| Hotline: 0983.970.780

Chọn nghề cho con hay cho mình?

Chủ Nhật 16/02/2020 , 10:30 (GMT+7)

Dịp Tết vừa qua, vợ chồng tôi tranh thủ qua Mỹ thăm con. Hóa ra, con tôi chỉ học được một năm đầu, sau đó đã bỏ học và chỉ chơi bời.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ hai bàn tay trằng, vợ chồng tôi đã tạo dựng được cơ nghiệp hôm nay. Hiện chúng tôi đang làm chủ một công ty thiết kế, trang trí nội thất khá bề thế tại TP.HCM. Vợ chồng tôi cùng quê ở miền Tây Nam bộ, yêu nhau từ thời đại học. Chúng tôi nên duyên chồng vợ đã hơn 20 năm.

Ngoài tài sản gầy dựng được, chúng tôi còn có hai báu vật vô giá, đó là hai đứa con yêu quý, một trai một gái. Con trai lớn của tôi khá đẹp trai, lại học giỏi, hiện cháu đang du học bên Mỹ.

Vợ chồng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng ở đứa con trai tuấn tú này. Sau khi cháu tốt nghiệp PTTH, chúng tôi hướng cho cháu theo học ngành quản trị kinh doanh, với mong muốn sau này cháu sẽ thay chúng tôi quản lý công ty.

Thế nhưng, cháu cứ nằng nặc đòi học nghề nấu ăn. Mới nghe qua vợ chồng tôi đã giật nẩy mình như đĩa phải vôi. Cứ tưởng tượng cảnh con trai mình suốt ngày đeo tạp dề, nấu nướng trong bếp là chúng tôi đã ê chề. Vẫn biết, nghề nấu ăn không có gì là xấu, thậm chí còn có người nổi tiếng, song chúng tôi vẫn cảm thấy thế nào ấy.

Hình ảnh chúng tôi mơ ước ở con trai mình là một ông giám đốc phong độ, lịch lãm. Đó là chưa kể, con cái các bạn làm ăn cùng với tôi đều du học những ngành nghề rất “oách”, nên con tôi không thể kém cỏi hơn con của họ. Đành rằng, từ nhỏ con trai tôi đã tỏ ra rất yêu thích công việc nấu nướng. Cháu thường theo tôi và bà ngoại đi chợ, chọn lựa mua thức ăn, và phụ nấu nướng. Nhưng mặc kệ, chúng tôi vẫn kiên quyết bắt buộc con sang Mỹ học quản trị kinh doanh.

Cách xa con nửa vòng trái đất gần hai năm nay, vợ chồng tôi hớn hở đếm thời gian, mong chờ ngày con học hành thành đạt, trở về. Để con cùng gánh vác công việc kinh doanh, và trên cả là chúng tôi được nở mặt với người thân, bạn bè. Song, có ai dè…

Dịp Tết vừa qua, vợ chồng tôi tranh thủ qua Mỹ thăm con, sẵn xem việc học hành của cháu thế nào, chúng tôi mới tá hỏa… Hóa ra, con tôi chỉ học được một năm đầu, sau đó đã bỏ học và chỉ chơi bời. Tôi quá tức giận, tát con mấy bạt tai và mắng một trận. Con tôi giải thích rằng, cháu không yêu thích ngành quản trị, thì không thể tiếp thu nhanh được. Vả lại, có học xong mai kia ra trường cũng chưa chắc làm được việc gì, bởi không có niềm đam mê. Cháu chỉ duy nhất yêu thích nghề nấu ăn. Tôi tức mình, ra điều kiện cho con, nếu không quay lại trường, học quản trị kinh doanh, tôi sẽ cắt việc trợ, xem con muốn làm gì thì làm.

Sau khi về lại Việt Nam, tôi vẫn giữ nguyên lập trường như thế. Song, vợ tôi lại rất lo lắng. Vợ tôi sợ giữa đất khách quê người, không có tiền con tôi biết phải làm sao. Vợ tôi khuyên tôi nên chiều theo ý con, cho cháu học nghề nấu ăn. Nhưng tôi vẫn chưa biết tính sao. Vậy theo ý bạn đọc thì thế nào?

Giải quyết tình huống: “Trớ trêu mẹ chồng thời 4.0”(KTGĐ số 51/2019)

Diệu Thu thân mến!

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, là chuyện chẳng mới từ xưa đến nay. Thế nhưng, với mẹ chồng của bạn đúng là điều hết sức ngạc nhiên.

Bởi với thời đại ngày nay, mà còn chuyện mẹ chồng đánh đập nàng dâu thì quả là hiếm thấy. Hơn nữa, mẹ chồng của bạn ít nhiều cũng có trình độ, vì bà đã từng làm y tá, lại sống ngay TP.HCM, một nơi rất đỗi văn minh, tiến bộ. Vậy tại sao bà còn hành xử với con dâu như thế. Thật là không thể tưởng tượng được.

Cả người chồng của bạn nữa. Anh ta chẳng những không có lời khuyên giải mẹ mình, lại còn hùa theo mẹ mà ức hiếp bạn. Cho dù bạn có gây ra lỗi lầm, thì cả chồng và mẹ chồng cũng không được quyền đánh đập bạn. Như thế con vi phạm pháp luật nữa.

Bạn nên xem lại tình cảm của chồng và gia đình chồng dành cho mình. Họ có thương yêu gì bạn không, hay chỉ muốn cưới bạn về để có người làm việc, giống như thời đại phong kiến ngày xưa. Theo những ghì bạn kể, thì bạn đúng là đã rơi vào tình cảnh như thế. Nếu vậy, bạn đừng nên đắn đo do dự. hãy mạnh dạn chấm dứt cuộc hôn nhân địa ngục này, để giải thoát cho mình.

Đành rằng bạn thương con, nhưng cũng không thể sống suốt đời trong cảnh đau khổ như vậy. Nếu thương con, bạn có thể bù đắp cho con bằng nhiều cách khác, chứ không nhất thiết phải hy sinh cả đời mình, như một nô lệ trong gia đình chồng.

Chúc bạn đủ sáng suốt và bản lĩnh để quyết định sự việc!

MỸ DUNG(Thái An, Ninh Hải, Ninh Thuận)

(Kiến thức gia đình số 7)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất