| Hotline: 0983.970.780

“Chông tặc” trên đồng

Thứ Năm 22/04/2010 , 11:41 (GMT+7)

Khi thu hoạch lúa vụ 3, nhiều nông dân Tuy Phước (Bình Định) phát hiện dưới ruộng “mọc” đầy chông sắt...

Tang vật chông sắt Công an xã Phước Hiệp (Tuy Phước) còn giữ

Khi thu hoạch lúa vụ 3, nhiều nông dân Tuy Phước (Bình Định) phát hiện dưới ruộng “mọc” đầy chông sắt. Những cây chông này không chỉ tàn phá giàn lưỡi máy gặt liên hợp mà còn đe doạ tính mạng bà con đi làm đồng.

Theo nông dân thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) trong nhiều đám ruộng của họ gần đây bỗng xuất hiện những cây “chông” làm bằng sắt 6 dài từ 0,4 – 0,6 mét nhọn hoắt. Người đi làm đồng chân trần mà giẫm phải chông thì chắc sớm đi theo ông bà ông vảỉ. Chông sắt cũng là “sát thủ” của những chiếc máy gặt liên hợp vì khi “cắn” phải chúng thì giàn lưỡi cắt kể như thành phế liệu.

Ông Đặng Văn Cảnh, một chủ ruộng ở đội 5, thị trấn Diêu Trì kể lại: “Nói đâu xa mới sáng ngày 16/4 vừa rồi, trong lúc đang cắt lúa cho tôi thì giàn lưỡi máy gặt của chủ máy Trần Thanh Khiết (trú tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) bị những cây chông sắt làm mẻ răng, gãy U và cong giò gà. Anh Khiết phải tốn công, tốn tiền sửa mất mấy ngày. Còn ruộng lúa nhà tôi đang gặt dở đành để đó”.

Theo ông Cảnh, việc dùng máy gặt lúa rất lợi. Nếu thu hoạch thủ công chi phí từ 250 – 300 ngàn đồng/sào còn cắt bằng máy liên hợp chỉ tốn 100 ngàn đồng/sào, lại không phải thuê người ôm lúa. Hơn nữa thanh niên trai tráng đã đi làm công nhân hết nên việc kiếm công gặt lúa hiện khó như...hái sao trên trời. Vả lại bây giờ làm ăn lớn ai còn đi cắt lúa bằng tay như trước. Ấy thế mà vừa có máy gặt đã xuất hiện nạn "chông tặc" thì ai dám đầu tư mua máy về cơ giới hoá nữa.

Thông tin có kẻ muốn phá hoại SX bằng cách rải chông sắt trên đồng đã đến tai cán bộ địa phương. Ông Nguyễn Đình Hương- công an xã Phước Hiệp (Tuy Phước) cho hay: “Đây là chuyện không mới. Vụ ĐX 2007 – 2008, trong lúc đang cắt lúa trên ruộng của ông Trần Văn Dũng (60 tuổi- ở thôn Giang Nam –xã Phước Hiệp) thì giàn lưỡi máy gặt liên hợp của anh Nguyễn Ngọc Thanh cũng bị những cây chông sắt phá hư hỏng nặng. Công an đã điều tra nhưng chưa tìm ra thủ phạm giờ lại nảy sinh vụ việc tương tự”.

Rồi ông Hương cho chúng tôi xem “tang vật” mà ông Dũng mang đến nộp cho công an ông còn giữ lại được. Đó là những cái “chông” làm bằng sắt xây dựng dài 30cm, mỗi thanh sắt được cột nối với 1 thanh tre chẻ dẹp dài 40cm. Phần tre được cắm xuống ruộng lẫn vào các bụi lúa rất khó nhìn. Trên đầu những cây sắt được cột “bổ sung” 1 viên đá núi ta bằng nắm tay vuông vức. Ông Hương giải thích: “Khi máy gặt đập liên hợp gặp phải những cây sắt và “nhai” những viên đá này kể như đi “tong” lưỡi cắt và vỡ rulô”.

Theo nhận định của ông Hương, rất có thể những người có máy cắt lúa và máy phun lúa ở địa phương là tác giả các vụ cắm “chông” để ngăn chặn máy liên hợp nơi khác đến làm ăn nhằm giữ “bát cơm” cho riêng mình. Chi phí để thay thế một giàn lưỡi cắt mới cho máy gặt liên hợp lên đến hàng chục triệu đồng nên dù được nhiều nông dân thuê, mướn thu hoạch lúa nhưng các chủ máy đều tỏ ra e ngại nếu chẳng may dính chông sắt thì lờ lãi chưa thấy mà đã mang hoạ. Ông Phan Văn Khiêm- Phó phòng NN- PTNT huyện Tuy Phước cho biết: "Có máy gặt liên hợp, bà con nông dân đã giảm đi 1/3 chi phi thu hoạch. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm”.

Ông Đoàn Văn Long- Công an thôn Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì) cho biết thêm: “Chiều ngày 15/4, trong lúc anh Khiết đang điều khiển máy gặt liên hợp của mình vào cánh đồng Diêu Trì thì bị ông Huỳnh Sanh- một người dân có máy cắt nhỏ (máy cắt tay) chuyên hành nghề cắt lúa mướn ở địa phương chạy đến cản trở và hăm dọa. Tối ngày 16/4, anh Khiết đi từ thôn Diêu Trì về chỗ trọ ở thị trấn Tuy Phước cũng bị một số đối tượng thanh niên lạ mặt đến gây sự. Tiếp đến, khoảng 17 giờ ngày 19/4, đang điều khiển máy liên hợp cắt lúa trên cánh đồng thôn Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì), anh Khiết và một người làm công tên Hạ lại bị gia đình ông Phạm Văn Thảo là người cũng có máy cắt tay và máy phun lúa ở địa phương đến hành hung”.

Như vậy đã rõ, thủ phạm không đâu xa mà chính là những người "cùng hội cùng thuyền" tại địa phường nhưng vì sợ mất đất làm ăn đã đang tâm rải chông trên đồng để hại các chủ máy từ nơi khác đến. Biết rồi mà tại sao cơ quan pháp luật của xã, huyện vẫn không xử lý? Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi này, Trung tá Võ Thanh Tuấn – Trưởng CA thị trấn Diêu Trì cho hay: Công an đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc và đang tiến hành điều tra (!?)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất