| Hotline: 0983.970.780

Chống dịch chưa triệt để

Thứ Hai 23/03/2015 , 10:54 (GMT+7)

Sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch vẫn tồn tại tư tưởng chủ quan, thiếu triệt để.

Quyết liệt

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Thanh Hóa, sáng 12/3, đàn vịt nuôi của gia đình anh Lê Đăng Nhất, thôn 2, xã Hải Lĩnh xuất hiện một số con ốm chết. Đến chiều cùng ngày cả đàn bỏ ăn, trong đó có tới hơn 40 con nằm ngửa và chết dần.

Ngay sau đó anh Nhất báo cho cán bộ thôn, xã. Ngày 13/3, Chi cục Thú y phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với địa phương lấy mẫu đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng 3.

“Mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng nhận thấy các triệu chứng trên đàn gia cầm nguy hiểm, nhiều khả năng dương tính với dịch cúm nên chúng tôi đã quyết định cho tiêu huỷ toàn bộ 293 con (190 con vịt, 103 con gà) gia cầm của hộ anh Nhất ngay trong chiều 13/3”, ông Lê Văn Luận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết.

Cũng theo ông Luận, ngày 14/3 khi có kết quả xét nghiệm đàn gia cầm hộ anh Nhất dương tính với cúm A/H5N6. Chi cục tiếp tục lấy mẫu của một số hộ dân xung quan nhà anh Nhất gửi Cơ quan Thú y vùng 3 xét nghiệm, kết quả đàn gia cầm của ông Lê Sỹ Tùng, cùng có kết quả dương tính với cúm A/H5N6.

Để đảm bảo dịch không lây lan, ngoài tiêu hủy 353 con gia cầm (103 con gà, 250 con vịt) của hộ anh Nhất và anh Tùng. Ngày 17/3 các cơ quan chức năng tiếp tục tiêu huỷ hơn 7.000 con gia cầm của 15 hộ lân cận 2 hộ trên, nâng tổng số gia cầm bị tiêu huỷ lên 1.023 con. Đồng thời, tiêm phòng vắc xin cho 23.230 con gia cầm trên địa bàn toàn xã; tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, phun thuốc khử trùng 2 ngày/lần đối với thôn có dịch; 3 ngày/lần với thôn chưa có dịch. Riêng các hộ bị dịch phun 1 lần/ngày.

Ngoài ra, xã Hải Lĩnh cũng lập 3 chốt kiểm dịch ở các đường giao thông chính ra vào vùng dịch, phân công lực lượng chốt chặn 24/24h; nghiêm cấm giết mổ, vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phối hợp cơ quan y tế sẵn sàng xử lý, điều trị khi có dấu hiệu bệnh lây lan sang người…

Virus cúm A/H5N6 xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua 2 con đường là vịt trời, chim hoang dã di cư mang đến và gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Đây là chủng virus độc lực cao, lây từ gia cầm sang người và có thể dẫn đến tử vong cao.
Đến thời điểm này, trên cả nước đã có 3 tỉnh xuất hiện chủng virus cúm A/H5N6 là Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Chưa ghi nhận ca tử vong nào do cúm A/H5N6 ở Việt Nam nhưng trước đó, chủng virus này đã gây tử vong trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Anh Lê Đăng Nhất, thôn 2 nói: “Vợ chồng tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng nuôi đàn gà, vịt trên, nay phải tiêu hủy tôi xót của lắm. Nhưng dịch cúm này rất nguy hiểm, có thể lây lan sang người và gây tử vong cao nên tôi cũng cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp dập dịch”.

Nhưng còn chủ quan?

Theo tìm hiểu của PV, đàn vịt của hộ anh Nhất và anh Tùng đều lấy giống từ một trang trại ở xã Tượng Văn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc giống đã được Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra và có kết luận: “Trang trại ở Nông Cống cấp giống từ đàn vịt nuôi ấp nở nên loại trừ khả năng con giống bị dịch. Mầm bệnh rất có thể từ đàn chim trời bay đến chết trong khu vực này”.

Mặc dù xác định nguyên nhân có thể do chim trời, nhưng điều đáng nói là trên QL1A, ngay trong vùng dịch và các xã lân cận như Hải An, Tân Dân… lại đang có không ít hộ dân buôn bán chim trời công khai.

Lý giải về điều này, ông Lê Văn Luận nói: “Đúng là hiện nay chim bán dọc đường nhiều. Chúng tôi đã tham mưu tỉnh và Sở NN-PTNT chỉ đạo huyện xử lý nhưng nói thật Tĩnh Gia chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu”.

10-59-43_4
Dịch cúm A/H5N6 gây thiệt hại hàng chục triệu đồng cho gia đình anh Nhất

Ngoài việc thả lỏng cho các hộ dân buôn bán chim dọc QL1A, công tác chống dịch ở Hải Lĩnh cũng đang tồn tại tư tưởng chủ quan, thiếu triệt để.

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Hải Lĩnh cho biết, ngay khi dịch xảy ra, xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, có lúc lên đến 150 người thực hiện các giải pháp dập dịch nhanh chóng, hiệu quả, cương quyết, kịp thời và triệt để.

Tuy nhiên, khi thực hiện tiêu hủy gia cầm tại nhà anh Thắng - một hộ gần nhà anh Nhất, lực lượng chức năng vẫn để “sót” một con ngỗng và đàn bồ câu. Theo chị Đức, vợ anh Thắng thì do con trai chị khóc đòi để lại nên chị đã nói lực lượng tiêu huỷ để lại, còn đàn chim bồ câu do bay trên trời nên không tiêu huỷ được.

Hỏi ông Kiệm: “Sao không tiêu huỷ hết, nhất là đàn bồ câu rất dễ mang mầm dịch đi nơi khác?”. Ban đầu ông Kiệm cho hay do không bắt được nhưng sau lại bảo “Chúng tôi đã tiêm phòng cho đàn bồ câu rồi”.

Trái ngược với cách nói của ông Kiệm, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lê Văn Luận nói: “Làm gì có chuyện tiêm phòng cho đàn bồ câu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý ngay việc này”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.