| Hotline: 0983.970.780

Chống rét cho gia súc, chưa thể yên tâm

Thứ Hai 24/01/2011 , 10:36 (GMT+7)

Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại nặng, đoàn công tác của Bộ NN - PTNT đã lên đường, ngược đèo dốc, mưa gió đi kiểm tra công tác phòng chống rét ở Yên Bái và Sơn La…

Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại nặng, dù đang là ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, đoàn công tác của Bộ NN - PTNT do Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần và Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao dẫn đầu vẫn lên đường, ngược đèo dốc, mưa gió đi kiểm tra công tác phòng chống rét ở Yên Bái và Sơn La… 

Trên ô tô, ông Hoàng Kim Giao thông tin nóng có khoảng 24.000 con trâu bò bị chết rét trong cả nước, tập trung ở những tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La... “Rút kinh nghiệm năm 2008, ngay từ đầu chúng ta đã có những chỉ đạo chống rét sớm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm quyết liệt. Tinh thần chủ yếu là động viên, đốc thúc, hướng dẫn kỹ thuật còn nông dân phải tự làm là chính. Phải làm sao cho họ thấy cán bộ còn quan tâm đến từng con gia súc huống hồ người chủ, phải biết của đau, con xót.

Kỹ thuật phòng rét chính hiện nay là che chắn chuồng trại, giữ ấm bằng may áo, phủ vải, đốt lửa, thắp đèn, làm nền chuồng cứng, cung cấp đầy đủ thức ăn…". Tại Yên Bái, ông Trần Đức Lâm-Phó Giám đốc Sở NN -PTNT khẳng định đợt rét vừa rồi không bất ngờ mà nằm trong dự tính. Tổng số trâu bò chết rét của tỉnh Yên Bái là 1.378 con, tập trung tại các huyện miền núi như Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Lục Yên…Biện pháp khắc của Yên Bái đã chỉ đạo, hướng dẫn dân chủ động dự trữ, chế biến thức ăn, bổ sung thêm thức ăn tinh, che chắn chuồng trại, vận động đưa trâu bò từ rừng về nuôi nhốt, hỗ trợ cấp bạt cho dân… "Rút kinh nghiệm đợt rét năm 2008 chết trên 15.000 trâu bò nên trong 2 năm 2009, 2010, tỉnh chủ trương hỗ trợ 200.000 đồng một cây rơm làm thức ăn khô, hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1 chuồng nuôi nhốt.

Về điều hành, Yên Bái đã chỉ đạo chặt chẽ hơn, phát hiện khâu gì chưa được sửa đổi ngay, ví dụ như chuồng làm được rồi nhưng chưa che chắn tốt, hay thiếu thức ăn cho gia súc. "Nói thật, địa phương có nhiều hộ chưa lo đủ áo ấm, thức ăn cho người chứ đừng nói gì trâu, bò. Hiện giờ những hộ có nhiều gia súc, cây rơm dự trữ cũng dần cạn. Ở vùng cao do tập quán thả gia súc trên rừng, chưa lùa hết được về chuồng để phòng chống rét, nhất là hai huyện vùng cao. Mười ngày đầu còn chịu rét được nhưng về sau sức đề kháng của gia súc yếu, đổ ngã hàng loạt”- ông Lâm nói. 

 Về trồng trọt, Yên Bái chỉ đạo không được gieo mạ, cấy lúa trong những ngày dưới 13 độ, tập trung vào trà xuân muộn, nếu rét kéo dài sẽ phải tính bài toán gieo thẳng cho kịp thời vụ. Lượng giống dự phòng của tỉnh có 70 tấn thóc, ước sẽ thiếu trên 50 tấn.

Tại cuộc làm việc với đoàn công tác Bộ NN-PTNT, tỉnh Yên Bái đề xuất nâng mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai.  Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhận định dù số lượng trâu bò chết của Yên Bái không lớn hơn nhiều địa phương nhưng phải thấy công tác chỉ đạo vẫn còn có vấn đề vì Yên Bái không rét đậm như nhiều tỉnh khác mà chết trên 1.300 con nghĩa là còn làm chưa tốt. “ Các anh phải vừa giải quyết cái trước mắt vừa cái lâu dài vì năm nào cũng có rét. Phải tuyên truyền sao cho người dân không lơi là, chủ quan. Tôi đề nghị phải hỗ trợ cả bạt, cả thức ăn vì chống rét đơn thuần mà đói là gia súc vẫn chết”.

Còn tại Sơn La, ông Hà Quyết Nghị-Giám đốc Sở NN- PTNT thông tin rét đậm kéo dài đã khiến cho 2.976 con trâu bò chết, tập trung ở những huyện vùng cao, độ ẩm nhiều Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp... Cùng với đó, dịch lở mồm long móng đã bùng phát tại 322 bản, tổng số 10.184 mắc bệnh, chết 1.257 con trâu bò, 802 con lợn, 353 con dê… Hạn chế lớn nhất hiện nay trong chống rét là chưa được che chắn kín quanh chuồng trại, dự trữ thức ăn của nhiều hộ phần lớn chuẩn bị chưa tốt. Ông Nghị cũng thẳng thắn thừa nhận: “Khoảng 40% gia súc của Sơn La vẫn đang thả rông. Ở miền núi, trâu bò thả trên rừng, sống thì bán lấy tiền, chết thì thịt chứ không biết kéo về kiểu gì để chống rét, để có thức ăn”. “Sơn La là tỉnh liên tục lở mồm long móng, tại sao không khống chế được?”.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chất vấn. Ông Lò Văn Tăng-Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết Sơn La có 6 huyện dọc sông, do các phiên chợ dọc sông từ Hòa Bình lên không kiểm soát được dịch trên gia súc giống và thịt nên đem dịch vào.Tiếp đó, chương trình phát triển dự án 30a của Chính phủ hồi tháng 9/2010 mang bê từ Bắc Giang lên lây tiếp dịch cho hàng trăm con rồi dịch từ Điện Biên lại tấn công tiếp các huyện dọc quốc lộ 6...Sơn La bị động vì các tỉnh xung quanh dấu dịch, giấy tờ thì có nhưng vào một thời gian mới bung ra dịch”. Kiểm soát đường thủy có mấy con sông sao không đặt chốt? Ở đồng bằng sông Cửu Long kênh rạch chằng chịt còn kiểm soát được đó thôi? Thứ trưởng lại hỏi tiếp.

Ông Tăng ấp úng: “Ba lần Sơn La lập chốt đường sông nhưng ca nô phải mượn, mỗi giờ chạy tốn 20 lít xăng, hễ trình lên xin thanh toán lại bị gạch đi nên chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn”. Trước những thực tế trên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ngán ngẩm: “Tôi thấy không yên tâm với các giải pháp chống rét của Sơn La, các anh làm chưa đủ. Rét không phải bất ngờ mà nó xảy ra hàng năm. Văn bản ra mà gia súc vẫn chết rét nhiều, tại sao như thế?. Đối tượng gia súc chết rét lại toàn ở vùng cao, vùng dân tộc, đời sống đồng bào sẽ ra sao?”.

Ông Hoàng Kim Giao băn khoăn: “Làm sao phải phân biệt chết rét và chết dịch để có kế hoạch phòng chống sát hơn kẻo lây lan dịch rộng khắp. Rét còn kéo dài, nếu không tích cực thì trâu bò còn chết nhiều. Tôi nghĩ chúng ta không làm thay người dân mà phải hướng dẫn, đốc thúc họ làm”.  

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm