| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/12/2014 , 07:58 (GMT+7)

07:58 - 22/12/2014

Chờ đến thế kỷ 22 nhé!

Việc anh Nguyễn Kim Sơn (36 tuổi, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) chế tạo ra chiếc ô tô sử dụng động cơ 110 cm3 của xe máy, đang được dư luận hết sức quan tâm.

Chiếc xe này được anh Sơn gò, hàn các thanh sắt thành khung, sườn. Mái che của xe bằng những mảnh nhôm, được gò và bắt vít lại với nhau. Nội thất bên trong tuy đơn giản nhưng cũng đủ chỗ cho 4 người ngồi.

Xe có đầy đủ gương chiếu hậu, kính chắn gió phía trước, đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, gạt nước… Xe này đã được anh Sơn sử dụng trong một hành trình xa nhất là 60 km. Còn hàng ngày, anh vẫn dùng để đưa con đi học, mà chưa gặp một sự cố nào.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành ô tô của ta, dù 20 năm qua đã được hưởng đủ thứ ưu đãi từ cái bầu sữa của Nhà nước. Nhưng việc sản xuất ra một cái ô tô “của mình” thì vẫn trong mơ.

Ngay việc nội địa hóa 25% khi lắp ráp thuê cho người ta, cũng còn “trầy da tróc vẩy”, thì việc một anh nhà quê tự mình làm ra cả một cái ô tô, dẫu còn đơn giản, trong điều kiện không có bất cứ một trang thiết bị nào, là một sáng tạo đáng khích lệ.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại nghĩ khác.

Nghe được thông tin trên, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đã có ý kiến ngay rằng “Các đơn vị, cá nhân nào muốn sáng chế phương tiện đi lại thì phải có trình tự theo đúng quy định được ban hành…

Việc chế tạo một chiếc xe ô tô mang động cơ của xe máy như trên là hoàn toàn không đúng quy định của Nhà nước. Các cơ quan chức năng cần xem xét, có ý kiến ngay kẻo bùng phát, biết đâu lại chả sản xuất hàng loạt”.

Còn Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Nghệ An thì khẳng định “Muốn sáng chế một phương tiện đi lại, lưu thông trên đường thì phải báo cáo với cơ quan chức năng”…

Nghe mà phát buồn. Ai chả biết, ở ta, từ lúc “báo cáo với cơ quan chức năng” về ý tưởng sáng chế một cái gì đó, đến khi được cho phép thực hiện theo đúng “quy định của Nhà nước”, nó nhiêu khê, rắc rối và tốn kém đến mức nào.

Quy định, dù của Nhà nước, thì vẫn do con người đặt ra. Không phải quy định nào cũng phù hợp với cuộc sống. 

Ý tưởng lập đội dịch vụ để đưa người say rượu từ các quán nhậu về nhà mới đây, là một ví dụ. Quy định người ngực lép không được đi xe máy là một ví dụ. Rồi một người không được đứng tên đăng ký nhiều phương tiện giao thông. Và mỗi năm có cả trăm văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”… là những ví dụ.

Đã đặt ra những quy định, thì cũng có thể thay đổi chúng. Miễn sao chúng đi vào được cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo, được thi thố hết tài năng. Còn hơn những người thuộc làu quy định, ăn hàng núi tiền thuế của dân, nhưng cả đời chẳng làm ra được cái gì.

Với trường hợp của anh Sơn, chỉ cần yêu cầu anh đưa sản phẩm của mình đến Trung tâm Đăng kiểm. Các trung tâm đó có đủ cả con người lẫn thiết bị để giám định xem chiếc xe có đủ điều kiện lưu thông không?

 Nếu không, thì hướng dẫn để anh tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình, cho đến khi đủ điều kiện thì cấp phép, và đăng ký cho anh. Thế là xong. Việc gì phải đao to búa lớn? Và nếu chiếc xe đủ điều kiện lưu thông thì sợ gì anh sản xuất hàng loạt?

Với chiếc xe của anh Sơn, chắc chắn nhiều người dân sẽ có điều kiện sở hữu ô tô, vì giá của nó rẻ. Còn hơn là ngồi chờ đến thế kỷ 22 mới mua được ô tô “Made in Việt Nam”.