| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 02/04/2015

Chống bức cung, nhục hình: Có thực tâm?

Ngày 30/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp, thẩm tra dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi. Tại cuộc họp này, vấn đề chống bức cung, nhục hình lại được đặt ra.

Bức cung, nhục hình là hiện tượng có thật, đã và đang xảy ra trong hoạt động tố tụng hình sự. Từ cả chục năm nay, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chống lại nạn này, nhưng rút cục vẫn không chống nổi.

Vì sao như vậy? Bởi Bộ luật Tố tụng Hình sự vẫn còn nhiều kẽ hở. Trong phòng hỏi cung, chỉ có điều tra viên và nghi can, người ngoài tuyệt đối không được vào. Trong điều kiện đó, điều tra viên toàn quyền tự tung tự tác. Và mớm cung, bức cung, nhục hình đã nảy nở trên “mảnh đất màu mỡ” đó.

Mớm cung, bức cung, nhục hình chỉ thực sự chấm dứt khi có một người thứ ba, được quyền có mặt lúc điều tra viên lấy cung, theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, những biện pháp để người thứ ba xuất hiện, được đề xuất, luôn luôn gặp phải sự cản trở.

Ví như mới đây, đề xuất đưa vào luật việc nghi can có “quyền im lặng” để chờ luật sư của mình xuất hiện, đã bị bác bỏ, với lý do làm như vậy sẽ ngăn cản công tác điều tra. Và lần này, đề xuất bắt buộc phải ghi âm, ghi hình những buổi lấy cung, lại bị phản đối.

Chỉ cần quy định việc hỏi cung bị can đều phải lập biên bản, và mọi biên bản đều phải đưa vào hồ sơ vụ án, là được. Ghi âm, ghi hình rất tốn kém, trại giam lấy đâu ra máy ghi âm, ghi hình?

Vậy mua máy ghi âm, ghi hình có tốn kém quá không? Vả lại, tốn kém bao nhiêu cũng phải làm. Vì đây là việc chống án oan, được dựng lên thông qua việc mớm cung, bức cung, dùng nhục hình.

Cái camera không thiên vị ai, nó sẽ ghi lại trung thực quá trình hỏi cung của điều tra viên. Nhất là khi băng ghi hình đó cũng bắt buộc phải đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều đó không chỉ chứng minh việc điều tra viên không bức cung, nhục hình. Mà trước tòa, bị cáo nào cố tình vu cho điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với mình, cũng lộ ra hết.

Nghi can có quyền im lặng để chờ luật sư của mình. Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi lấy cung. Đó đều là những biện pháp tuyệt vời hữu hiệu để chống bức cung, nhục hình. Nhưng tất cả đều không được chấp nhận, thì chống bức cung, nhục hình làm sao được?

Và trong khi các vị còn đang ngồi tranh cãi, thì bức cung, nhục hình vẫn xảy ra. Gần đây nhất là vụ án Ngô Thanh Kiều bị 5 công an thị xã Phú Yên dùng nhục hình. Nhưng đó là những người bị dùng nhục hình đến chết. 

Kết quả là những điều tra viên đã có được những bộ hồ sơ vụ án rất “đẹp”. Để rồi đến lượt những thẩm phán, khi xét xử, lại chỉ căn cứ vào những hồ sơ “đẹp” đó mà kết tội, như thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm đã kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Án oan chính từ đó mà ra!

Bình luận mới nhất