| Hotline: 0983.970.780

Chủ đề “tam nông” hâm nóng nghị trường!

Chủ Nhật 18/11/2007 , 10:56 (GMT+7)

So với 2 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước phạm vi chất vấn của ĐBQH xoay quanh 2-3 nhóm vấn đề, đến lượt Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát các câu chất vấn trải rộng trong nhiều lĩnh vực, địa bàn từ đánh bắt xa bờ, trồng rừng, thủy lợi, dịch bệnh, chất lượng cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV… đến công nghiệp chế biến nông sản. Tâm tư chung của các vị ĐBQH vẫn là làm sao để nông dân bớt khổ, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp… là những vấn đề Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt trọng tâm giải quyết.

Thiên tai, dịch bệnh lấy đi của nông dân khá nhiều

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ dạo phòng chống lũ lụt tại miền Trung

Tại kỳ họp, Bộ NN-PTNT nhận được các câu hỏi qua 15 phiếu chất vấn từ các ĐBQH, trong đó nổi lên 3 vấn đề: Một, thu nhập và đời sống của bà con nông dân tăng chậm, nhiều nơi còn rất khó khăn. Chênh lệch đời sống nhân dân giữa NT và thành thị, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng sâu, vùng xa ngày càng doãng ra. Hai, việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất NN-PTNT, sau khi nước ta tham gia WTO. Ba, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thiên tai, lũ, bão và công tác phòng chống.

“Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương V về đẩy nhanh công nghiệp hoá - hiện đại hoá NN-NT làm cơ sở xây dựng đề án và cố gắng đến quý 1 năm 2008 trình Chính phủ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đi sâu phân tích vấn đề thứ nhất: Về thu nhập và đời sống của nông dân. Hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về thu nhập của nông dân so với hộ thành thị trong năm 2007. “Nhưng thực tiễn cuộc sống cho thấy rõ ràng, thu nhập của bà con nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn so với thu nhập của cư dân ở các thành thị”, Bộ trưởng nói.

Mặc dù thu nhập của nông dân không chỉ từ NN, nhưng một khi NN là nguồn sống chính của 73% dân số, chỉ tăng với tốc độ 3,5 - 4% mỗi năm, còn công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng cao hơn gấp 2 - 6 lần, thì nguy cơ gia tăng, chênh lệch thu nhập và đời sống giữa NT và thành thị là có thực.

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương để khắc phục tình trạng này. Trong năm 2007 Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp rất cụ thể. Thứ nhất, đã tiến hành rà soát, miễn, giảm các khoản đóng góp của nông dân như thủy lợi phí và nhiều khoản đóng góp khác.

Thứ hai, thực hiện các biện pháp rất quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL. “Đầu năm chúng tôi đã lo sợ bệnh này có thể làm mất 2 - 3 triệu tấn lúa, nhưng ngược lại chúng ta đã có được vụ lúa thành công. Rồi phòng, chống dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồng long móng, nhờ vậy đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại cho nông dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc lại.

Thứ ba, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tổ chức cứu trợ kịp thời theo phương châm "không để 1 người dân nào bị đói, bị rét và bị cảnh màn trời, chiếu đất".

Sự cơ cực của nông dân Quảng Bình trong lũ (ảnh TP)

Vừa qua trong các đợt lũ, bão, cấp uỷ chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang đã rất tích cực cứu trợ nhân dân. Tuy nhiên, sự mất mát và gian khổ của nhân dân các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ rất to lớn. Riêng năm nay thiên tai đã làm chết và mất tích 368 người, thiệt hại vật chất trực tiếp trên 7.000 đồng.

“Tôi rất tâm đắc vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những quyết định rất mạnh để đầu tư, giải quyết các vấn đề về cấp nước sinh hoạt cho các vùng cao núi đá ở Hà Giang, Cao Bằng và một số nơi khác. Quyết định sẽ cấp gạo để đồng bào các vùng cao, trồng và bảo vệ rừng, không phải dựa quá nhiều vào việc làm nương rẫy để có lương thực”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Nhờ những nỗ lực đó năm 2007 có thể nói cơ bản là một năm được mùa, được giá của NN. Thu nhập và đời sống của đa số nông dân ở các vùng tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư cao đã lấy đi của người nông dân khá nhiều, nên nhìn chung thu nhập thực của nông dân vẫn tăng chậm. Để tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn cho khu vực NN, NT và nông dân Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án về các vấn đề về NN, nông dân và NT để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Về hội nhập kinh tế quốc tế trong NN. Vào WTO, nước ta có nhiều cơ hội mới cũng như thách thức mới, NN-NT và nông dân cũng trong bối cảnh chung đó, tuy nhiên thử thách có phần lớn hơn. Để phát huy các cơ hội và đối phó với thách thức, nhiệm vụ chính của ngành NN-PTNT là nâng cao nhanh khả năng cạnh tranh của nông sản, trong đó đặc biệt chú ý tới các ngành còn yếu như chăn nuôi và rau quả, để bà con nông dân có khả năng cao hơn đối phó với những biến động của thị trường.

“Chúng tôi là con em nông dân”

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) chất vấn: Trong hội nhập quốc tế hiện nay đối với khối cán bộ, công chức được hưởng lương chúng ta đang có những chương trình cải cách tiền lương; đối với nông dân chúng ta có chương trình gì cụ thể để nông dân có thể khá lên? Bộ trưởng có thể phác họa cho cho ĐBQH biết được bức tranh của nền kinh tế NT VN đến năm 2020? Đến bao giờ bộ mặt NN-NT VN mới có thể thay đổi hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau"?

Nhớ lại chuyến công tác miền núi, vị ĐB có thời gian sống chủ yếu ở Thủ đô và nước ngoài này kể: “Tôi đi Hà Giang, vẫn thấy bà con bê đất từ dưới suối lên trên núi cao để trỉa ngô, hình ảnh muôn thủa của NT Hà Giang. Với tư cách là người đứng đầu lĩnh vực NN-NT, đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ Bộ trưởng có thể thay đổi được hình ảnh này ở các tỉnh miền núi?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định lại, “tam nông” là vấn đề rất lớn. Đại Hội Đảng lần thứ X vừa qua cũng đã bàn và đã có nghị quyết nêu rõ phương hướng cũng như các nhiệm vụ xây dựng nền NN-NT theo hướng CNH, HĐH.

“Hiện nay, đề án mà tôi đã báo cáo QH chính là đề án để thực hiện chủ trương đó của Đảng. Chúng tôi được giao nhiêm vụ, chậm nhất là ngay 30/3/2008 trình lên Chính phủ. Bộ đang phấn đầu đến 30/12 năm nay phải có dự thảo lần đầu để lấy ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học ở trong nước để hoàn chỉnh và trình lên Chính phủ và trình Ban Chấp hành TW để có những quyết sách thực sự mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển NN-NT và nâng cao nhanh hơn đời sống của bà con nông dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

“Cơ giới hóa trong NN liên quan đến cơ chế thị trường, nó không hẳn là theo sự mong muốn của chúng ta. Ví dụ ở ĐBSCL, khi giá nhân công tăng cao, thì nhu cầu về máy gặt cũng tăng, như thế máy gặt từng bước thay thế công sức lao động thủ công của người nông dân, tất cả các khâu khác sẽ diễn tiến theo con đường đó. Nhiệm vụ của ngành NN cùng với ngành công nghiệp làm sao nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất ra các loại máy nông cụ phù hợp với điều kiện của từng vùng với giá thành rẻ để cung cấp cho nông dân, để đẩy nhanh hơn quá trình cơ giới hoá NN”.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào đăng đàn lần thứ hai, ông nói “Thực ra nêu ví dụ về Hà Giang để muốn biết được từ Bộ trưởng một tư duy đột phá, tôi muốn biết được bức tranh phác họa vài nét thôi, không cần phải đề án, tôi không biết đề án ở đâu? Tôi muốn tư duy Bộ trưởng phác họa cho chúng tôi biết được bức tranh của NT VN. Đến khi chúng ta nói đưa VN thoát khỏi tình trạng nước thu nhập thấp thì NT như thế nào, trong tư duy của Bộ trưởng?”.

Chất vấn của ĐB Đào cũng chính là trăn trở của cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát nói riêng, ngành NN-PTNT nói chung.

Bộ trưởng tâm tư: “Về ý kiến của ĐB Nguyễn Ngọc Đào, tôi nghĩ câu hỏi rất lớn và cũng rất rộng, đã liệt kê một số chương trình cụ thể mà bộ đang chỉ đạo, nếu đi quá chi tiết tôi sợ làm ảnh hưởng tới thời gian của QH. Đối với NN, tôi luôn luôn suy nghĩ và hướng tới hành động cụ thể, không chỉ dừng lại ở quản lý chung chung. Tôi đã nêu ví dụ chương trình chuyển giao kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, đó là một biện pháp rất quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trồng lúa nước ta. Như tôi đã báo cáo là trên diện rộng ở ĐBSCL và những mô hình làm ở Hà Tây. Các ĐB ở Hà Tây chắc cũng biết việc áp dụng tập hợp các giải pháp kỹ thuật đó có thể giảm được 30% giống, 30% phân bón và tăng hiệu quả lên từ 10 - 20%. Đó là những việc rất cụ thể trên đồng ruộng mà các nhà khoa học và anh em kỹ thuật đang làm. Cũng còn nhiều việc khác đang làm nữa nhưng xin không liệt kê”.

Bộ trưởng nói tiếp: “Tôi xin lỗi ĐB vì không nói vào vấn đề của Hà Giang. Thực ra Hà Giang cũng giống như nhiều vùng cao, núi đá ở miền núi phía Bắc, năm nay Bộ NN-PTNT xác định là năm của miền núi phía Bắc. Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tất cả các công việc của mình, phải dành nhiều thời gian suy nghĩ để cùng với các đồng chí địa phương miền núi phía Bắc tìm các giải pháp để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của bà con nông dân. Chúng tôi xác định hai trọng tâm là tập trung phát triển chăn nuôi và nghề rừng.

Như tôi vừa báo cáo là chúng tôi rất phấn khởi vì Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết sách mà bấy lâu nay, nhiều đồng chí đã đề xuất, bây giờ đã thành chính sách cụ thể, đó là cấp không gạo cho bà con có đủ lương thực. Không phải lo bê đất lên hốc núi để trồng ngô, đề rồi chỉ ăn mèn mén. Điều trăn trở nhất ở Bộ NN-PTNT là ở một đất nước như chúng ta, đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo mà chúng ta vẫn có hàng trăm nghìn đồng bào quanh năm chỉ có ăn mèn mén và chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết và khi bị ốm. Vì thế, chúng tôi đang cùng các đồng chí ở Hà Giang, Cao Bằng và một số nơi khác xây dựng, để cụ thể hóa chủ trương này, sớm triển khai thực hiện. Tất nhiên còn nhiều việc khác nữa”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chưa dừng lại: “Như Bộ trưởng cho biết, chúng ta có hơn 70% nhân dân sống ở vùng NT, nhưng hiện nay thu nhập của người nông dân ở NT thì chưa có số liệu chính xác, chúng tôi thấy rằng cần phải có số liệu chính xác để chúng ta tổng kết. Vấn đề thứ hai, hiện nay đời sống của người dân ở NT thấp hơn rất nhiều so với người dân ở thành thị. Chúng ta rất mong muốn rút ngắn lại khoảng cách đó, nhưng trên thực tế cho thấy rằng, khoảng cách đó không những không được rút ngắn mà ngày càng có xu hướng doãng ra. Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này và có những giải pháp nào để chặn đứng sự doãng ra đó?”.

ĐB Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) nêu thực tế ở một số nơi có tình trạng nông dân bỏ ruộng. Ở địa phương chúng tôi vừa qua có khoảng hơn 6.000 hộ nông dân bỏ ruộng. “Đây là vấn đề tôi cho là hết sức nhạy cảm, bởi vì ruộng đất gắn với người nông dân. Địa phương thì cũng đã có một số giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, về vấn đề vĩ mô thì tôi đề nghị Bộ trưởng có những giải pháp gì trước mắt và lâu dài để tình trạng này không trở thành phổ biến?”, ĐB Phúc hỏi.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát  cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có sự tham gia của toàn xã hội, tất cả các cấp, các ngành. Để tiếp tục tăng nhanh hơn thu nhập và giải quyết tốt hơn đời sống của bà con nông dân, Chính phủ đã có định hướng.

Thứ nhất, phải tiếp tục đẩy mạnh và phát triển sản xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng của NN không bị tụt xuống. Mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng NN bị suy giảm, bị chậm lại. Vì những nhân tố cơ bản tạo nên sự tăng trưởng của NN đang bị suy giảm. Một phần diện tích đất đai đang bị chuyển sang để phục vụ chương trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Riêng đất lúa mỗi năm giảm mất 1%, trong khi đó chúng ta rất cố gắng thì chúng ta mới tăng được năng suất 2% và dân số của chúng ta tăng 1,3%. Nên phải rất cố gắng mới giữ được sản lượng lúa không suy giảm.

Hai, lao động trong NN cũng đang giảm nhanh. Điều đó chúng ta mong muốn để bà con và đặc biệt thế hệ trẻ sẽ có công ăn việc làm phi NN. Nhưng về mặt sản xuất mà nói thì nhân tố tăng trưởng nó bị giảm xuống. Trong 4 năm gần đây mỗi năm có khoảng 20 vạn lao động NN dịchh chuyển ra đô thị, tăng trưởng NN chỉ còn trông vào khoa học công nghệ và vốn đầu tư. Vì thế, Bộ NN-PTNT lựa chọn khoa học công nghệ là điểm tựa chính để thúc đẩy NN.

Về vốn, ở đây có ba loại: vốn ngân sách, vốn của bà con nông dân và vốn của DN. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, QH và Chính phủ đã quan tâm, bố trí nhiều vốn cho NN-NT và đang cố gắng để tăng. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách mạnh hơn nữa để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào NN-NT.

Đó là về thu nhập từ NN, còn giải pháp nâng cao đời sống cho bà con nông dân, thu hẹp hoặc ít ra là chặn đứng khoảng cách thu nhập giữa NT và thành thị đang doãng ra, thì cần nhiều hơn thế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trăn trở: “NN không thể một mình giải quyết vấn đề thu nhập và việc làm của nông dân mà công nghiệp phải vào cuộc. Bây giờ công nghiệp và dịch vụ đã có điều kiện và phát triển bền vững, mà công nghiệp và dịch vụ không nên chỉ tập trung vào một số vùng, chúng ta nên có cơ chế chính sách để công nghiệp và dịch vụ cũng lan toả về tất cả các vùng NT, để bà con cũng được hưởng lợi từ qúa trình CNH đất nước, thông qua đó có thêm việc làm và thu nhập”.

Đời sống của bà con nông dân còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề khác, chúng ta phải tiếp tục giải quyết và phát triển mạnh mẽ về giáo dục, y tế, văn hóa và các ngành khác. Theo chúng tôi chiến lược xóa đói giảm nghèo tốt nhất và bền vững nhất đó chính là phát triển nguồn nhân lực, trong đó trước hết là phát triển giáo dục ở khu vực NT, bản thân chúng tôi cũng là con em nông dân”.

“Nóng ruột” vì WTO

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) “nới” thêm: “Bộ trưởng  đã trả lời vấn đề chung, tôi muốn hỏi cái cụ thể, đến bao giờ thì chúng ta mới có được chiến lược phát triển NN-NT và nông dân trong thời kỳ VN hội nhập kinh tế thế giới? Cứ bảo Chính phủ đã có chỉ đạo đang tiến hành thì không biết bao giờ xong, để càng lâu thì việc này càng rất nguy hại”.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân  (Khánh Hoà) bổ sung: “Vấn đề nuôi con gì, trồng cây gì thì cử tri nghe rất nhiều và bản thân chúng tôi là những ĐBQH khi đi tiếp xúc cử tri, nhất là cử tri nông dân rất phàn nàn, rằng trong nhiều năm vừa qua Chính phủ mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT chưa chỉ ra được lộ trình này. Tôi nghĩ là đồng chí Bộ trưởng có thể cho QH biết chiến lược về giống, vật nuôi, cây trồng trong thời gian đến như thế nào, để giúp nông dân có thể an tâm sản xuất, tránh trường hợp được mùa thì rớt giá và không bao tiêu được sản phẩm?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát không còn nhiều thời gian đi sâu phân tích những nội dung chi tiết, ông cho biết: Thực chất khi vào WTO, nhiệm vụ của ngành NN là phải tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản. “Những sản phẩm mà VN đã làm tốt như: lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều thì phải làm tốt hơn nữa để đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Sản ta còn yếu, cụ thể là hai ngành chăn nuôi và rau quả, Bộ tập trung vào thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh”.

ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) có chung tâm trạng lo lắng thay người nông dân khi VN hội nhập WTO. ĐB Kim Anh hỏi: "Qua 1 năm gia nhập WTO, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã có những giải pháp thế nào để giúp nông dân VN, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc nói chung, ĐBSCL nói riêng?".

Đối với ngành rau quả, Bộ NN-PTNT đang tập trung vào chọn, tạo để phổ biến các giống mới có chất lượng tốt hơn. “Rau quả của chúng ta cũng có nhiều loại ngon nhưng so với các nước xung quanh chất lượng nói chung còn thấp hơn. Nên phải tập trung vào nâng cao chất lượng. Mặt khác nữa, phải làm mạnh hơn đối với vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các ĐB ĐB cũng đã theo dõi trong những tháng gần đây chúng tôi đang triển khai cùng các địa phương rất quyết liệt công tác này”, ông Cao Đức Phát nói.

Đối với chăn nuôi, hệ thống chăn nuôi của chúng ta vẫn mang nhiều dáng dấp của một hệ thống chăn nuôi truyền thống, phân tán, nhỏ lẻ, tận dụng thả rông, chạy đồng thì không thể có một nền chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu cứ tiếp tục tăng số lượng với phương thức như thế. Nên chúng tôi tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách và cùng với các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các hình thức chăn nuôi tập trung, đồng thời tăng cường hệ thống thú y để giúp cho bà con nông dân chăn nuôi an toàn và có hiệu quả.

Trong thủy sản thì có 2 việc, một là điều chỉnh đánh bắt ở ngoài khơi và thứ hai là phát triển nuôi bền vững trên đất liền.

Trong lâm nghiệp thì tập trung vào hỗ trợ bà con nông dân phát triển trồng rừng kinh tế, nhưng ở mỗi địa phương chọn những cây phù hợp với điều kiện thực địa để có hiệu quả cao hơn. Mặt khác, tập trung để tham gia cùng với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ có liên quan giúp cho bà con xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là bà con ở vùng cao, miền núi. “Chắc không có thời gian để kể hết các chương trình cụ thể. Xin phép nêu một vài chương trình như thế”, ông Cao Đức Phát nói.

Theo quy định của WTO, Chính phủ tập trung hỗ trợ nông dân về thuỷ lợi (không bị hạn chế) và hỗ trợ cây, con giống cho các vùng nghèo, cho bà con nông dân nghèo bằng cách trợ giá. “Nhưng theo tôi, trước hết cần tập trung vào việc nghiên cứu, chọn tạo để có những giống tốt và tổ chức hệ thống nhân giống đảm bảo chất lượng để cung cấp cho bà con nông dân. Còn việc trợ giá giống nên hạn chế ở mức độ và nếu có nên dành tiền nhiều hơn để làm các mô hình trình diễn và hướng dẫn tập huấn để bà con sử dụng thành thạo các giống cũng như các kỹ thuật cây trồng có hiệu quả cao hơn. Còn về thuỷ lợi, chúng ta sẽ cố gắng cao nhất để tiếp tục xây dựng”. Nếu như 5 năm 2001-2005 Chính phủ đầu tư cho thuỷ lợi trong toàn quốc khoảng 15.000 tỷ đồng thì 5 năm 2006 – 2010, số vốn đầu tư không dưới 30.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đang tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư cho thuỷ lợi.

ĐB Võ Văn Liêm (Vĩnh Long), ĐB Trần Thị Kim Phương (Hà Tây) chất vấn tình trạng quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; tình trạng kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu giả. ĐB Liêm hỏi: “Hiện nay tình trạng buôn bán cây giống, con giống kém chất lượng khắp nơi. Người nông dân mua về nuôi, trồng kém hiệu quả, gây tổn thất rất lớn về kinh tế. Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để ngăn chặn?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, về mặt cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, vấn đề chính hiện nay là tổ chức triển khai thực hiện. “Bộ đã phát động chiến dịch tổng kiểm tra chất lượng vật tư NN, trong đó có giống, thuốc trừ sâu, đấu tranh quyết liệt với giống giả, thuốc trừ sâu giả, phân bón giả. Chúng tôi hiểu trong cơ sở pháp lý của chúng ta cũng còn có những bất cập, Bộ đang tiếp tục điều chỉnh. Nhưng trong điều kiện hiện nay, vấn đề chính vẫn là tổ chức thực hiện ở các địa phương. Trước mắt, ngay trong tháng này, Bộ hành động chuẩn bị cho một vụ mới trong cả nước”.

“Trổng rừng không chỉ để ngắm”

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) trong nhiều kỳ họp QH (khóa XI) đã dành sự quan tâm sâu về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Tại kỳ họp này, ĐB Tuyết 2 lần đăng đàn chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT về chủ đề này. Từ cái cụ thể, việc bố trí vốn thấp, ông Nguyễn Văn Tuyết lo Chính phủ khó hoàn thành Nghị quyết của QH giao trồng mới 5 triệu ha rừng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Chính phủ mong muốn QH sẽ bố trí đủ vốn cho chương trình 5 triệu ha rừng, để thực hiện theo các tiêu chuẩn và định mức. Năm nay, việc trồng rừng phòng hộ chỉ đạt khoảng 87% chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân chính vì đơn giá thấp, trong khi đó các loại vật tư, ngày công cao lên. Trồng rừng phòng hộ bây giờ phải lên núi rất cao, đi rất xa nên nhiều DN không muốn nhận để trồng rừng. Cho nên phải điều chỉnh lại định mức đơn giá, yêu cầu vốn sẽ phải tăng hơn.

“Nhưng chúng tôi cho rằng cũng không thể chạy theo như thế được, mà phải tìm cách khác, đối với vùng xa, vùng sâu nên chuyển mạnh sang khoanh nuôi tái sinh; còn những nơi thuận lợi, nên tạo điều kiện để nhân dân và các DN bỏ vốn trồng rừng. Vì rừng sản xuất cũng có chức năng phòng hộ, không phải rừng sản xuất không có chức năng phòng hộ”, Bộ trưởng gợi mở vấn đề.

“Rất nhiều DN, thậm chí những nhà đầu tư viết thư trách chúng tôi là đã không giúp họ để có được đất trồng 100.000 - 200.000 ha rừng. Chỉ tiêu của QH giao đến năm 2010 phải trồng 750.000 ha rừng, trong khi một DN sẵn sàng bỏ tiền của họ ra để trồng 100.000 - 300.000 ha rừng, nhưng chúng ta không có đất.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: 
Ít nhất không cho khoảng cách thu nhập giữa nông thôn - thành thị dãn ra

NN-NT và nông dân là vấn đề rất lớn, có thể nói cũng là một chủ đề khá nổi bật trong kỳ họp này. Trong phần thảo luận về kinh tế xã hội, cũng đề cập rất nhiều, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đây cũng là một phần được nêu khá đậm. Tại phiên trả lời chất, cũng được các ĐBQH quan tâm, cử tri quan tâm. Vì vậy, thời gian dành để Bộ trưởng NN-PTNT trả lời các vị ĐBQH cũng được dài hơn so với các vị Bộ trưởng khác. Trong hơn 105 phút, đã có 15 ĐB nêu câu hỏi và đã được Bộ trưởng trả lời từng câu.

Trong các vấn đề nêu ra, chưa được tập trung vào 2 chủ đề chúng ta muốn là tình hình thu nhập và đời sống của nông dân. Nông dân khắp các vùng trên cả nước bây giờ trên các lĩnh vực thế nào, chưa được đề cập nhiều lắm, nhưng rõ ràng đây là vấn đề rất lớn khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, CNH, HĐH và đô thị hoá. Một bộ phận lớn nông dân là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên nhiều vấn đề về đời sống đặt ra.

Thứ hai, khi chúng ta ra nhập WTO, chịu nhiều ảnh hưởng tác động của thế giới, mặt thuận cũng có, nhưng cũng chưa thuận nhất là đối với nước ta là một nước NN bắt đầu đi vào CNH, HĐH. Nên chủ đề các ĐB nêu ra còn phải tiếp tục. Mong Bộ trưởng qua các buổi chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay, tiếp tục đào sâu suy nghĩ có những tổng kết thực tiễn và có những giải pháp để giải quyết từng loại vấn đề cho mạch lạc.

Riêng 2 nội dung này, đề nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết của QH, để từng bước chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách đời sống giữa NT với thành thị, giữa miền xuôi, miền núi với vùng đồng bằng, hoặc ít nhất không cho nó dãn ra xa hơn. Đấy là mong muốn chung của QH, Đảng ta, Nhà nước ta cũng như sự mong muốn quan tâm, cũng là sự búc xúc của nhân dân nhiều vùng trong cả nước.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm