| Hotline: 0983.970.780

Chồng lười biếng, vô ơn

Thứ Tư 13/08/2014 , 10:34 (GMT+7)

Đã nhiều năm rồi, anh không làm bất cứ một công việc gì để kiếm ra tiền nuôi bản thân và nuôi vợ con. Hỏi anh chỉ ậm ờ cho qua chuyện, hỏi bằng đại học thì anh bảo để ở nhà nội.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu ngoài ba mươi, chồng hơn 3 tuổi và chúng cháu đã có với nhau một con trai.

Hôn nhân của chúng cháu dựa trên tình yêu thực sự. Đại học xong, cháu về quê và có công việc tuy lương hơi thấp. Còn anh, sau ra trường thì làm việc ở thành phố một thời gian rồi về quê.

Đám cưới, anh chưa có việc nhưng nói dối cháu và cả gia đình hai bên là có việc rồi. Sau này về sống một thời gian, cháu gặng hỏi mãi anh mới thú nhận.

Nghĩ xin việc là chuyện khó khăn để từ từ anh giải quyết nhưng đã nhiều năm rồi, anh không làm bất cứ một công việc gì để kiếm ra tiền nuôi bản thân và nuôi vợ con. Hỏi anh chỉ ậm ờ cho qua chuyện, hỏi bằng đại học thì anh bảo để ở nhà nội.

Cháu rất mệt mỏi. Bởi thứ nhất: Cháu phải nói dối mọi người từ ba mẹ đến bạn bè, đồng nghiệp về công việc của chồng (đó là điều tổn thương nặng nề lòng tự trọng của cháu). Thứ hai: Chồng không đi làm, chỉ có đồng lương ít ỏi của cháu làm sao đủ trang trải cho cuộc sống, đặc biệt là khi có con nhỏ.

Thứ ba: Cháu phải mang tiếng với gia đình nhà nội là chồng làm kỹ sư nọ kia lương tháng chí ít cũng 5-7 triệu nhưng không phụ giúp gì cho cha mẹ (thực tế cháu lúc nào cũng thiếu trước hụt sau).

Thứ tư: Cháu rất khổ tâm, làm sao xây dựng gia đình khi lương mình chỉ tầm 3 triệu/tháng?

Nhà chồng ở khá xa, cháu làm việc gần nhà ba mẹ mình nên muốn ở với bên chồng cũng không được. Cháu không còn cách nào khác là ở với ba mẹ của mình, hầu hết mọi chi phí ông bà ngoại lo hết, nuôi con trai cháu từ lúc mang thai đến bây giờ.

Ở nhà ngoại là điều bất dắc dĩ, do chồng cháu không chịu đi làm mới không đủ kinh tế để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Lý ra phải nhẫn nhịn một chút nhưng anh luôn tỏ ra không bằng lòng...

Ba mẹ, bà con sống như thế nào anh đều dằn vặt cháu, mọi thứ đều đổ lên đầu cháu, cháu như người phải chịu trách nhiệm cho lối sống của mọi người trong gia đình, cháu là người đứng giữa khổ tâm đến đau lòng cô ơi. Ba mẹ cháu biết tính khí anh nên im lặng cho qua vì hạnh phúc của cháu.

Cuộc sống vợ chồng dần rạn nứt, tình cảm của anh dành cho cháu cũng nhạt dần. Cháu nhận thấy rõ điều đó, nhiều lúc anh còn tỏ ra thiếu tôn trọng vợ. Một gia đình thiếu cả hai nền tảng là tình cảm và kinh tế thì làm sao tồn tại bền vững được phải không cô?

Ba mẹ cháu mua cho hai đứa mảnh đất khá nhiều tiền, rồi cho hơn 2/3 tổng giá trị để làm nhà, nhà nội cho một khoản nhỏ (nhưng cũng rất quan trọng đối với cháu lúc này) phần còn lại cháu tự xoay xở.

Làm nhà là lúc khó khăn nhất đối với cháu, chồng không có mối quan hệ nào để cáng đáng thêm. Tết vừa qua, cháu hết sạch tiền, anh không có đồng nào cũng không nhờ ông bà nội giúp.

Gần một năm qua cháu đã nghĩ đến việc ly hôn, nhưng con trai cháu sẽ như thế nào nếu tiếp tục cháu không thể chịu đựng được? Cháu rất bế tắc, mong nhận được ở cô lời khuyên.

Cô đừng in email của cháu.

---------------------

Cháu thân mến!

Cô có đứa cháu ruột cũng trường hợp như cháu. Nó lấy chồng, gia đình nó mừng lắm, chồng đẹp trai, điềm đạm, học đại học ra. Vậy mà sau khi cưới mới phát hiện chồng nó chưa lấy bằng (vì thiếu nợ môn), cứ loăng quăng làm ở ngoài.

Biết bao đau lòng cho cha mẹ và đứa cháu gái. Nhưng may mà gã chồng này có tay buôn bán, nó không thích công sở, nhờ vậy mà cùng với vợ, gia đình nhỏ của nó dần ổn.

Nói để cháu thấy chuyện học mà không lấy được bằng cũng không cá biệt hay ghê gớm. Nhưng lạ cho gã chồng của cháu ấy. Sao thản nhiên để nhiều năm nay vợ chỉ có thu nhập chừng ấy mà chồng không thấy kỳ, không thấy xót, không thấy xấu hổ?

Rõ ràng bằng không lấy được bởi lý do khuất tất nào đó rồi, nhưng không vì vậy mà không mưu sinh được, không “tha mồi” về được cho con? Con chim nó có bằng đại học không mà nó vẫn đem cá về cho chim con kia mà. Để làm ông làm bà mới khó chứ vài ba triệu mỗi tháng cho mình và cho con, khó lắm sao?

Cô lấy làm lạ là bố mẹ cậu ta không biết con thiếu bằng và không kiếm được xu nào. Cậu ta sĩ diện to đùng, bố mẹ cậu ta thì tin con sái cổ, rốt cuộc khi cháu bảo rằng “yêu thực sự” mới lấy, vậy lúc yêu không tìm hiểu được điều gì ư?

Làm sao không nói gì với bố mẹ chồng, về con trai họ, về tình cảnh kinh tế của mình, về nỗi cưu mang của bố mẹ mình? Đã nhiều năm, cháu nội trai nhà họ đã khá tuổi rồi, cháu định “lịch sự” với họ đến bao giờ?

Yêu thực sự mà cuộc sống không có chia sẻ gì cả. Là cô, cô không chịu đựng lâu đến thế. Dù anh có là “chó nằm gầm chạn” nhưng anh không biết ơn, biết điều thì chừng ấy năm ai mà chẳng chán, chẳng nhạt. Cô không tin cuộc hôn nhân của cháu là thực chất, khi cưới, các cháu đã không còn quá trẻ mà kế hoạch xây dựng lâu dài lại quá lơ mơ.

Ra riêng không có nghĩa là đã thoát được “gầm chạn” và vợ chồng hạnh phúc. Đúng, các cháu không có nền tảng để vững bền, nhất là chồng kém, lười mà gia trưởng, lại chán vợ trước cả khi vợ chán mình, vậy thì các cháu xây nhà trên đầm lầy chứ không còn được là xây trên cát nữa ấy chứ.

Nhưng đã có nhà, bỏ nhau hay không hãy để hoàn cảnh mới và thời gian nữa trả lời. Dù gì mình đã có con, xem khi tách khỏi nhà vợ, chồng có năng động hơn không.

Nhưng muốn gì, cũng phải cho bố mẹ chồng biết tất cả sự thật, nhất là về tiền, kẻo khi mình đánh tiếng ly dị, người ta vì thể diện của con mà bịa ra chuyện mình tệ hại, ví như bịa mình có bồ nên chê chồng, chẳng hạn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm