| Hotline: 0983.970.780

Chống hạn cho Tây Nguyên, Nam Trung bộ: Phải 'điểm' đúng 'huyệt'

Thứ Sáu 10/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Khi tôi làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi rồi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chưa bao giờ nghe câu thiếu nước 80%, mà 40% đã là ghê gớm lắm rồi. Như vậy thì chết chứ làm sao sống được./ Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình hạn hán tại Ninh Thuận

17-23-20_ong-vu-trong-hong
GS.TS Vũ Trọng Hồng

"Tại sao tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ diễn ra dai dẳng nhiều năm, và đến nay lại khốc liệt như thế? Các nhà khoa học thủy lợi cứ mải mê đề xuất giải pháp chống hạn trước mắt mà coi nhẹ việc đi tìm nguyên nhân.

Khi hạn hán xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi do trời. Nhưng tại sao những vùng có tổng lượng nước thừa cả chục tỷ m3 so với nhu cầu sử dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt (ví dụ như lưu vực sông lớn ở Tây Nguyên) vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng vào mùa khô? Chắc chắn, hệ thống thủy lợi của ta đang có vấn đề".

Đó là chia sẻ của GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam khi nói tới vấn đề phòng, chống hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Tây Nguyên cần xây mới hơn 1.400 công trình thủy lợi

Tây Nguyên là một trong những “mỏ nước” lớn của Việt Nam. Nhưng hàng năm, hạn hán vẫn đe dọa “khai tử” hàng ngàn ha đất sản xuất vào mùa khô. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa giáo sư?

Một câu hỏi rất hay! Theo số liệu thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi, tổng lượng nước đến hằng năm của 4 lưu vực sông lớn ở Tây Nguyên là Sê San, Srêpok, sông Ba, sông Đồng Nai và các vùng phụ cận đạt khoảng 44,2 tỷ m3. Trong khi đó, tổng lượng nước cần cho các ngành kinh tế của Tây Nguyên khoảng 11 tỷ m3. Đáng lý, đây phải là khu vực dồi dào về nguồn nước. Nhưng thực tế hạn hán diện rộng vẫn diễn ra ở Tây Nguyên vào mùa khô.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do năng lực trữ nước trong hệ thống hồ chứa ở Tây Nguyên còn rất yếu và thiếu. “Yếu” là do lịch sử để lại.

Sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta mới tích cực xây dựng các hồ chứa. Khoa học thủy lợi ngày ấy chưa phát triển, vì thế việc điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu chưa đầy đủ, dẫn đến việc thiết kế xây dựng hồ chứa chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế. Lực lượng thi công công trình chủ yếu là do dân làm. Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng và máy móc, nên bây giờ nó xuống cấp, thấm hết.

“Thiếu” là bởi nguồn vốn rót vào các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên còn rất thấp. Mặc dù đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được trên 2.000 công trình thủy lợi, trong đó có 1.190 hồ chứa, gần 100 đập dâng, 130 trạm bơm. Tuy nhiên, so với diện tích cây trồng cần tưới, diện tích tưới được bằng các công trình thủy lợi mới đạt khoảng 28%.

Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, Tây Nguyên cần nâng cấp, sửa chữa hơn 700 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho gần 100.000 ha lúa, 126.000 ha cà phê, còn lại là hoa màu và cây khác. Xây dựng mới hơn 1.400 công trình và cụm công trình, trong đó có khoảng 1.000 hồ chứa, gần 300 đập dâng để phục vụ tưới gần 300.000 ha đất canh tác.

Vậy có giải pháp chống hạn nào chỉ cần bỏ ra ít tiền mà vẫn hiệu quả không?

Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rằng người dân kêu các suối ở miền Trung không còn nước ngầm. Tại sao? Phải chăng rừng Tây Nguyên đang bị “bức tử”? Lịch sử 70 năm ngành thủy lợi đã đúc kết ra rằng: Rừng Tây Nguyên mất thì vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng cạn nước.

Những năm qua, nông dân Tây Nguyên đổ xô trồng cao su, cà phê (diện tích cà phê vùng Tây Nguyên theo quy hoạch đến năm 2020 khoảng 510.000 ha, nhưng hiện tại đã phát triển lên 560.000 ha). Muốn trồng cao su, cà phê thì phải cạo trọc, cạo trắng thảm thực vật trên đất. Như vậy, khả năng giữ nước rất thấp. Trong khi đó, phương thức tưới của ta vẫn là tưới tràn, tưới đẫm, lãng phí kinh khủng.

Chỉ cần chúng ta lưu lại lớp thảm thực vật ở Tây Nguyên trong vòng 5 - 10 năm, chắc chắn nguồn nước sẽ dồi dào trở lại và vùng Nam Trung bộ cũng không phải chịu cảnh “đói nước” sản xuất thê thảm như hiện nay.

Giải pháp “rẻ tiền” thứ hai là thay đổi hệ thống tổ chức quản lý các hồ chứa và công trình thủy lợi. Hiện nay, đa số các hồ nhỏ được giao cho hộ dân, tổ hợp tác, HTX quản lý. Họ chưa hiểu nhiều về kỹ thuật vận hành. Các Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi phải tham gia vào đây để lập lại mạng lưới quản lý hệ thống hồ, đập.

Liên thông các hồ chứa

Tại khu vực Nam Trung bộ, nơi có tổng lượng nước mặt của các dòng chảy thấp, làm sao để giải bài toán khô hạn?

Có một yếu tố quan trọng ít được đề cập khi nghiên cứu về sự thất thoát nguồn nước ở khu vực Nam Trung bộ, đó là mức bốc hơi nước ở khu vực này rất cao (có thể lên tới 1.500 mm), gần xấp xỉ tổng lượng mưa cả năm của vùng.

Như vậy thì còn đâu là nước tưới nữa. Khánh Hòa kêu là dòng chảy và trữ lượng nước của nhiều hồ sụt giảm tới 80% - 90%, như vậy là lớn lắm. Khi tôi làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi rồi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chưa bao giờ nghe câu thiếu nước 80%, mà 40% đã là ghê gớm lắm rồi. Như vậy thì chết chứ làm sao sống được.

Do đặc thù địa hình dốc, rất ít khu vực ở Nam Trung bộ thích hợp để xây dựng hồ chứa, do đó khả năng trữ nước cực kém.

Việc cấp nguồn tưới phụ thuộc vào mạch nước ngầm hoặc nguồn nước thủy sinh của các con suối. Muốn có nước ngầm trở lại dồi dào thì Chính phủ phải có biện pháp giữ và phát triển bằng được thảm thực vật tại các khu rừng ở Tây Nguyên. Chỉ bằng cách này, đến năm 2030 Nam Trung bộ mới hết kêu khô hạn.


Người dân ngoại thành TP Cam Ranh (Khánh Hòa) bơm nước chống hạn trong khi hồ đã khô cạn

Để dẫn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt, vai trò của các trạm bơm rất quan trọng. Vì thế, trước mắt Nhà nước cần chia sẻ khó khăn của nông dân bằng cách hỗ trợ một phần chi phí điện (hoặc dầu) để vận hành máy, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa.

Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, nếu Nhà nước đầu tư nâng cấp 509 công trình thủy lợi (gồm các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm bị hư hỏng hoặc xuống cấp) tại các lưu vực sông lớn như Vu Gia – Thu Bồn; lưu vực sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ; lưu vực sông Kone – Hà Thanh, La Tinh, lưu vực sông Ba, các lưu vực sông Cái Nha Trang và vùng phụ cận, thì tổng diện tích tưới sẽ tăng thêm khoảng 40.000 ha.

Hiện tượng El Nino đang ngày càng tấn công mạnh, khiến hạn hán xảy ra khốc liệt hơn. Giải pháp lâu dài là phải xây dựng các liên hồ chứa ở cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Hiện nay Chính phủ đã có chủ trương xây dựng liên hồ chứa thủy điện để khai thác, nhưng thủy lợi lại chưa có liên hồ chứa để có thể san sẻ nguồn nước cho nhau. Chúng ta có thể làm các tuyến kênh dẫn nguồn từ hồ này đến hồ khác hoặc sử dụng hệ thống bơm truyền.

Hiện nay công nghệ nước ngoài cho phép chúng ta bơm hàng chục km, chỉ cần xây dựng bể trung gian sau đó bơm lên là có thể “cứu sống” hàng ngàn ha đất canh tác.

Còn một giải pháp nữa cũng rất hữu hiệu, đó là nghiên cứu lại chế độ tưới. Đa số vùng sản xuất đang áp dụng tưới tràn, tưới đẫm nên rất lãng phí, đặc biệt là cây lúa. Có thể trồng luân canh lúa với một số cây trồng cạn. Nếu ai quan tâm đến vấn đề này, có thể về thăm xã Thụy An (huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Một năm nông dân làm 3 vụ. Làm xong 1 vụ lúa người ta san đất ra, lên luống trồng đậu và trồng dưa. Mỗi ha thu lãi 100 triệu đồng/năm. Nhưng hệ thống đó là do dân tự nghiên cứu, tự làm, mất hơn 30 năm mới ra được vì phải chuyển từ tưới tràn sang tưới nhỏ giọt, cần cải tiến chế độ canh tác, thiết kế lại hệ thống thủy lợi.

Chúng ta muốn hướng tới mục tiêu tưới tiết kiệm nước thì phải mất ít nhất 10 – 20 năm nữa mới đưa ra được hệ thống.

Cần đầu tư 1 tỷ USD cho thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Vậy, muốn xây dựng các công trình thủy lợi để chống hạn hiệu quả cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần bao nhiêu tiền?

Hiện tại, Ngân hàng Thế giới đang giúp Chính phủ Việt Nam vay hơn 400 triệu USD để sửa chữa, nâng cao an toàn các hồ chứa, trong đó tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Thông thường, nguồn vốn đối ứng của nước ta ít nhất 30%.

Nhưng theo tôi, Chính phủ cần lập một quỹ đầu tư phát triển thủy lợi tương đương với mức hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới ở giai đoạn 1, và có thể nâng dần lên 1 tỷ USD ở các giai đoạn kế tiếp để nâng cấp và xây mới các hệ thống công trình nhằm phòng, chống hạn hiệu quả.

Sau đó mới tăng cường công tác quản lý, cải tiến công nghệ tưới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Ví dụ, Ninh Thuận cần tăng cường diện tích cây trồng cạn như nho, táo…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.