| Hotline: 0983.970.780

Chỗ trên trời, nơi dưới đáy

Thứ Năm 12/04/2012 , 11:07 (GMT+7)

Muốn thu hồi đất, chính quyền lẫn nhà đầu tư vẫn phải làm theo kiểu ép buộc nông dân...

Chuyện định giá đất nông nghiệp sở dĩ nóng bỏng, kiện cáo nhiều một phần vì thực tế chưa có địa phương nào đưa ra “khung chuẩn” thấu tình đạt lý cả. Muốn thu hồi đất, chính quyền lẫn nhà đầu tư vẫn phải làm theo kiểu ép buộc nông dân.

>> 20 triệu đồng và chuyện 1 thôn có 2 bệnh viện
>> Cái lý của người dân

Có chết cũng không giao đất rẻ nữa

Như hầu hết các địa phương khác, quá trình thu hồi đất nông nghiệp ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đẻ ra vô số vấn đề kiện cáo. Người dân đi kiện về đất đai lập thành tốp, thành đoàn hàng chục, có khi lên đến hàng trăm người. Phần lớn nội dung trong những lá đơn của họ tập trung vào việc mức áp dụng giá đền bù đất nông nghiệp ở địa phương quá thấp.


Hàng xấp đơn từ liên quan đến việc đền bù đất

Thực ra chuyện giá đền bù đất nông nghiệp ở huyện Duy Tiên âm ỉ từ nhiều năm trước. Đó là khi chính quyền tỉnh Hà Nam “ôm mộng” quy hoạch 77% diện tích huyện này thành đất công nghiệp và dịch vụ. Hàng loạt dự án vẽ ra để thu hồi ruộng khiến giá đền bù đất nông nghiệp cũng bắt đầu bát nháo. Sau khoảng 1-2 năm triển khai thì đơn thư kiện cáo bắt đầu nổ ra khắp những nơi thuộc diện bị thu hồi.

Chẳng hạn người dân tố cáo chính quyền lấy 6,5 ha của các thôn Bùi Xá, Bãi Bùi ở xã Yên Bắc bán cho tư nhân chỉ với giá 19,5 triệu đồng. Sau đó, chủ đất mới bán lại với giá 40 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần giá mua. Lấy 600 ha đất nông nghiệp của các làng Sao La, Hoàng Lý, Bạch Xá của các xã Hoàng Đông và Tiên Nội để bán cho tư nhân nhưng bị người dân ngăn chặn vì mức giá quá thấp… Đỉnh điểm là vụ thu hồi 10,8 ha ruộng khai hoang của gia đình ông Lê Hồng Ngọc ở xã Tiên Tân với mức giá đền bù 580 đồng một mét vuông… Bốn năm trời, 1.200 lá đơn, gia đình ông Ngọc kiện lên tận Chính phủ, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo làm rõ. Sau “sự kiện ông Ngọc”, những người dân bức xúc về giá đất nông nghiệp ở Duy Tiên đi khiếu kiện lại càng nhiều hơn.

Xóm Vực Vòng, thôn Bùi Xá, xã Yên Bắc có 155 hộ dân thuần nông bỗng nhiên trở thành điển hình về kiện cáo ở huyện Duy Tiên. Lạ ở chỗ, dạo mới khởi đầu phong trào xén đất nông nghiệp, dân Bùi Xá từng ồ ạt dâng đất để xây dựng đường cao tốc, xây dựng đường liên xã, giao cho các KCN tiên phong với giá 7,5 triệu đồng một sào. Vậy mà bây giờ, khi dự án mở rộng KCN Đồng Văn, cả chính quyền lẫn nhà đầu tư nâng giá lên 48,6 triệu đồng một sào, gấp 7 lần so với 2-3 năm trước họ vẫn lắc đầu một cách rất quyết liệt. Nguyên do chính là vì nông dân cho rằng mức giá ấy quá rẻ so với hiện nay.

Từ đầu năm đến nay không biết đã có bao nhiêu đơn thư được gửi đi từ Vực Vòng. Tất cả đều là đơn kiện đất đai. Ở đây, tôi gặp một nhóm người già đang họp nhau chuẩn bị lên Hà Nội khiếu kiện. Già cả rồi nhưng họ bảo là phải đi. Đi để hỏi 2 vấn đề sống còn của nông dân Vực Vòng mà bao năm qua chính quyền huyện và tỉnh né không trả lời: Lấy hết ruộng đất, nông dân chúng tôi sống bằng gì? Giá đất quá rẻ mạt, 46,8 triệu đồng một sào là quá thấp và chính quyền căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá ấy? Trước thương thảo ai cũng bảo là chính quyền phải làm trọng tài để doanh nghiệp và người dân thỏa thuận nhưng thỏa thuận chưa xong sao lại ra quyết định thu hồi đất? Đó cũng là cơ sở để nông dân xã Yên Bắc tuyên bố: Có chết chúng tôi cũng không giao đất rẻ nữa.

Hỏi đến vấn đề định giá đất nông nghiệp, ông Vũ Văn Hưng, một trong những người đứng đơn ở Vực Vòng phân tích: Đất hai lúa bao đời nay mà người ta chỉ trả chừng ấy tiền thì nông dân chúng tôi không lọt lỗ tai là có cơ sở. Bình quân mỗi vụ nông dân thu 4 tạ lúa một sào. Chưa ai giàu từ một sào ruộng nhưng cũng chẳng đói. Bây giờ chính quyền lấy giao cho DN với giá này thì nông dân chết. Thà là công trình phúc lợi, nông dân sẵn sàng, đằng này lấy đất làm KCN, dân chẳng được lợi lộc gì cả”.


Dù đã có quyết định thu hồi nhưng người dân thôn Bùi Xá vẫn không chịu bàn giao đất vì giá quá rẻ.

 Thế tại sao cũng đất ấy, cũng làm KCN mà mấy năm trước giá thấp hơn nông dân vẫn cứ giao cơ mà? Ông Hưng lý giải câu hỏi của tôi bằng nét mặt khắc khổ: Hồi đó người dân còn “ngây thơ” dâng đất chứ qua thực tế mới biết là mình dại quá. Ngay ở khu Vực Vòng này, tỉnh huyện thu hồi chỉ 7,5 triệu đồng/sào nhưng sau đó mang ra cho DN đấu giá thì cao gấp 3.000 lần so với giá gốc. Chúng tôi cũng biết giá đất nông nghiệp là vô cùng, định giá thế nào thì biết vậy chứ có căn cứ nào đâu. Còn bây giờ, giá đất đền cao gấp 7 lần rồi vẫn thấy là quá rẻ. Chúng tôi cũng đang thắc mắc là tại sao cùng là ruộng hai lúa như nhau, chỉ cách một con sông Nhuệ mà bên Phú Xuyên (Hà Nội) định giá lên tới 480 triệu đồng/sào còn bên này chỉ có hơn 48 triệu đồng. Chúng tôi cho rằng như thế là quá bất công.

Chịu đủ chiêu trò, nông dân vẫn kiên quyết

Thời điểm giá đất nông nghiệp nóng nhất ở Yên Bắc bắt đầu từ tháng 2/2011. Lúc đó, khi có ý định thu hồi đất ruộng của thôn Bùi Xá, chính quyền tỉnh Hà Nam cũng tổ chức họp dân để bàn bạc, thỏa thuận giá cả đền bù. Tiếng là họp để thỏa thuận nhưng khi mức giá được đẩy lên 48,6 triệu đồng/sào mà người dân vẫn không đồng ý nên cả chính quyền lẫn nhà đầu tư lần lượt bỏ về. Trong khi nông dân đang bức xúc vì đất ruộng bị định giá quá rẻ thì cuối năm ngoái, UBND tỉnh Hà Nam lặng lẽ ra quyết định thu hồi 20 ha đất lúa 2 vụ ở thôn Vực Vòng. Lệnh dừng sản xuất, chặn nguồn nước, niêm phong trạm bơm và cấm HTX cho máy cày ra đồng… tất cả được áp dụng những mong người dân giao đất. Thậm chí, đến tận ngày 27 Tết, biết những người nông dân chân lấm tay bùn cần tiền để tổ chức ăn tết, chính quyền cùng chủ đầu tư mang túi tiền đến “bắn tỉa” từng hộ gia đình. “Lên xóm trên thì nói xóm dưới nhận rồi, xuống xóm dưới thì nói xóm trên đã nhận, nhưng thực tế không hộ nào nhận cả.

“Chúng tôi đã từng giao đất rẻ cho KCN rồi. Thành ra bây giờ bà con có hai nguyện vọng với số đất còn sót lại. Một là chính quyền để chúng tôi yên ổn làm lúa. Hai là nếu nhất quyết thu hồi cũng phải đền bù 250 triệu đồng/sào. Sở dĩ có mức giá ấy là vì chúng tôi căn cứ vào giá đền bù đất nông nghiệp ở những địa phương xung quanh và chi phí để con em chúng tôi sinh sống, chuyển đổi nghề nghiệp sau khi mất ruộng”. Cụ Thạc, một nông dân ở thôn Thần Nữ “mặc cả”.

 Nghị định 69 về đất đai quy định phải có sự thỏa thuận giữa người dân và DN nếu DN muốn lấy đất. Nhưng cái lý của chính quyền huyện Duy Tiên đưa ra là tỉnh ra lệnh thu hồi đất rồi sau đó mới dọn đường mời DN vào. Họ lách luật như thế thì khổ người dân rồi”. Ông Hưng ngao ngán. Dân chẳng còn tin vào vai trò trọng tài của chính quyền nên mặc dù đã có quyết định thu hồi đất, có phương giá đền bù nhưng vụ mùa năm nay cánh đồng xóm Vực Vòng lúa vẫn cứ tốt bời bời.

Cạnh xã Yên Bắc là thôn Thần Nữ thuộc xã Bạch Thượng, nơi chỉ còn lại 20% đất nông nghiệp sau khi cơn bão thu hồi ruộng đất làm KCN ập đến từ nhiều năm trước. Cũng như thôn Bùi Xá, Thần Nữ tiếp tục bị quy hoạch để mở rộng KCN Đồng Văn. Người dân Thần Nữ cũng kiên quyết giữ 39 mẫu ruộng còn lại chứ nhất quyết không giao với giá hơn 48 triệu đồng một sào.

Cả thôn có 320 hộ dân, trong những lần thu hồi trước, gần 200 hộ đã mất trắng hơn 100 mẫu ruộng với mức giá rẻ như cho là 7,5 triệu đồng một sào. “Thời điểm đó, khi thu hồi đất của dân, chính quyền địa phương vận động chúng tôi mạnh dạn dâng đất, họ hứa hẹn đến năm 2013 sẽ được chia lại. Thành thử biết giá đất rẻ nhưng người dân vẫn cứ giao. Bây giờ tiền hết, đất hết, lời hứa năm xưa chỉ là hứa hão nên dân bức xúc lắm. Chúng tôi mong có cơ quan nào trên Trung ương định giá đất hoặc để người dân thỏa thuận với DN kiểu “thuận mua vừa bán”, còn nếu cứ để tỉnh, huyện định giá đất rồi bán cho DN để lấy phần chênh lệch thì nông dân chết”. Ông Vũ Văn Sơn, một nông dân đi kiện ở xã Bạch Thượng khẩn cầu.

Gia đình ông Sơn còn 1,2 sào ruộng. Nếu đồng ý mức giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra được khoảng hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa tính tới việc phải cắt bớt tiền cho đất dịch vụ. Nên ông Sơn cùng với những hộ dân còn ruộng ở huyện Duy Tiên kiên quyết giữ không chịu bàn giao đất mở rộng KCN Đồng Văn vì không muốn thảm cảnh mà ông bảo “vợ con tôi chết đói cả” xẩy ra.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm