Giải tỏa mối lo lớn
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh hiện có 1.066 tàu cá đang hoạt động nhưng không đăng ký, đăng kiểm và không được cấp giấy phép khai thác. Bởi lẽ, những tàu này được ngư dân đóng mới mà không có giấy phép hoặc mua lại mà không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật, dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; hoặc tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định về vỏ tàu, máy tàu và nghề khai thác.
Trong số này, có 1 số tàu được mua từ ngoài tỉnh, không đáp ứng tiêu chí về đặc thù của địa phương, không tuân thủ quy trình xét duyệt hồ sơ mua tàu cá hoạt động trên biển theo quy định. Số tàu cá nói trên chủ yếu là nhóm tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m chuyên hoạt động ở ven bờ, tập trung tại các xã bãi ngang, ven đầm…
Những tàu cá đó có tên gọi chung là tàu "3 không": Không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản. Đây là mối lo lớn của ngành chức năng Bình Định, bởi đó là 1 trong những trở ngại trong việc khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
"Trước thực tế trên, Thông tư sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá… vừa ban hành vào ngày 6/5/2024 đã giúp ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc đã nêu", ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, Thông tư sửa đổi, bổ sung nói trên có quy định: Trong hồ sơ đăng ký tàu cá, tờ khai đăng ký phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú; bản sao chụp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá; bản thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu.
"Việc yêu cầu phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú là để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, khắc phục tình trạng bỏ tàu hoặc chủ tàu bỏ trốn không thể tìm ra khi có vi phạm. Quy định mới mở hướng để ngư dân đang sở hữu những chiếc tàu "3 không" nếu hoàn tất đầy đủ giấy tờ theo quy định thì có thể đăng ký mới, hoặc làm thủ tục sang tên một cách hợp pháp", ông Nghĩa phân tích.
Các ngành chức năng đồng loạt vào cuộc
Lực lượng Bộ đội biên phòng Bình Định đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt nạn khai thác hải sản vi phạm IUU; đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, năm 2024, Bình Định chỉ đạo rất quyết liệt trong vấn đề chống khai thác hải sản vi phạm IUU. Trong thời gian tới, các ngành chức năng Bình Định sẽ quyết liệt hơn trong giải quyết nhóm tàu cá "3 không". Trước mắt, lực lượng bộ đội biên phòng cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt quy định pháp luật, nhất là luật Thủy sản năm 2017. Vận động ngư dân chuyển đổi nghề, khuyến khích nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế gia đình để bớt lệ thuộc vào nghề đánh bắt trên biển.
“Lực lượng bộ đội biên phòng sẽ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị vũ trang trên địa bàn làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát trên biển; đặc biệt là công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các loại phương tiện tàu thuyền hoạt động nghề cá ra vào các cửa sông, cửa lạch”, Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ.
Theo Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Bình Định), Trạm kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá "3 không"; đồng thời, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không xuất bến khi chưa đủ điều kiện.
Còn theo ông Nguyễn Văn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, hiện có nhiều tàu cá "3 không" hoạt động thường xuyên ra vào các cảng cá trên địa bàn. Ban Quản lý Cảng cá Bình Định đã làm việc, tuyên truyền trực tiếp với những chủ tàu cá nói trên, tuy nhiên có nhiều chủ tàu không chấp hành.
"Ban Quản lý Cảng cá Bình Định đã báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về thực trạng trên. Đồng thời có văn bản gửi Sở NN-PTNT để trình UBND tỉnh Bình Định có phương án xử lý các tàu cá này", ông Văn cho biết.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tàu cá thuộc diện tàu "3 không" chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, những tàu dù đủ điều kiện nhưng không chịu đăng ký sẽ không được xem xét, giải quyết. Để đảm bảo quyền lợi cho các chủ tàu cá, Sở NN-PTNT đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân làm thủ tục đăng ký tàu cá theo thời gian quy định.