| Hotline: 0983.970.780

Cho từng khoảnh khắc

Chủ Nhật 21/01/2018 , 10:01 (GMT+7)

Chồng đi làm mà gã gọi là “đi cày” để vợ ở nhà nội trợ. Mô hình “Nhà nên có hai con vợ chồng sung sướng”.

Cô vợ thường chống tay lên hông nổi xung khi ai đó tấm tắc chị ở nhà, hơn tiên. “Ừ, thử ở nhà đi rồi biết!” Nói chung công thức này dần phổ biến, như Nhật, như Mỹ, ở nhà không có nghĩa là kém, dốt, tụt hậu.

Ảnh minh họa

Vợ dậy sớm như phụ nữ nông thôn, yoga xong liền lo bữa sáng cho cả nhà. Nàng không chịu được cảnh chồng tha một đứa đi ăn ngoài trước khi đưa nó đến trường, vợ tha một đứa cũng ăn ở đâu đó rồi mới tiễn nó vào lớp. Nàng bảo sáng nào cũng Lạc Long Quân với Âu Cơ chia con vậy, mất toi một tiếng đồng hồ bên nhau. Buổi trưa chồng ở sở làm, hai con ở nội trú, toi gần một ngày bên ngoài căn hộ gia đình, tối mịt mới đoàn tụ với nhau nhưng chỉ một giờ là các con phải ngồi làm bài rồi. Năm ngày như vậy, có khi chồng bận ngày thứ bảy, các con phải học thêm nữa thì gia đình chỉ còn đúng ngày Chủ nhật cho nhau. Eo ơi, không ai tước đoạt mà thời gian của hạnh phúc tức tưởi quá.

Một thói quen ấm, lúc chồng lách ra, vợ luôn bước ở phía sau nhìn giày, nhìn cái gáy, nghe mùi chồng một tí. Đôi lần nàng nhắc khẽ mấy đứa bạn “Đừng quên nhìn hay chạm vào nhau, chồng ra đường biết đâu…” Không nói gì nhiều, giao thông hỗn loạn như vầy đủ biết có bao nhiêu người sáng đi là đi thẳng vào bệnh viện hoặc đi luôn. Bọn bạn cười, giống hồi chiến tranh quá, nhưng nàng biết chúng cũng lẳng lặng dán theo khi chồng của chúng lách ra cửa.

Buổi sáng của bà nội trợ đâu chỉ có nội trợ. Dọn dẹp giặt giũ xong, đã tầm 9 giờ. Nàng ngồi vào bàn mở máy tính lướt web, những tiêu mục ưa thích là thực phẩm sạch, sống khỏe, ẩm thực, thời trang. Thay vì tốn thời gian cho phây-búc, nàng học tiếng Anh trực tuyến. Bữa trưa chồng gọi về hoặc vợ gọi đi, hỏi nhau ăn gì, ăn ở đâu. Vợ sợ lên cân và không phải thù tạc với ai, vợ ăn qua quấy trong tiếng nhạc từ YouTube. Chiếc iPhone này là quà của chồng nhân mười lăm năm ngày cưới.

Mấy giờ xế của một bà nội trợ nghiêm chỉnh thường là ủi đồ, hoặc hút bụi, hoặc đi siêu thị cho những thứ cần thiết, bao nhiêu việc không tên. Chuẩn bị nấu nướng cho bữa ăn sum họp xong thì chiếc đồng hồ đổ chuông báo giờ đi đón con gái. Nó học tiểu học trường gần nhưng giờ cao điểm thì từng đoạn phố đều “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Con trai học xa, hai cha con nó bao giờ cũng bước vào khi các món nấu của nàng vừa xong. Tiếng vòi hoa sen và mùi sữa tắm yêu thích của từng người ở các phòng tắm thoảng ra, khoảnh khắc êm đềm nhất của một ngày, nàng không ao ước gì hơn.

Không còn như xưa nữa, không bao giờ như xưa nữa từ khi ba của hai đứa nhỏ thưởng cho con mỗi đứa một smartphone. Mùi thức ăn của mẹ bỗng bị xếp xuống hàng thứ. Chồng cưng con, cho chúng nó chơi máy một lát, riêng mình tranh thủ ngồi vào bàn mở laptop ra. Vợ nhìn quanh, một nỗi tủi hờn tràn ngập cõi lòng, ba cha con như ba ốc đảo và nàng là ốc đảo thứ tư xa cách nhất. Ngày lại ngày, chiều lại chiều, một lần nàng lật bàn tung hê hết các thứ trên đó. Một tiếng nổ. Một gương mặt ngút trời. Một cú cảnh cáo không thể kinh hoàng hơn.

Từ đó bữa tối nhà họ nghiêm ngắn lại. Nàng chính là nhạc trưởng trong ban nhạc bốn người của mình. Nhiều lần nàng rủ chồng để hai con ở nhà, chỉ hai vợ chồng diện đẹp ra phố với nhau. Nàng nghe thấy trong tâm hồn mình sự thèm muốn trăng mật khi cả hai bước vào trung niên. Hôm thì chồng lái ô tô đi, hôm thì xe máy vợ ngồi sau ôm xiết cái bụng bắt đầu ngấn mỡ của chàng. Có hôm cả hai cuốc bộ bằng giày thể thao, chồng quần short áo pull, vợ quần thể thao ngắn áo hai dây lộ ra hết cỡ vẻ chín muồi đàn bà.

Quán xá lúc nào cũng đông và lúc nào cũng có những chiếc bàn người ngồi như ma-nơ-canh. Là vì họ cũng đi quán nhưng ai cũng bận rộn với chiếc smartphone trên tay mình. Chồng bứt rứt, lấy iPhone ra vuốt vuốt. Nàng gặp lại cảm giác uất ức hôm nào. Đã bỏ công đi riêng với nhau mà chả lẽ chồng không thể cho vợ hết những phút giây hiếm quý này? Nàng nói rành rọt với chồng “Anh không cất máy em sẽ bỏ về ngay”. Chồng nể vợ, may mà còn nể vợ.

Nước không chảy qua chân cầu ấy hai lần. Thời gian mỗi ngày chán ngắt giống nhau nhưng thời gian cũng trôi qua như nước. Sẽ qua và ta sẽ không bao giờ sống lại được đúng khoảnh khắc ấy, của ngày hôm ấy, nơi ấy và với người ấy đâu, không hề. Rồi sẽ có lúc bạn hiểu ra điều đó và tôi tin, bạn sẽ tần ngần tiếc nuối, giá như ta thư thả hơn, chậm rãi hơn, vì vậy ta thụ hưởng được nhiều hơn. Và cũng vì vậy chất lượng sống của ta đã khác.

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm