| Hotline: 0983.970.780

Chồng ngoại

Thứ Tư 13/05/2015 , 09:49 (GMT+7)

Tôi đề ra một nguyên tắc (cho riêng mình thôi) là hễ mời cưới, nhất thiết phải mang thiếp mời đến tận nhà. Có thế, tôi mới đi. 

Những đám cưới mời theo kiểu gọi điện, nhắn tin, hoặc gửi thiếp qua tay người khác, thú thật là tôi bị phản cảm.

Đám nào không đừng được, tôi gửi phong bì cho người quen và cáo lỗi. Cưới xin cho con, cháu là việc hệ trọng, chỉ nên mời những người thân thiết, có quan hệ đặc biệt.

Mà đã vậy, phải chịu khó đi mời. Ở các tỉnh không xa quá, cũng phải tự đi mời. Ấy chính là biểu hiện sự trọng thị. Tuy nhiên không phải ai cũng thực thi được cái “tiêu chí” đó.

Ấy vậy mà đám cưới con gái ông chú tôi, ông Thà, tôi đã phải phá nguyên tắc. Ông mời gia đình tôi qua điện thoại…

Hoàn cảnh ông Thà cũng khá đặc biệt. Thằng cả bị bệnh hiểm nghèo, mất cách đây đã chục năm. Ông còn hai cô con gái. Một cô đã yên bề gia thất, nhưng phiêu bạt tận phương Nam.

Còn cô gái út cưới đợt này, nhưng chú rể lại là một rể Tây. Cô du học bên Pháp và lấy luôn một anh chàng người Pháp. Nghe đâu ở một tỉnh miền biển nào đó. Và đợt này về nước để cưới chồng.

Hình dung ra hoàn cảnh ông chú, tôi đành phá cái nguyên tắc cứng nhắc đề ra, lại vì bà xã đau yếu, nên cầm bằng đến đám cưới ăn cỗ một mình.

Ông chú tổ chức đám cưới ngay tại nhà riêng, bắt đầu ăn uống từ lúc chín giờ sáng. Tôi thu xếp để đến sớm. Cũng tò mò muốn biết đám cưới cô dâu Việt, chú rể Pháp nó ra làm sao?

Đến nơi, khách khứa đã đông đúc. Ông chú bà thím thì tíu tít tiếp khách với nụ cười xã giao, nhận ra tất cả mọi người. Có một điều đặc biệt so với các đám cưới khác, là không có cô dâu, chú rể. Vắng cả hai.

Lý do đơn giản là họ đang ở tận trời Tây. Theo nhà gái cho biết, đám cưới được tổ chức cùng ngày, ở hai chân trời. Thế là bên “trời ta” chỉ có họ nhà gái. Cũng chẳng có đại diện nào của họ nhà trai. Và sự “xuất hiện” của cô dâu chú rể, là một bức ảnh phóng to bằng nửa cái chiếu, treo nơi tổ chức đám cưới.

Nói chung khách đến chỉ tiếp xúc với khách. Ngồi cùng mâm nhưng tất cả đều lạ hoắc. Ngay cả chuyện gửi phong bì, cũng đã có cái hòm “trái tim” để ở cổng ra vào. Ai mừng thì cho vào đó. Có hai cô gái mặt tươi như hoa, đứng hai bên. Con cái nhà ai, hay nhân viên nhà hàng, chả biết.

Mãi tám tháng sau, ấy là dịp Tết Nguyên đán, cô dâu chú rể mới về chơi. Khi về, cô dâu đã bế theo một thằng cu Tây lai, bảy tháng tuổi. Thằng cu tóc xoăn, mắt thao láo, chả quen ai mà cũng chả theo ai, ngoài mẹ.

Chú rể nghe nói tuổi ngoài ba mươi, nhưng trông như một ông lão sáu mươi. Tóc tai, râu ria bờm xờm. Nhìn ai cũng chỉ cười và luôn miệng “Bông dua! Bông dua!”, không biết nói tiếng Việt. Có chuyện gì, trông vào cô vợ thông ngôn.

Đến lúc ăn uống, mới thực phiền. Khi cả nhà ngồi dưới chiếu, sắp chân bằng tròn, thì riêng chú rể ngồi ghế. Một cái ghế và một cái bàn con để cạnh. Đơn giản là chú rể không ngồi bệt được. Quen ngồi ghế từ bé rồi.

Món ăn cũng không phải ăn như mọi người. Nhất thiết phải có một món xúp. Hoặc một món sốt vang. Không ăn nước mắm. Không xực mắm tôm. Thịt chó nghe nói cũng mới biết ăn. Mà ăn thịt chó, lại uống rượu vang chứ không dùng loại “nút lá chuối”, thấy nó lệch pha thế nào ấy.

Mấy ngày tết nhất ở Việt Nam, nói chung chú rể rất khó hòa đồng. Ăn uống, ngủ nghỉ. Thậm chí việc vào nhà vệ sinh cũng một kiểu riêng. Ấy là thời đại bây giờ, nhà nào cũng lắp xí bệt, có bồn rửa, vòi sen. Cứ như ngày xưa kiểu hố xí hai ngăn, nhà tắm che liếp, chắc chết.

Mặc dù chỉ đến chơi với chú thím chốc lát, nhưng tôi cũng hình dung cái cách sinh hoạt của ông Tây rất không phù hợp với gia cảnh Việt Nam, mặc dù là một Việt Nam hiện đại, chứ không còn “nhà quê” như trước.

Bởi vậy, mới chỉ nửa tháng, hai vợ chồng đã vội vã bay về trời Tây. Thì cũng giống như cánh ta thôi, đang ở thành phố mà về nông thôn, khó có thể ở lâu được.

Bẵng đi một thời gian, một ngày cuối đông tôi bỗng nhận được điện thoại của chú Thà. Đó là điều hiếm hoi, bởi chỉ có việc gì cần kíp lắm, ông ấy mới điện cho tôi. “Này! Chú đến ngay nhé. Ngay chiều nay”. “Có việc gì cần không ạ?”. “Chả có việc gì cần đâu. Chỉ muốn chú uống với tôi chén rượu. Giải buồn thôi mà”.

Không có việc gì. Lại còn để giải buồn nữa. Tôi thực sự ngạc nhiên, bởi bây giờ thì chú thím ấy còn điều gì mà buồn? Phần vì không muốn thất hứa, phần vì tò mò, tôi đến ngay nhà chú.

Một bình rượu ngon. Một vài thứ nhắm khô. Khi tôi đến, dường như chú Thà đã uống khá nhiều. Qua vài tuần rượu, tôi mới biết chú vừa đi thăm con gái và cháu ngoại về.

Trước khi về nước, ông con rể đã thẳng thừng nói với con gái chú rằng: "Bây giờ chỉ có một trong hai cách lựa chọn. Một là có tôi thì cô không có bố. Nếu cô có bố thì không có tôi”.

Trước câu nói thẳng thừng của chồng, cô vợ quả là rất khó xử. Bởi cô đang ở trong hoàn cảnh “giở đi mắc núi, giở lại mắc sông”. Và ông bố, chỉ còn cách là cuốn xéo về nước cho sớm.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất