| Hotline: 0983.970.780

Choáng váng vì giá phân bón

Thứ Sáu 18/01/2008 , 07:00 (GMT+7)

Chưa năm nào nông dân lại bị sốc và choáng váng trước tình trạng giá phân bón tăng vùn vụt như những ngày đầu năm 2008 này. Các đơn vị cung ứng và SX phân bón thì bán hàng cầm chừng, tất cả đang chờ giá tăng cao hơn nữa. Chỉ nông dân là "chết"…

Hầu toà vì không có tiền trả nợ đại lý bán phân

Anh Nguyễn Tiến Liệu, nông dân xã Y Can (Trấn Yên-Yên Bái) ngồi bệt xuống hè thất vọng bảo tôi: "Có lẽ chúng em phải bỏ ruộng thôi bác ạ, giá vật tư không ngừng tăng thế này thì càng đầu tư càng lỗ. Xoay kiểu nào cũng bí, dù vay ngân hàng hay bán lúa để mua phân bón. Vụ trước vụ sau mà giá phân bón đã tăng gấp đôi, trong khi đó giá nông sản chỉ tăng chút ít, thử hỏi nông dân chúng em sống thế nào đây?". 

 Liệu cho hay: Năm nay gia đình anh đăng ký với Hội Nông dân mua phân bón và thuốc BVTV trả chậm, sau khi đổ ải vẫn chưa thấy Hội  báo lấy vật tư, anh lên xã hỏi thì được biết, năm nay giá vật tư tăng nên Hội chưa lấy được, vợ chồng anh mới nháo nhào bổ đi mua vật tư. Liệu lắc đầu: Em choáng váng tưởng ngất xỉu khi nhìn bảng niêm yết giá vật tư năm nay, NPK 5-10-3 tiền ngay là 3.100đ/kg, đạm Urê 6.000đ/kg, nếu mua chịu của các đại lý người quen thì giá còn cao hơn. Khiếp quá, nghe nói giá còn tăng, chúng em vội về nhặt nhạnh cái gì bán được thì bán, rồi giật tạm mấy người hàng xóm mua vội 3 tạ NPK, 60kg đạm Urê, nói thật với bác nhà chẳng còn tiền để mua nữa…

Ông Nguyễn Minh Phong- Trạm vật tư Trấn Yên cho biết: Bây giờ mua phân bón tất cả đều tiền ngay. Từ năm 2007, Trạm không có cơ chế bán hàng trả chậm như những năm trước, nông dân vùng sâu vùng xa có nhu cầu mua trả chậm cũng đành chịu. Riêng trạm tôi tiền nợ đọng do bán trả chậm hiện đã 200 triệu. Trạm đã đưa đơn ra toà kiện, chắc nhiều nông dân nghèo sẽ phải hầu toà vì không trả được tiền phân bón.

Cty SX phân bón là vua!?

Trước cơn sốt giá phân bón, người nông dân đang lao đao thì công an TP. Thanh Hoá phát hiện Xí nghiệp Thiên Nông thuộc CTy TNHH Minh Tiến đã lấy phân đạm Trung Quốc làm giả phân đạm Phú Mỹ để đánh lừa họ.

Mới bước vào năm 2008 chưa được hai tuần các Cty cung ứng phân bón ở tất cả các địa phương liên tiếp nhận được Thông báo điều chỉnh giá bán của các đơn vị SX phân bón. Ngày 2/1/2008 Cty Supe phốt phát & Hoá chất Lâm Thao không cần lý giải dài dòng, viện dẫn điều V của Hợp đồng mua bán: “ Giá bán sản phẩm giao cho bên B do A quyết định theo thời điểm và địa điểm giao hàng”, ra thông báo điều chỉnh giá bán, giá mới được thực hiện ngay từ 7h00 ngày 3/1/2008, khi chữ ký của GĐ Cty chưa khô mực.

Tiếp đến ngày 4/1, Cty Phân lân nung chảy Văn Điển có thông báo thông báo từ ngày 15/1/2008 giá các loại phân bón tổng hợp NPK tăng từ 100.000đ/tấn đến 250.000đ/tấn tuỳ từng loại. Tuy nhiên, Cty Phân lân Văn Điển cũng chỉ bán hàng cho những khách hàng trả tiền trước. Bởi, theo thông báo này giá phân bón còn tăng tiếp trong thời gian tới. Không phải đợi lâu, 10 ngày sau Cty Phân lân Văn Điển có tiếp thông báo qui định giá phân bón tổng hợp NPK bán tại Cty (bao gồm 5% thuế GTGT đối với phân NPK 5-10-3, 6-11-2) giá ngày 15/1 là 2.279.340 đ/tấn, giá ngày 19/1 là 2.479.260đ/tấn. Phương thức thanh toán: Trả tiền trước khi nhận hàng.

Xí nghiệp Phân bón hoá chất thuộc Cty Apatit Lào Cai mới bước chân vào thị trường SX phân bón 10 năm nay, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 25 - 30.000 tấn phân bón Hoàng Liên các loại. Trước sự tăng giá vùn vụt của thị trường ngày 5/1, Xí nghiệp buộc tăng giá, nhưng cũng chỉ ưu tiên cho những khách hàng trả tiền ngay. Ông Vũ Mạnh Thái-GĐ than thở: Bán hàng trả chậm có lợi cho khách hàng và nông dân, nhưng giá cứ tăng như thế này thì chúng tôi chết trước tiên. Một số khách hàng nợ chây ì, chỉ riêng việc họ mua rồi ủ hàng đấy, dù tính lãi ngân hàng nhưng họ vẫn lãi lắm. Chẳng lẽ lại đưa nhau ra toà thì còn mặt mũi nào nữa, bây giờ chúng tôi đang áp dụng ưu tiên cho những khách hàng trả tiền trước, SX cũng cầm chừng thôi để nghe ngóng giá cả thế nào. Nếu cứ ồ ạt SX, tự nhiên giá tụt xuống sẽ trở tay không kịp…

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm