| Hotline: 0983.970.780

Chọn tương lai nào cho vùng thoát lũ sông Hoàng Long?

Thứ Tư 08/06/2016 , 13:15 (GMT+7)

Vùng thoát lũ sông Hoàng Long thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình lâu nay được ví như “ĐBSCL của Bắc bộ” bởi luôn phải chịu cảnh sống chung với lũ. 

Một đại dự án du lịch hiện đang được UBND tỉnh Ninh Bình xin ý kiến Bộ NN-PTNT với kỳ vọng có thể đưa người dân ở đây thoát khỏi tình cảnh này.

Bọng nước khổng lồ

Sông Hoàng Long là một phụ lưu của sông Đáy, lưu vực chính chảy qua địa phận các huyện Nho Quan và Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình (nhập vào sông Đáy tại ngã ba Gián Khẩu).

Chỉ có chiều dài chừng hơn 25km nhưng trên đường đi, con sông này phải gánh một lưu lượng nước lũ dồn về từ rất nhiều con sông khác.

Đặc biệt vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn sông Hoàng Long ở khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình dồn dập đổ về, gây nên tình cảnh lũ lụt nghiêm trọng cho các huyện Nho Quan và Gia Viễn.

Để làm chậm lũ, giảm cường độ lũ cho hạ nguồn, ngành thủy lợi từ lâu đã phải nghĩ ra rất nhiều phương án thoát lũ cho con sông này.

Một trong các phương án ấy là bất đắc dĩ phải bố trí một vùng dân cư rộng lớn thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thành một “bọng chứa nước” khổng lồ khi áp lực lũ lên cao.

Nhiều giải pháp công trình như xây dựng đập tràn, nâng cấp hệ thống cống chia lũ dọc hệ thống sông, nâng cấp đê, nạo vét lòng… đã phần nào giúp tình trạng lũ lụt ở lưu vực con sông này bớt căng thẳng.

Tuy nhiên các giải pháp này không thể khắc phục triệt để việc ngập lụt cho các vùng dân cư nằm trong khu vực thoát lũ. Mới đây nhất vào cuối tháng 5/2016, lũ đầu mùa ở thượng nguồn tràn về quá nhanh đã khiến nông dân không kịp trở tay.

Hàng nghìn ha lúa và hoa màu của nông dân thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn chìm trong nước. Việc hàng năm luôn phải sống chung với lũ đã khiến cho đời sống người dân ở đây hiện vẫn còn hết sức khó khăn.

Bên cạnh việc phải gánh chịu cảnh ngập lũ, khu vực thoát lũ sông Hoàng Long thuộc vùng tây bắc tỉnh Ninh Bình cũng là nơi có rất nhiều tiềm năng du lịch, với hệ thống hồ ngập nước quanh năm, xen kẽ với các núi đá vôi, hang động, suối nước nóng…, tiêu tiểu phải kể tới suối nước nóng Kênh Gà và động Vân Trình (thuộc xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn).

Nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 20km, suối nước nóng Kênh Gà – động Vân Trình hiện là khu vực nằm trong không gian chiến lược quy hoạch trọng điểm phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình nhằm mục tiêu kết nối khu vực Kênh Gà – Vân Trình với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long – chùa Bích Lộng – động Hoa Lư.

Chọn thoát lũ hay du lịch?

Với tiềm năng du lịch trời phú này, năm 2015, UBND tỉnh Ninh Bình đã bắt tay vào việc kêu gọi đầu tư để khởi động dự án xây dựng và phát triển khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình.

Theo nguồn tin chưa chính thức, chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình). Theo đề án của dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình, dự án này có tổng diện tích khoảng gần 2.900 ha, thuộc địa phận 7 xã gồm Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Vượng của huyện Gia Viễn và 3 xã của huyện Nho Quan là Thượng Hòa, Đức Long và Lạc Vân.

Hầu hết các xã này đều nằm trong vùng thoát lũ sông Hoàng Long, bao gồm khoảng 1.900 ha đất ngoài đê (thuộc vùng tràn lũ của sông Hoàng Long) và khoảng gần 1.000 ha đất trong đê (thuộc vùng xả lũ sông Hoàng Long).

Trong tổng số gần 2.900 ha quy hoạch vùng du lịch này, khu vực vùng lõi ước chiếm khoảng 1.485 ha, trong đó diện tích xây dựng của dự án sẽ chiếm khoảng 30%, còn lại là khu vực diện tích đất tự nhiên của vùng lõi.

13-45-58_nb
Người dân vùng lũ huyện Nho Quan gặt lũ chạy lũ sau đợt mưa lớn cuối tháng 5/2016

 

Dự kiến, dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình sẽ phức hợp nhiều hạng mục như: Khu hồ nước trung tâm; kế cận hồ nước trung tâm là hệ thống các sân gofl, công trình nghỉ dưỡng, khách sạn; kết nối với các điểm du lịch vệ tinh hiện tại như suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình…

Mục tiêu của dự án sẽ xây dựng vùng ngập nước Kênh Gà – Vân Trình thành khu du lịch lớn, có cảnh quan và công trình kiến trúc nhân tạo đạt giá trị đặc biệt, với hệ thống hạ tầng dịch vụ hiện đại, đa dạng các sản phẩm dịch vụ.

Đồng thời đóng vai trò là động lực và gắn kết hữu cơ với quần thể danh thắng Tràng An và Khu du lịch sinh thái ngập nước Vân Long nhằm khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình…

Theo quy hoạch chi tiết phòng chống lũ cho sông Hoàng Long mới nhất được HĐND tỉnh Ninh Bình thông qua vào năm 2014, 7 xã vùng trũng nằm trong phạm vi của dự án thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn vẫn là vùng thoát lũ, luôn bị ngập trong mùa mưa.

Nếu như dự án Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình được triển khai, nhiều giải pháp công trình sẽ được xây dựng, điều này đồng nghĩa với việc một vùng thoát lũ rộng lớn thuộc 7 xã này sẽ không còn nữa. Cùng với dự án du lịch này, một số lượng dân cư trong vùng thoát lũ trước đây cũng buộc phải di dời sang nơi ở mới.

Tuy nhiên, các vùng dân cư còn lại (nếu không bị di dời cho dự án) sẽ có cái lợi là không còn phải chịu cảnh “sống chung với lũ” như trước.

Để đảm bảo an toàn cho các vùng hạ du và một số địa phương các tỉnh lân cận, người dân 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn lâu nay có thể nói đã phải hi sinh rất nhiều khi mỗi mùa mưa bão lại phải chịu cảnh sống chung với lũ, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn thiệt thòi. Nhưng thực tế, họ cũng đã gắn bó với tình cảnh khó khăn ấy như một tất yếu, hoặc vì đã quá quen.

Tuy nhiên khi dự án Kênh Gà – Vân Trình triển khai, một số lượng lớn dân cư thuộc vùng thoát lũ trước đây có thể sẽ phải di dời tới nơi ở mới. Người dân vùng thoát lũ không muốn chịu cảnh lũ lụt, nhưng chắc chắn cũng không ai muốn tới nơi ở mới mà cuộc sống không khá hơn so với trước đây.

Theo tính toán, lượng trữ lũ thuộc 7 xã của vùng dự án du lịch Kênh Gà – Tràng An khi có lũ trên sông Hoàng Long hiện ước tính vào khoảng 15 triệu m3, như vậy với việc khi có dự án, dung tích trữ lũ cũng sẽ bị mất đi tương đương khoảng 15 triệu m3, khiến áp lực thoát lũ vào mùa mưa trên sông Hoàng Long theo đó cũng sẽ tăng lên. 

Bài toán đang đặt ra cho dự án này, đó là làm cách nào để đảm bảo thoát lũ an toàn cho hệ thống sông Hoàng Long, khi mà vùng trữ lũ không còn nữa? Để giải quyết cho bài toán này, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ, đồng thời đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho sông Hoàng Long để trình Bộ NN-PTNT thỏa thuận phê duyệt.

Hiện tại, Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho sông Hoàng Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (tính tới tác động của dự án Kênh Gà – Vân Trình) đang được đơn vị tư vấn là Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (thuộc Trường ĐH Thủy lợi) triển khai hoàn thiện.

Ngày 6/6 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã tổ chức hội thảo tiếp tục lấy ý kiến cho việc điều chỉnh quy hoạch này.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất