| Hotline: 0983.970.780

Chợ thủy sản vẫn sôi động sau vụ cá chết bất thường ở Nghi Sơn

Thứ Bảy 17/09/2016 , 07:06 (GMT+7)

Tình trạng cá lồng và cá tự nhiên chết hàng loạt ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa không ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, khai thác thủy hải sản.

Cá lồng bị chết được người dân đem phơi khô. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

 

Tình trạng ô nhiễm ở xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vừa qua khiến gần 50 tấn cá lồng và 300 kg cá tự nhiên chết hàng loạt.

Phóng viên đã có cuộc khảo sát tại các cảng cá ven biển, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thấy các hoạt động đánh bắt, mua bán thủy hải sản trong các ngày gần đây vẫn diễn ra bình thường.

Ra khơi từ tờ mờ sáng, chuyến đánh bắt gần bờ đầu tiên trong ngày của các ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã đầy ắp khoang với nhiều loại hải sản phong phú như cá khoai, các loại cá biển, tôm, mực, tôm tít...

Ngay khi cập bến, rất nhanh chóng, các tiểu thương đã đón sẵn và thu mua toàn bộ số cá trên.

Chị Nguyễn Thị Dung (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa) cho biết: "Tôi cũng có nghe thấy thông tin cá chết trong Nghi Sơn, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn đánh bắt bình thường, sản lượng đánh bắt vẫn ổn định."

Còn tại xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia), nơi xảy ra hiện tượng cá chết, các tiểu thương ở đây cho biết, hiện tại không còn thấy cá chết như một tuần về trước, việc thu mua và đánh bắt cá vẫn diễn ra bình thường. Ngay khi xảy ra vụ việc cá lồng, cá tự nhiên chết bất thường, Ủy ban Nhân dân xã đảo Nghi Sơn đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ người dân ổn định sản xuất cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân.

Qua trao đổi, chị Phạm Thị Yên - một tiểu thương buôn bán thủy hải sản ở chợ xã đảo Nghi Sơn cho biết hiện tượng cá chết không ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán thủy hải sản. Người dân trong xã đảo vẫn mua và sử dụng cá biển làm thức ăn bình thường như những ngày trước đây.

Tại các chợ dân sinh lớn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa như chợ Điện Biên, chợ Tây Thành, chợ Trường Thi, chợ Vườn Hoa cũ..., hoạt động mua bán các thực phẩm từ biển vẫn diễn ra sôi động.

Chị Trịnh Thị Thanh (phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Tôi có nghe thông tin việc cá chết trong Nghi Sơn nhưng vì lâu nay vẫn quen sử dụng các thức ăn từ biển nên tôi cẩn thận hơn một chút bằng cách lựa chọn những hải sản tươi sống, đánh bắt trong ngày cho bữa cơm gia đình."

Chiều 16/9, trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Lương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa cho biết tàu kiểm ngư của Chi cục vẫn đang tích cực hoạt động tuần tra kiểm soát trên vùng biển Thanh Hóa.

Kết quả kiểm tra cho thấy màu nước biển không có hiện tượng bất thường, các vùng biển không có cá chết, ngư dân vẫn khai thác đánh bắt như mọi ngày. Người dân vùng biển vẫn sử dụng cá, tôm... biển trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế, người dân yên tâm đánh bắt, sản xuất nuôi trồng thủy sản, duy trì hoạt động du lịch tại vùng biển Thanh Hóa.

Trước đó, tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt với số lượng gần 50 tấn cá lồng và 300 kg cá tự nhiên. Kết quả các phân tích nhanh ban đầu đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa bước đầu xác định lượng cá lồng chết là do hiện tượng tảo nở hoa và vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định rõ nguyên nhân cá tự nhiên chết.

Vietnam+

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm