| Hotline: 0983.970.780

Chợ Gò, phiên chợ tết độc nhất vô nhị

Thứ Ba 28/01/2020 , 14:28 (GMT+7)

Là chợ, nhưng giữa người mua kẻ bán không 1 lời nói thách, trả giá.

Những món hàng “độc” được bày bán tại chợ Gò vào mùng 1 tết  để khách mua lộc đầu năm.

Là chợ, nhưng mỗi năm chỉ nhóm duy nhất 1 lần vào ngày mùng Một tết. Là chợ, nhưng giữa người mua kẻ bán không 1 lời nói thách, trả giá. Là chợ, nhưng không bán những món hàng cao cấp, đắt tiền như ở nhiều chợ khác; chủ yếu chỉ bán những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, nhiều nhất là quả cau, lá trầu, quả sung, đu đủ, khổ qua, muối, rau muống... Người đi chợ không phải mua hàng, mà chỉ đi kiếm lộc đầu năm.

Những nét độc đáo nói trên chỉ có ở phiên chợ Gò được tổ chức tại thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò nằm trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng.

Nơi dưỡng binh của nhà Tây Sơn

Nói về thời điểm hình thành phiên chợ Gò, đến cả những bậc lão niên ở địa phương cũng rất mơ hồ. “Tui cũng không biết phiên chợ Gò có từ lúc nào, chỉ biết khi tui lớn lên là đã có chợ Gò. Thuở niên thiếu, năm nào tui cũng mong đến tết để được đi chợ Gò vui chơi. Hồi nhỏ, có lần tui hỏi ông nội, nhưng ông chỉ bảo chợ Gò có từ thời Tây Sơn nhưng không biết đích xác là thời điểm nào”, cụ Lê Văn Hiếu (74 tuổi) ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) nhớ lại.

Vợ chồng cụ Lê Văn Hiếu và Lê Thị Đình Anh kể chuyện về chợ Gò.

Tương truyền, vào năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh, quân Nguyễn Ánh đưa quân đánh Quy Nhơn, lăm le tấn công thành Hoàng Đế, nơi Nguyễn Nhạc xưng vương nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn, Bình Định) ngày nay. Để đối phó với quân Nguyễn Ánh, 2 võ tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được điều động mang 3 vạn quân vào Quy Nhơn đánh chặn đầu quân Nguyễn Ánh để bảo vệ thành Hoàng Đế và Thị Nại.

Trường Úc  thuộc huyện Tuy Phước là địa điểm dễ tiếp cận với Quy Nhơn nên các tướng Tây Sơn chọn làm nơi đóng quân. Đội quân nhà Tây Sơn đóng quân trên gò đất trống, 1 bên là núi Hàm Long, 1 bên là sông Hà Thanh với bến đò Trường Úc. Quân nhà Tây Sơn chỉ có 1 ít là người địa phương, còn lại hầu hết là dân ở các tỉnh phía Bắc. Để xoa dịu nỗi nhớ quê, nhớ gia đình của binh lính trong những ngày tết, ngay trong ngày đầu năm mới, các tướng lĩnh Tây Sơn bèn tổ chức nhiều trò chơi dân gian ngay trên gò Trường Úc (nơi tổ chức chợ Gò bây giờ) để binh lính vui chơi, giải khuây. Các hoạt động vui chơi của binh lính còn lôi kéo cả người dân địa phương tham gia, nhiều nhất là nam thanh nữ tú.

Khách đi chợ Gò mua lộc nườm nượp.

Cuộc vui kéo dài cả ngày mùng 1 tết. Chiều tối, người dân địa phương lũ lượt kéo nhau về nhà trong muôn vàn tiếc núi, còn những người lính thì quay lại với nhiệm vụ. Trở thành thông lệ, hàng năm vào mùng 1 tết là tại gò Trường Úc lại được tổ chức hội xuân, đó cũng là ngày vợ con binh lính quê ngoài Bắc rủ nhau về Trường Úc thăm chồng, thăm bố và tham gia vui chơi. Ngày vui tụ tập đông người, vậy là người dân địa phương bày thức ăn nước uống ra bán phục vụ, lâu trở thành lệ. Khi quân Tây Sơn kéo đi, về sau này, gò Trường Úc trở thành nơi tổ chức Hội Tết chợ Gò, và chợ Gò cũng chỉ nhóm 1 ngày vào mùng 1 tết hàng năm.

Đi chợ mua hạnh phúc

Nghe tiếng chợ Gò đã lâu, nhưng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này tôi mới có dịp dạo chợ. Bạn bè khuyến cáo: “Ông muốn đi chợ Gò phải đi thật sớm hoặc đi muộn 1 tí mới vào được chợ, chứ đi vào lúc cao điểm ông chen chân không nổi đâu”.

Nghe lời bạn, tôi đi chợ muộn. Đã gần trưa mùng 1 tết tôi mới đến chợ nhưng thấy người vẫn còn nghìn nghịt, xe cộ chật cứng. Con đường dẫn đến chợ Gò phải có CSGT đứng phân luồng mới giữ được ổn định. Dạo 1 vòng quanh chợ, tôi nhận thấy ở chợ Gò bày bán không thiếu 1 loại nhu yếu phẩm gì cần cho ngày tết, từ đồ khô đến đồ tươi. Quan sát kỹ, tôi không thể không ngạc nhiên khi thấy những món hàng mà chợ Gò bán nhiều nhất là muối, rau muống, lá trầu, quả cau, quả sung, đu đủ, khổ qua…

Bán 1 rổ muối với vài bó rau muống thu nhập chẳng là bao nhưng chị Hà luôn cười tươi.

Không kiềm được lòng tò mò, tôi hỏi cụ Lê Thị Đình Anh (73 tuổi), vợ của cụ ông Lê Văn Hiếu, về ý nghĩa của những món hàng “độc” nói trên được bày bán vào ngày đầu năm ở chợ Gò. “Theo quan niệm của người xưa, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, của các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp và giúp xua đuổi tà khí đem lại may mắn, nên ngày đầu năm mới người đi chợ ai cũng mua túi muối lấy hên. Còn mua trầu và cau là để cầu mong cho tình nghĩa vợ chồng gắn kết keo sơn như trầu với cau. Mua rau muống là để trong năm mới “muốn gì được nấy”. Mua đu đủ là để cầu mong năm mới làm ăn đủ đầy, mua sung là để cầu được sự sung  mãn; mua khổ qua là để cầu mong cho những cơ cực, khổ sở của năm cũ qua đi để có 1 năm mới hưng thịnh. Từ những ý nghĩa đó, người đi chợ Gò ai cũng mua những món kể trên mỗi thứ 1 ít để lấy lộc đầu năm”, cụ Lê Thị Đình Anh giải thích.

Cũng theo cụ Anh, từ ngày 30 tháng Chạp, những người muốn bán hàng tại phiên chợ Gò vào mùng 1 tết đã phải tập trung tại nơi tổ chức để “xí” phần đất, che rạp làm chỗ bán hàng. Qua giao thừa, khi chợ được nhóm là đã có người đi dạo chợ mua hàng lấy lộc. Càng về sáng chợ càng đông đúc. Người đi chợ không chỉ là dân trong huyện, mà cả người dân ở thành phố Quy Nhơn, ở thị xã An Nhơn cũng đổ về đi chợ. Thậm chí những khách làm ăn phương xa về quê ăn tết dù ở đâu cũng tranh thủ đi chợ Gò để lấy lộc đầu năm.

Ít có ai gắn bó với chợ Gò suốt 37 năm qua như cụ Đào Thị Chơn (82 tuổi) ở thị trấn Tuy Phước. Nói về chợ Gò, cụ Chơn “gói gọn” trong mấy câu ca dao: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên. Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò. Chợ Gò là chợ hẹn hò…”. Theo cụ Chơn, người đi chợ Gò không chỉ để lấy lộc mà còn là nơi nam thanh nữ tú đến cầu duyên.

7 năm qua, phiên chợ Gò càng thêm rôm rả nhờ có thêm phần lễ do UBND huyện Tuy Phước tổ chức.

Ở chợ Gò, người bán rổ muối, mớ cau, mớ trầu, vài chục quả sung, đu đủ, quả mướp… chẳng có thu nhập là bao, nhưng theo quan niệm của dân gian, khi mình trao lộc cho người khác bản thân mình cũng được ban lộc. Bởi thế, tại phiên chợ Gò có rất nhiều thôn nữ đội nắng cả ngày ngồi “bán lộc” cho khách đi chợ. Chỉ ngồi bán 1 rổ muối với vài bó ra muống, nhưng chị Huỳnh Thị Hà lúc nào cũng tươi cười chào mời khách đi chợ mua hàng của mình. “Khách đi chợ thường chỉ mua 1 túi muối nhỏ để lấy hên chứ không mua nhiều mang đi nặng nề. Thế nhưng tui cứ đong đầy chén, vun ngọn chứ không gạt đi, để người mua có được sự đủ đầy trọn vẹn trong năm mới, rồi khách mua trả bao nhiêu tiền thì trả. Mình không đòi hỏi, nhưng hầu hết khách mua đều trả tiền gấp mấy chục lần giá trị của 1 chén muối, người mua cũng vui mà tui cũng mừng”, chị Hà vừa cười vừa bộc bạch.

Không chỉ có hoạt động mua bán xin lộc đầu năm, 7 năm qua, phiên chợ Gò càng thêm rôm rả nhờ có thêm phần lễ do UBND huyện Tuy Phước tổ chức. Sau khi trẩy hội xin lộc, người dân và du khách còn được thưởng thức các tiết mục chào xuân mới đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống như hát bộ, bài chòi, võ thuật, múa lân... Khách dạo chợ nếu mỏi chân, đói bụng thì đã sẵn nhiều hàng quán ngay trong chợ phục vụ các loại nước giải khát và các món bún, phở. Náo nhiệt nhất là gian chòi tranh để các nghệ sĩ dân gian hô bài chòi xổ lô tô mua vui cho khách đi chợ được dựng ngay cổng vào chợ Gò. Rất đông nam thanh nữ tú ghé vào chơi chơi 1 ván lô tô để thử vận may đầu năm.

“Chợ Gò chỉ vắng khách trong khoảng 10 năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước, vì người dân sợ máy bay oanh kích nên không dám họp chợ. Còn lại, chợ Gò thường xuyên được tổ chức và năm nào cũng đông vui. Tui mong nhất nhanh đến tối để được xem hát bộ”, cụ Lê Văn Hiếu chia sẻ.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm