| Hotline: 0983.970.780

Chỗ nào khó thì không dạy nữa (?!)

Thứ Sáu 26/08/2011 , 10:30 (GMT+7)

NNVN xin đăng tải cuộc khảo sát học và giảng dạy tại một số trường ĐH ngoài công lập...

Hiện nay, các thí sinh đã bắt đầu đăng kí xét tuyển NV2

Trước khi đến với kết quả xét và các “chiêu trò” xét tuyển NV2 của mùa tuyển sinh năm nay trong những bài viết tới, NNVN xin đăng tải cuộc khảo sát học và giảng dạy tại một số trường ĐH ngoài công lập. Từ đó, hẳn độc giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình: Vì sao họ rơi vào bi kịch?

>> Bi kịch Đại học ngoài công lập

THI TUYỂN “3 KHÔNG”, VÀO HỌC CŨNG “3 KHÔNG”

Các trường ĐH ngoài công lập rơi vào bi kịch như hiện nay bởi họ chỉ chạy theo lợi nhuận khi tuyển sinh hàng ngàn thí sinh nhưng không đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình, giáo trình học. Với các trường “3 không” như thế này, việc phát triển tất yếu sẽ không bền vững!

ĐH Đại Nam ra đời năm 2007 lấy khoa Kế toán – Kiểm toán làm khoa chủ lực (như lời giới thiệu của nhà trường trên website). Để thu hút sinh viên, khoa đã quảng bá: “Đội ngũ giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng của khoa hiện nay là các Giáo sư, Phó GS, Tiến sĩ, Thạc sĩ, giảng viên chính có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo, có phương pháp giảng dạy hiện đại, có kiến thức thực tế về kế toán doanh nghiệp trong các ngành, các lĩnh vực, lại có tâm huyết với nghề nghiệp”.

Đặc biệt, nhà trường còn giới thiệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu của mình cũng rất “hoành tráng”: “Các giảng viên cơ hữu khác trong khoa đều là những thầy cô được đào tạo chính quy từ các trường danh tiếng trong nước và nước ngoài, có trình độ chuyên môn sâu, có thâm niên và kinh nghiệm giảng dạy tốt, có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao”.

Nhưng trên thực tế, các sinh viên trong trường cho biết họ chưa từng được học với các giảng viên cơ hữu. “Toàn bộ các thầy cô đến dạy chúng em đều là giảng viên của Học viện Ngân hàng hoặc Học viện Tài chính (chủ yếu là Học viện Ngân hàng). Khi đến dạy, thầy cô yêu cầu mua giáo trình nào thì chúng em mua giáo trình đó. Chương trình học cũng giống như các sinh viên của 2 trường này”, bạn Trần Thị Bình, sinh viên năm 4 khoa Kế toán, ĐH Đại Nam cho hay.

Không những không có đội ngũ giảng viên cơ hữu (điều kiện bắt buộc khi thành lập trường) và không có hệ thống giáo trình chương trình đào tạo riêng, Trường ĐH Đại Nam còn phải thuê địa điểm cho sinh viên học. Mãi đến tận năm 2011, nhà trường mới hoàn thiện cơ sở vật chất, chấm dứt cảnh sinh viên phải đi học thuê ở chung cư!

Trên địa bàn Hà Nội có một trường ĐH ra đời năm 2007 với 7 khoa, trong đó có khoa Ngoại ngữ. Giới thiệu về khoa Ngoại ngữ, trên website của trường này có những đoạn khá hoa mỹ: “Khoa có ban chủ nhiệm khoa, trợ lý khoa và nhiều giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng (phần lớn được đào tạo ở nước ngoài, có bằng cấp hoặc đang theo học thạc sỹ ở các cơ sở đào tạo trong nước)”, “Chương trình, giáo trình hiện đại, cập nhật, linh hoạt, với  đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, với những thiết bị học tập được nhà trường trang bị tối tân như phòng vi tính, phòng lab, video, máy chiếu, thư viện…”.

Thực tế có được vậy không? Quách Thị Thu Hiền hiện là sinh viên năm thứ 4 Khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Anh của trường này cho biết: “Nhà trường cũng trang bị đầy đủ máy chiếu, phòng lab cho sinh viên, nhưng chúng em không có giáo trình, chương trình học riêng. Chương trình học của chúng em giống hệt chương trình học của các bạn sinh viên ở ĐH Hà Nội. Thầy cô dạy cũng là giảng viên của trường đó luôn. Khi đến dạy, các thầy cô yêu cầu mua giáo trình nào thì chúng em mua giáo trình đó”.

GIÁO TRÌNH KHÓ QUÁ THÌ… BỎ QUA

Từ thực tế “3 không” ở các trường ĐH ngoài công lập (không cơ sở vật chất tối thiểu, không chương trình và giáo trình, không đủ giảng viên), một câu hỏi được đặt ra là: Mang chương trình, giáo trình và cách dạy của Trường ĐH Hà Nội, Học viện Ngân hàng áp dụng cho sinh viên Trường ĐH Thành Tây, ĐH Đại Nam liệu có là bất cập, khi mà chất lượng đầu vào của hai trường này quá chênh lệch nhau?

Trước câu hỏi này, bạn Hiền, sinh viên Khoa tiếng Anh của một trường ĐH ngoài công lập cho biết: “Ngay khi vào học, các thầy cô đã giải thích với chúng em là điểm đầu vào không quyết định được điều gì, quan trọng là cần phải biết mình đứng ở đâu để cố gắng!”.

Và để phù hợp với trình độ của đại đa số sinh viên trong trường, Hiền cho biết trong quá trình dạy, các thầy cô của Trường ĐH Hà Nội sẽ có những lựa chọn, thay đổi linh hoạt. “Có những phần trong giáo trình không phù hợp với chuyên ngành phiên dịch hoặc yêu cầu cao ở người học thì các thầy cô sẽ không dạy nữa”, Hiền nói.

Tình trạng “chỗ nào khó thì… không dạy nữa” cũng xảy ra ở Trường ĐH Đại Nam. Sinh viên Trần Thị Bình cho biết: “Có những môn bọn em học hết giáo trình, nhưng cũng có những môn có những phần rất khó thì các thầy cô sẽ bỏ lại, không dạy nữa vì lý do phần đó không phù hợp với trình độ của bọn em”.

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng:

Các trường ngoài công lập được mở ra, về lý thuyết là có thể chia sẻ gánh nặng cho công cuộc xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Nhưng nếu các trường này có chỉ tiêu mà không thể tuyển đủ thì chủ trương và tinh thần xã hội hóa giáo dục cũng như vai trò của các trường ĐH ngoài công lập cần phải được xem xét lại.

Trong khi duy trì cách học và cách dạy như vậy thì Trường ĐH Đại Nam quảng bá sinh viên học tại Khoa Kế toán của trường khi ra trường sẽ “đảm nhận ngay được chức vụ nhân viên kế toán trong doanh nghiệp, đơn vị và có năng lực tổ chức công tác kế toán đối với một doanh nghiệp; làm tốt công tác phân tích tài chính của cán bộ tín dụng trong các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán. Và sau một thời gian ngắn có thể đảm nhận các chức vụ cao hơn như chuyên viên kế toán, kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán, phó giám đốc, giám đốc tài chính và làm dịch vụ tư vấn về kế toán, tài chính cho các đơn vị - những chức vụ đem lại thu nhập rất cao”.

Sinh viên của các trường ĐH ngoài công lập than thở: “Có lẽ chỉ có chúng em mới có cái cảm giác thấp thỏm lo âu vì sợ trường giải thể. Các bạn học công lập (ĐH hay CĐ) chưa bao giờ phải nghĩ đến điều này”.

Những ngày vừa qua, Hiền, Bình cùng nhiều bạn bè của mình đã đọc được những bài báo nói về nguy cơ giải thể, tan rã của các trường ĐH ngoài công lập do không tuyển được học sinh. “Ban đầu thì em còn nghĩ chuyện đó chắc chỉ là trường làm quá lên để Bộ hạ điểm sàn, cứu các trường ngoài công lập. Nhưng đọc hết bài báo mới thấy chính thầy Hiệu trưởng đứng lên phân tích rồi kết luận là có thể sẽ đóng cửa trường khiến chúng em lo và hoang mang quá”, Hiền nói.

Khi đem những thắc mắc này đi hỏi lãnh đạo nhà trường, các sinh viên đã nhận được một câu trả lời chắc như đinh đóng cột để trấn an tâm lý: “Nhà trường như thế này, thầy cô và sinh viên thế này, làm sao mà giải thể được? Trường nào giải thể chứ trường mình thì chưa thể!”.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất