| Hotline: 0983.970.780

Chống gậy đội nón mê đứng giữa trưa hè

Thứ Tư 15/06/2011 , 14:23 (GMT+7)

Không ít những vùng quê độ tín nhiệm của dân với cán bộ thôn rơi xuống tận đáy. Thậm chí là sự thù hằn bởi những người dân bầu lên để bảo vệ quyền lợi cho mình không được như mong muốn.

Trưởng thôn Thượng Lê Đức Vinh: Ở chỗ tôi bầu bán ghê lắm!

Không ít những vùng quê độ tín nhiệm của dân với cán bộ thôn rơi xuống tận đáy. Thậm chí là sự thù hằn bởi những người dân bầu lên để bảo vệ quyền lợi cho mình không được như mong muốn.

 

>>  Trưởng thôn - Anh là ai?

Hội những người…nản trưởng thôn 

Vẫn là chuyện ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Hôm tôi về sức nóng của đợt bầu cử hội đồng vừa qua vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Và chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm bởi 6/12 ông trưởng thôn tự ứng cử nhưng tất cả đều trượt. Các cụ cao niên ở xã này chậc lưỡi rằng: Chúng tôi không đi bỏ phiếu chẳng phải vì chống chính sách bởi bầu cử là quyền lợi của người dân cơ mà. Nhưng thực sự nhiều người thấy rằng quyền lợi mình bị xúc phạm nên họ nản. Dân Cự Khê bảo họ không muốn bầu ra một người chỉ biết “chống gậy, đội nón mê đứng giữa trưa hè” như những bù nhìn bằng rơm ngoài đồng ruộng mà chẳng biết bảo vệ quyền lợi cho dân. 

"Nhóm phản đối trưởng thôn" ở thôn Thượng có khoảng gần chục người. Họ hầu hết là cựu chiến binh, cán bộ hưu trí quá bất bình với những việc làm sai trái từ đời trưởng thôn này sang trưởng thôn khác nên bất kể tuổi già ngày ngày khiếu kiện. Ở họ luôn thường trực một nguyện vọng mỗi khi gặp nhà báo: Chúng tôi muốn đối thoại, muốn làm rõ những vấn đề bức xúc trong thôn suốt bao năm qua nhưng chẳng biết kêu ai cả. Đến ngay cả người gần dân nhất như trưởng thôn mà có bao giờ chịu làm cho mọi chuyện rõ ràng đâu.  

Ông Trịnh Đình Đường và bà Nguyễn Thị Lan là hai người từng “cùng hội cùng thuyền” một thời với trưởng thôn đương nhiệm. Vậy mà bây giờ nói đến trưởng thôn họ lại lắc đầu. Họ sợ. Sợ cái cảnh làm cán bộ thôn mà bị cấp trên “cầm tay chỉ việc”, bất chấp đấy là những việc có hại cho dân. 

Mười năm trước thôn Thượng xảy ra một kỳ án. Khi đó, cả ông Định và bà Lan còn nằm trong “biên chế” cán bộ thôn. Ở nhiều thôn của xã Cự Khê lúc ấy xảy ra những chuyện động trời như ăn chặn tiền thuê, tiền thủy lợi và phong trào bán đất… Thôn Thượng cũng quay cuồng trong cơn sốt ấy. Không chấp nhận đứng chung “đội hình” với những quan thôn tác quai tác quái nên cả ông Định và bà Lan đều bỏ việc về. Trưởng thôn Thượng lúc ấy là một người bạc nhược, xã bảo sao nghe vậy nên ngay cả khi có “chính sách” thu tiền thủy lợi phí vênh hơn cả số tiền phải đóng cho Nhà nước thì ông vẫn cứ nhắm mắt ký vào. 

 Mãi về sau, trước khi qua đời, vị trưởng thôn ấy mới tiết lộ những chuyện “thâm cung bí sử” trong quá trình cán bộ HTX “liên kết” chiết thóc của dân. Cơ quan điều tra vào cuộc, sự việc vỡ lở, tiền truy thu chênh lệch 10 năm phải trả lại cho dân lên đến gần 500 tấn thóc vậy nhưng vụ việc đến tận bây giờ vẫn chưa xử lý. Mắc một vố quá đau như thế đâm ra giờ dân thôn Thượng sợ lắm. Cứ nghe đến các khoản thu họ lại nghi ngờ. 

 Ngay như năm vừa rồi thôn làm cái nhà văn hóa nghe đâu hơn hai tỷ. Nguồn được lấy từ chính sách bán đất nhưng lúc họp lấy ý kiến chẳng mấy ai dám đi. Ông Đường phàn nàn rằng dân thôn này thà mang tiếng không chấp hành còn hơn chấp hành để cán bộ làm bậy. 

Nhóm người không bỏ phiếu ở thôn Thượng cũng tố rằng việc bầu bán trưởng thôn ở đây yếu tố quyết định không phải uy tín của ông này ông nọ mà là 8 cái ao chuôm ở ngoài ruộng lúa. Tám cái ao này xưa nay thuộc quyền thôn quản lý và hàng năm đều mở thầu cho dân nuôi cá. Ông Đường giải thích rằng trước các cuộc bầu cử, ứng viên nào muốn nhiều phiếu đều phải lấy ao chuôm ra vận động tranh cử.  

Tám cái chia đều cho 8 hộ gia đình, 8 gia đình lại kèm theo anh em nhà họ nữa nên ít nhất đã được khoảng 200 phiếu. Cộng thêm một vài mối quan hệ nữa đã gần quá bán nên những người kéo được ao chuôm vào bầu cử thì “không cần chờ bỏ phiếu cũng biết trúng rồi”. Ao chuôm quyết định bầu cử rồi ao chuôm cũng quyết định luôn những việc cần đưa ra lấy biểu quyết của dân thôn Thượng. Người bất mãn thì chẳng thèm quan tâm mấy việc mà họ biết trước kết quả. Còn cánh ao chuôm lại càng có cơ hội phát huy lợi thế đông người.  

“Hội trường thôn chỉ độ trăm người, nếu các gia đình thầu ao chuôm chịu khó đi cho một nửa thì biểu quyết cứ gọi là trăm phần trăm trong vòng 30 giây”, ông Đường phân tích.  

Sợ bầu phải trưởng thôn bù nhìn 

Trưởng thôn Thượng bây giờ là ông Lê Đức Vinh, người mà nhóm đi kiện phàn nàn chỉ mới học đến lớp 4. Tôi sợ “hội những người nản trưởng thôn” có phần quá khích mà đổ oan cho cán bộ thì không phải nên đến tìm đến nhà ông Vinh hỏi thêm.  

Câu chuyện về ghế trưởng thôn xem chừng đã làm cho ông trưởng thôn đương nhiệm mệt mỏi lắm rồi. Thì ra đợt bầu hội đồng nhân dân xã ông ra ứng cử nhưng bầu đi bầu lại tới hai lần chả lần nào trúng càng khiến ông thấy nặng nề. Ở quê như thế nặng nề là phải vì đi ra đi vào chỉ toàn nghe người ta bàn tán. Người bảo ông bị người ta “chơi”, người lại bảo ông không dám nói mấy chuyện bức xúc trong thôn nên dân họ không bầu. 

Chúng tôi sợ trưởng thôn bù nhìn

Dù vì lý do gì thì ông cũng cảm thấy nản như cái “hội những người nản trưởng thôn” vậy: “Ở cái xã này mỗi lần bầu bán cái gì thì ghê lắm. Phe phái này nọ, nhưng năm nay cũng chưa “nóng” lắm. Năm 2009 mới kinh. Người ta còn đặt thơ vè trước thềm bầu cử, tranh cãi nhau… Nói chung Cự Khê là địa bàn phức tạp nhất cái huyện Thanh Oai này”, ông Vinh buồn bã.  

Lời tâm sự của vị trưởng thôn đương nhiệm khiến tôi nhớ lại thống kê của ông Trịnh Đình Đường khi tham gia tổ kiểm phiếu đợt vừa rồi rằng: Cả huyện Thanh Oai có 10 đơn vị không bầu đủ số đại biểu thì 4 trong số ấy đã rơi vào xã Cự Khê. Đáng ra xã có 25 đại biểu nhưng bầu đi bầu lại chỉ được 19 người. 65 cử tri thôn Thượng tuyên bố không bỏ phiếu vì theo họ, trưởng thôn đương nhiệm không xứng đáng ngồi vào ghế hội đồng.  

Những con số ấy khiến khuôn mặt ông Vinh thêm già, thêm nản. Ông than rằng làm trưởng thôn bao năm, đời sống người dân thay đổi từng ngày, nhà lầu xe hơi không thiếu nhưng chỉ thiếu mỗi bằng chứng nhận làng văn hóa: “Trong thôn lúc nào cũng có người kiện cáo thì làm sao văn hóa được”. Biết thì biết thế nhưng hỏi ông về tương lai ông lại lắc đầu: Tôi chịu.

Dân xã Cự Khê ngày ngày vẫn truyền tai nhau lời tuyên bố xanh rờn của một vị trưởng thôn trong một cuộc họp dân rằng: Ở cái đất này, cán bộ huyện còn thì thằng này còn, chừng nào cán bộ huyện “rớt” thì tao mới nghỉ nhá.

Không hiểu cái kiểu trả lời “hơi nản” của ông trưởng thôn hay vì lý do nào khác mà dân thôn Thượng giờ nói đến ông Vinh không được tín nhiệm lắm. Họ đồ rằng hết khóa này dù có được chống lưng hay không thì ông vẫn phải nghỉ. Cái “phốt” hội đồng vừa rồi là một minh chứng. Từng làm cán bộ thôn nhưng bà Lan phải gạt qua sự đồng cảm thẳng thừng tuyên bố rằng: Bất cứ chuyện gì ở thôn thì gia đình tôi chẳng thèm bầu bán hay biểu quyết gì sất. Bầu cũng thế, biểu quyết cũng thế, không giải quyết được gì thì đi làm gì cho nó mất công.  

Ngồi một lúc ở nhà bà Lan số người kéo đến tố chính quyền cứ tấp nập dần. Họ cứ một mực khăng khăng việc mình làm không phải vì lợi ích cá nhân mà vì cái làng quê này ngày một đổ đốn. Họ cũng biết rằng ông trưởng thôn không chỉ là “cán bộ” mà còn ở chỗ xóm giềng với nhau vậy mà cuối cùng vẫn đẩy họ vào tình thế “không kiện không được”. Dân thôn Thượng gọi việc kiện tụng của mình là chiến đấu. Chiến đấu vì không muốn cán bộ “quèn” nhất là trưởng thôn trở thành người “chống gậy đội nón mê đứng giữa trưa hè”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.