiếp xúc với tiền từ khi học mầm non còn chưa biết chữ, dù có không ít ý kiến phản đối, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn kiên trì phương pháp day con có phần “ngược đời” này.

tien-tieu135752598
Ảnh minh họa

Bởi theo TS Hương hầu hết cha mẹ luôn nghĩ rằng “nhà nghèo học giỏi mới ngoan” nhưng theo chị thì “đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi mà hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo”. Từ quan niệm đó, nên TS Vũ Thu Hương rất thích dạy con sớm về giá trị của đồng tiền.

“Mình đem tiền đi photo ra rồi cho con chơi đồ hàng trong nhà bằng những đồng tiền giả ấy. Tôi dạy con nhận biết tiền to tiền nhỏ không phải bằng cách đọc con số. Điều lưu ý là mọi thứ tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới đều tuân theo quy luật: Tờ nào mệnh giá to thì kích thước nó to”, TS Hương chia sẻ.

Song song với đó, TS Hương hướng dẫn con làm cái ví bằng giấy rồi dặn con hãy giữ tờ tiền phẳng phiu bằng cách cho vào ví giấy. Khi giao dịch với bạn bè lúc chơi đồ hàng, con có chi tiền hay thu tiền thì xong vẫn nên cho vào ví cho đẹp. Tờ tiền đẹp sẽ thể hiện con là em bé biết giữ gìn. Vì thế, "con bé rất thích ví, có lần bé còn đem bút mầu ra vẽ loăng quăng lên ví cho đẹp”.

Đến khi con 2 tuổi, TS Hương đã dắt con đi chợ và đưa tiền cho con mua hàng. Đơn giản chỉ là gói muối, gói hạt tiêu. Cửa hàng là bác hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu con tự đi, mẹ đi đằng sau. Buổi sau mẹ sẽ đứng nhìn từ xa. Vài lần như vậy, mẹ sẽ kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà.

“Vào bậc tiểu học, con cần được làm quen nhiều hơn nên việc bị sai đi mua hàng ở hàng xóm sẽ nhiều hơn nhiều. Con cũng được phép vào siêu thị cùng bố mẹ với 1 khoản tiền nhỏ muốn mua gì thì mua. Lúc đó cha mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con”, TS Hương nhấn mạnh.

Khi con đã lên lớp 5, TS Hương bắt đầu dạy con lập kế hoạch chi tiêu cho 1 khoản tiền lớn hơn. Bài toán là: Con có 1 khoản tiền dành cho 1 công việc nào đó của con (tôi hay lấy việc chuẩn bị đồ dùng học tập của con để làm công việc con thực hiện). Khoản tiền đó bố mẹ vẫn giữ nhưng con biết là sẽ có. Con lập kế hoạch mua sắm sao cho đủ tiền mà chất lượng cũng như giá cả hợp lý.

“Tôi hướng dẫn con lập bảng bằng giấy và tự tính toán sao cho phù hợp. Con đã học đến lớp 5 thì mọi tính toán là đều làm được rồi. Tuy nhiên, tính kiểu đơn giản thì con sẽ dễ làm hơn là các phép tính phức tạp của kế toán.

Để con tính toán và xử lý số tiền phù hợp nhất, tôi đưa con đến các siêu thị, cửa hàng để con khảo giá. Sau khi khảo xong, con tự tính toán và quyết định mua gì ở đâu. Số tiền mình đưa ra thường ít hơn số cần thiết 1 chút để con phải đau đầu tính toán.

Cần lưu ý là nếu đưa nhiều cho trẻ sẽ không có giá trị dạy con tiết kiệm. Phần lưu ý trong bảng con sẽ ghi địa chỉ mua món hàng đó (cửa hàng nào bán rẻ và chất lượng). Sau khi con đã có bảng chi tiêu rõ ràng, tôi giao tiền cho con và cùng con đi mua. Sau lần đó, con tiết kiệm hẳn và rất nhận thức được việc phải giữ gìn đồng tiền thế nào”, TS Hương nhớ lại.

Sau khi con đã qua được giai đoạn này, TS Hương bắt đầu giao tiền cho con giữ. Thay vì cho con tiền tiêu hàng ngày như các mẹ, chị Hương cho con hẳn 1 khoản to để tiêu trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Nếu con làm mất hay tiêu lẹm vào thì con sẽ phải nhịn ăn sáng hoặc ăn ít đi. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra con nhịn ăn sáng, thì bé sẽ bị phạt rất nặng.

Đến nay, con gái TS Hương sắp kết thúc lớp 12. Có lẽ nhờ phương pháp giáo dục của mẹ mà cô bé sống rất độc lập, biết kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình từ khi còn học cấp hai. Giờ đây cô bé cũng tự quyết định việc mình sẽ học đại học nào và lên kế hoạch học đại học trong nước một hai năm sau đó kiếm học bổng du học.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất