| Hotline: 0983.970.780

Chọn phân khoáng bón lúa mùa sớm

Thứ Ba 05/07/2011 , 12:32 (GMT+7)

Vụ lúa mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc gieo cấy trong điều kiện nắng nóng, mưa nhiều nên việc thất thoát phân khoáng qua đường rửa trôi và bay hơi là rất lớn, đặc biệt năm nay vụ lúa mùa sớm do điều kiện thời vụ khẩn trương đất không có thời gian “làm rầm”, chưa ngấu đã cấy nên việc chọn loại phân khoáng bón hiệu quả cho từng loại đất là cần thiết.

Với đất phù sa, đất thịt trung bình ở vùng đồng bằng sông Hồng, thành phần đất có nhiều keo đất, hàm lượng dinh dưỡng đa, trung, vi lượng phong phú, khả năng giữ phân của đất tốt nên chọn loại phân khoáng dạng đơn (đạm ure, lân supe, lân Văn Điển, kali clorua), phân đơn có hàm lượng dinh dưỡng cao, giá thành hạ, tốn ít công vận chuyển, hiệu quả nhanh sau khi bón 2-3 ngày.

Loại đất cát, cát pha, bạc màu lượng keo đất thấp khả năng giữ phân kém, hàm lượng các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng nghèo nàn, đặc biệt khi lượng phân chuồng bón lót lại ít (nhỏ hơn 3 tạ/sào Bắc bộ) nên chọn loại phân hỗn hợp NPK đa yếu tố (đạm, lân, kali, lưu huỳnh, silic, Ca, Mg, Bo, Co, Cu…) của các nhà máy phân bón lớn có uy tín như Bình Điền, Hữu Nghị, Văn Điển, Lâm Thao… đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Đất chua nhiều (pH<5) nên sử dụng lân Văn Điển có tính kiềm cải tạo đất chống bệnh nghẹt rễ tốt hơn lân supe.

Liều lượng và cách bón: Liều lượng phân khoáng bón cụ thể cho lúa tuỳ thuộc vào giống lúa chịu thâm canh hay không, chất đất tốt hay xấu, lượng phân chuồng bón lót nhiều hay ít. Cách bón quyết định đến hiệu quả sử dụng phân của cây lúa. Trong điều kiện canh tác lúa hiện nay đa số các hộ nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ, không còn cào cỏ sục bùn vùi sâu phân khoáng khi bón thúc nên lượng phân khoáng bón thúc bị bay hơi khi gặp nhiệt độ cao là rất lớn.

Với những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 115 ngày, đất thịt, phù sa nên bón cho lúa 2 lần, lót sâu (bón phân xong cày bừa lấp phân rồi cấy) toàn bộ phân chuồng, phân lân + 80% đạm + 50% kali, bón thúc đòng sau sạ, cấy khoảng 30-35 ngày 20% lượng đạm + 50% kali còn lại.

Đất cát, cát pha, bạc màu nên bón làm 3 lần: Lót toàn bô phân chuồng, phân lân + 30% đạm, kali. Thúc đẻ sau cấy, sạ 8-10 ngày 60% đạm + 20% kali. Thúc đòng lượng phân đạm và kali còn lại.

Chú ý khi bón thúc phân khoáng nên có một lớp nước ngập 5cm để phân được tan nhanh, phân bố đều khắp ruộng, bón vào sáng sớm hay chiều mát.

Để tăng hiệu quả sử dụng phân khoáng cho lúa, nông dân cần chủ động phòng bệnh nghẹt rễ do ngộ độc chất hữu cơ trong vụ mùa này bằng cách không cày vùi rạ, không bón phân chuồng tươi, cấy nông tay, có thể bón thêm phân Penac P (sào 2 gói) hoặc phân vi sinh để thúc đẩy phân huỷ chất hữu cơ và phun một trong các chế phẩm chống nghẹt rễ cho lúa như: ET, 3M, Orgamin… vào mạ trước cấy 1 ngày, vào lúa giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất