| Hotline: 0983.970.780

Chồng sợ mất mặt vì vợ đi 'ở đợ'

Thứ Sáu 27/03/2015 , 09:46 (GMT+7)

Cháu vẫn nung nấu ý định theo mấy người bà con đi làm ô-sin để vừa gần được con vừa cải thiện kinh tế gia đình. Cô biết chồng cháu nói sao không? Anh ấy nói ai đời cán bộ mà đi đợ vợ.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 40 tuổi, chồng cháu cùng tuổi. Chúng cháu có hai đứa con, con trai đầu hiện đang học cao đẳng năm thứ nhất ở thành phố, con trai nhỏ còn đang học lớp 10.

Chồng cháu làm việc ở xã, ngành địa chính, công việc cũng nhiều. Cháu ở nhà, hồi trước học hết cấp 2 thì nghỉ, 20 tuổi lấy chồng. Nhà nội của hai đứa nhỏ có đất vườn và một ít ruộng, ông bà đều chia cho chúng cháu một ít và cháu cất nhà gần bên ba má chồng.

Mấy năm nay làm lúa không để dành được, cháu cho thuê rẻ ruộng, giờ chỉ còn vườn thổ cư nên thu nhập không có là bao.

Xã nhà của cháu giờ lên trung tâm, sắp được quy hoạch thành thị trấn. Chồng cháu bảo ít nữa nhà cháu sẽ gần chợ, tha hồ buôn bán. Nhưng từ đây tới lúc đó cháu không làm gì ra tiền cô ơi.

Cháu chỉ trồng rau sạch, nuôi cá trong ao, nuôi vài con gà con vịt, lúa thu từ ruộng cho thuê cũng chỉ đủ ăn, muốn có tiền cho con ăn học tử tế, đều trông cậy vô chồng. Mà cái nghề địa chính ở thành phố không biết sao chớ ở nông thôn thì không kiếm thêm gì được đâu.

Bà con bên chồng cháu có mấy người trang lứa lên thành phố làm giúp việc. Cháu thấy họ có đồng lương ổn định, gởi tiền đều đều về để xây nhà, sửa nhà.

Cháu bàn với chồng là sẽ theo họ lên trên đó làm thuê, gần con, kiếm tiền nuôi con. Ở đây chồng cháu chỉ lo cho đứa nhỏ, dù gì nó cũng có ông bà nội bên cạnh, đúng không cô?

Cô biết chồng cháu nói sao không? Anh ấy nói ai đời cán bộ mà đi đợ vợ, cháu làm vậy là mất mặt anh. Rồi vợ chồng đang trẻ, mỗi người một nơi, không sợ anh lòng thòng người khác, mất hạnh phúc sao?

Sao đàn ông kém tháo vát mà lại muốn nhốt vợ trong nhà vậy cô? Cháu vẫn nung nấu ý định theo mấy người bà con đi làm ô-sin để vừa gần được con vừa cải thiện kinh tế gia đình.

Cô cho cháu lời khuyên đi cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Có một bài báo viết khá kỹ về nước Phi-lip-pin thuộc khu vực Đông Nam Á mình chủ động tổ chức cho dân họ học nghề đi làm giúp việc. Các nước giàu rất tin người Phi, vì họ có tay nghề, có chữ tín và có tiếng Anh để giao tiếp với chủ.

Cháu biết Chính phủ nước họ xem đội quân ấy là gì không? Họ phong đội quân giúp việc xứ người là anh hùng vì họ đưa nền kinh tế Phi-lip-pin hội nhập bằng một trong những con đường sức người mà lại là những người mang văn hóa, bản sắc của người Phi đi ra thế giới.

Rất nhiều người miền Trung vào Sài Gòn đây làm giúp việc, đủ kiểu giúp: Lau dọn tính giờ, phục vụ người già, chăm sóc trẻ em, phụ bán hàng và ở hẳn trong nhà chủ mà cháu gọi là làm ô-sin.

Miền Bắc ít thấy có mặt, có lẽ đội quân giúp việc làm ở địa phương ngoài đó, không ào vào thành phố phía Nam này. Cũng có thể họ đi làm ở Đài Loan, ở Nhật, ở đâu đó như người Phi.

Nhưng làm ở đâu, phụ nữ mình cũng không được đào tạo chu đáo, vì vậy mà công việc chật vật, lương không cao và hay bị xét nét, coi thường. Như cô nói, do tự phát, rủ nhau đi, nhắm mắt mà đi. Âu cũng là cái giá của chiến tranh, hậu chiến và lạc hậu, thả nổi.

Với cháu, cô biết tâm trạng những phụ nữ không chịu ăn bám chồng. Cháu muốn đồng lương sạch mà lại được gần con trai đang học cao đẳng. Quý hóa thay, một công đôi việc, tiện cả đôi đường.

Dĩ nhiên ông đàn ông nào mới nghe đề xuất cũng cao giọng, tự ái và nói vỗ mặt ngay. Nhưng nếu cháu cứ muốn thì nên bàn sâu, bàn kỹ, bàn cho nát rồi đi xem có đồng thuận không?

Đứa trai út đang vị thành niên, cũng cần để mắt. Nhưng con lớn là tiền lớn theo con, chắc chắn rồi. Bài toán vài ba triệu hàng tháng từ mẹ có thể lo được đứa cao đẳng, chính xác và hợp lý quá đi. Ba ở xã, thu nhập thấp, nhưng có ông bà nội đứa học lớp 10 kia, chắc cũng qua ngày đoạn tháng dễ dàng.

Vợ chồng hai nơi, là chuyện phổ biến của thời buổi làm ăn toàn cầu hóa. Vả lại, đã vào trung niên rồi thì việc cho con lại hệ trọng hơn bữa cơm giấc ngủ chung của vợ chồng.

Cô ủng hộ phương án tiền ăn học cho con, tương lai học vấn của chúng mới là điều quan trọng nhất của những gia đình nông dân như gia đình của cháu.

Nhưng vẫn phải đi làm trong vui vẻ, hòa thuận đấy nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất