| Hotline: 0983.970.780

Chủ động khắc phục ngay sự cố giống lúa Vật tư NA2

Thứ Tư 22/01/2014 , 12:02 (GMT+7)

Nhằm đảm bảo kịp thời vụ sản xuất, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã đưa ra 2 phương án để cơ sở sản xuất và bà con nông dân tự chọn.

Vụ lúa xuân năm nay Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung cấp ra thị trường các tỉnh từ Bình Định, lên Tây Nguyên, đến Hà Tĩnh, Nghệ An và một số tỉnh khác ở đồng bằng Bắc bộ chủ yếu bằng giống lúa Vật tư NA2 (gọi tắt là NA2) với số lượng khoảng trên 600 tấn.

>> Giống nguyên chủng vẫn nảy mầm kém!

Giống lúa NA2 là giống lúa thuần, có thời gian sinh trưởng ngắn (120 – 125 ngày trong vụ xuân và 93 – 95 ngày trong vụ hè thu – mùa sớm), năng suất bình quân trong vụ xuân đạt từ 63 – 70 tạ/ha, vụ hè thu – mùa sớm đạt từ 60 – 65 tạ/ha, gạo trắng trong, cơm ngon, dẻo, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Giống lúa NA2 được Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách tại Quyết định số 609/QĐ-TT-CLT ngày 25/10/2011. Do có ưu điểm về năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng rộng, mức độ chống chịu sâu bệnh khỏe và yêu cầu thâm canh không cao như các giống lúa lai nên rất được bà con nông dân ở nhiều tỉnh, thành, thị tin dùng với nhu cầu ngày càng lớn.


Mô hình trình diễn giống lúa NA2 trên cánh đồng lớn tại xã Phước Sơn (Tuy Phước - Bình Định) vụ đông xuân 2012-2013

Đặc biệt ở Hà Tĩnh năm 2013, cả vụ xuân và hè thu đã gieo cấy lên hàng nghìn ha giống lúa NA2. Riêng ở 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Nam trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mỗi vụ mỗi xã gieo cấy từ 250 – 430 ha, năng suất đạt bình quân từ 63 – 67 tạ/ha/vụ. Giống lúa NA2 là giống độc quyền của Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, nên toàn bộ công đoạn đi từ sản xuất đến kinh doanh hạt giống do Tổng công ty đảm nhiệm.

Chính vì vậy công việc chọn lọc giống trên đồng ruộng đến việc kiểm tra chất lượng giống trước khi cung ứng ra thị trường luôn luôn được Tổng công ty chỉ đạo và nhắc nhở các cán bộ kỹ thuật phải nghiêm túc thực hiện đúng qui trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra.

Nhưng thật đáng tiếc và cũng rất bất ngờ trong số giống nói trên có gần 80 tấn thuộc 3 mã lô: ĐX13.005.1 cấp giống nguyên chủng và ĐX13.001.1, ĐX13.001.2 cấp giống xác nhận 1 có tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt được từ 56 – 67% và phần lớn số lượng giống này tập trung chủ yếu ở tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là một sự cố rất đáng tiếc lại xảy ra ở một Tổng công ty lớn có truyền thống sản xuất - kinh doanh giỏi, có uy tín lớn trên thương trường các tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra. Vì sao lại xảy ra sự cố? Ông Lê Văn Minh, Phó Tổng giám đốc chuyên phụ trách về giống cây trồng cho biết, việc thu mua hạt giống nguyên chủng và hạt giống lúa xác nhận vừa qua phát hiện có một số ít lượng giống có ẩm độ vượt quá ngưỡng cho phép nên buộc phải tiến hành sấy lại.

Công việc này được tiến hành vội vàng do đã cận kề thời vụ xuống giống của bà con nông dân. Vì vậy việc chỉ đạo quy trình sấy thiếu chặt chẽ để xảy ra tình trạng quá nhiệt và kỹ thuật đảo hạt giống trong bin sấy không đảm bảo nên mới có tình trạng hạt giống nảy mầm kém và nảy mầm không đều.

Ngoài nguyên nhân chủ yếu nói trên, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là suốt thời gian vừa qua nền nhiệt độ không khí luôn luôn thấp từ 16 đến 13 và thậm chí nhiều ngày dưới 12oC nên đã ảnh hưởng đến tỉ lệ nảy mầm của hạt giống. Trước tình hình đó, Tổng công ty đã cho cán bộ kỹ thuật tiến hành thử lại tỉ lệ nảy mầm bằng phương pháp xử lý nước ấm liên tục để vừa cung cấp đủ nhiệt, vừa cung cấp đủ nước cho hạt giống dễ dàng nảy mầm cho kết quả tốt, tỉ lệ nảy mầm đạt xấp xỉ 80%.

Từ kết quả này Tổng công ty đã in ấn bằng văn bản bổ sung qui trình ngâm ủ phù hợp với thực trạng các lô giống kém chất lượng nói trên để bà con nông dân thực hiện. Nhưng do các công đoạn ngâm, ủ và xử lý nước ấm khá phiền hà nên bà con nông dân hầu như không thực hiện mà muốn đơn giản là áp dụng như qui trình ngâm ủ cũ đã được ghi ở ngoài bao bì giống lúa.

Nguyên nhân của sự cố hạt giống lúa NA2 nảy mầm kém là như vậy. Nhưng chỉ sau 5-7 ngày hạt giống được đưa xuống cho bà con nông dân thì Tổng công ty đã phát hiện ra và ngay lập tức cử cán bộ kỹ thuật xuống tận các cơ sở sản xuất để kiểm tra cụ thể từng bao giống để phát hiện và thu hồi tất cả các bao giống có mã lô ĐX 13.005.1 (nguyên chủng); ĐX 13.001.1, ĐX 13.001.2 (xác nhận 1).

Trước tình hình như vậy, nhằm đảm bảo kịp thời vụ sản xuất, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã đưa ra 2 phương án để cơ sở sản xuất và bà con nông dân tự chọn, đó là:

Phương án 1: Thu hồi toàn bộ các lô giống nói trên đưa về Tổng công ty và thanh toán lại tiền mua giống cộng lãi suất ngân hàng cho người mua giống để họ mua giống khác thay thế.

Phương án 2: Thu hồi toàn bộ các lô giống nói trên và thay vào đó 1 trong 2 giống lúa thuần chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 120 – 122 ngày), năng suất khá, đó là các giống DT68 và giống lúa gạo đỏ GH1. Nếu các cơ sở sản xuất đồng ý và hoàn toàn tự nguyện thay thế 1 trong 2 giống lúa nói trên Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An sẽ có hợp đồng ký kết với các cơ sở sản xuất để tổ chức chỉ đạo thực hiện từ khi gieo cấy đến thu hoạch.

Để cơ sở sản xuất và bà con nông dân ở những địa phương được thu hồi lại giống lúa có tỉ lệ nảy mầm kém và đã tự nguyện thay vào đó một trong hai giống lúa nói trên, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đồng ý cho bà con nông dân được ứng trước các loại phân bón theo yêu cầu sản xuất trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 01/01 – 30/6 không phải chịu lãi suất, cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng cán bộ địa phương chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt qui trình sản xuất.

Không những thế, Tổng công ty còn bảo lãnh năng suất và thu mua lại toàn bộ sản phẩm lúa được sản xuất ra với giá khuyến khích tăng thêm 10% đối với giống lúa DT68 và 20% đối với giống lúa gạo đỏ GH1 nếu người sản xuất đồng ý bán lại cho Tổng công ty.

Tất cả những chủ trương nói trên của Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đều được thể hiện rất cụ thể trong hợp đồng giữa cơ sở sản xuất và Tổng công ty. Nên rất được cán bộ lãnh đạo và bà con nông dân ở những cơ sở sản xuất sau khi phải thu hồi lại giống lúa NA2 có tỷ lệ nảy mầm kém thay bằng giống DT 68 và giống lúa gạo đỏ GH1 đồng tình.

Hiện nay trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó tập trung chủ yếu là Hà Tĩnh, số lượng giống lúa NA2 được phát hiện có tỷ lệ nảy mầm kém đã được thu hồi hết, thay vào đó là các giống lúa được ngành nông nghiệp tỉnh, huyện và cơ sở sản xuất tự chọn đưa vào cơ cấu giống đã được thực hiện nhanh gọn để ổn định sản xuất.

(*): Tác giả hiện đang là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Giống cây trồng Nghệ An

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất