| Hotline: 0983.970.780

Chủ động, tập trung phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm 20/06/2019 , 11:13 (GMT+7)

Dù xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sớm nhưng Thanh Hóa vẫn là một trong những địa phương phòng chống dịch hiệu quả.

Các chốt kiểm soát, kiểm dịch động vật hoạt động hiệu quả.

Thanh Hóa có tổng đàn lợn lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, nằm trên trục đường vận chuyển động vật Bắc – Nam, dịch tả lợn châu Phi rất dễ lây lan ra diện rộng. 
 

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trước tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, thời điểm dịch tả lợn châu Phi còn cách biên giới Việt – Trung 150 km, Thanh Hóa đã lên sẵn kịch bản phòng chống dịch. Cả hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc; mọi nguồn lực được xác định ưu tiên cho các biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy đã thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tả châu Phi. Ban thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban bí thư Trung ương Đảng.

Lãnh đạo tỉnh; Sở NN-PTNT - Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch; các đồng chí thành viên trong Ban chỉ đạo tỉnh được phân công phụ trách địa bàn đã trực tiếp xuống các ổ dịch để kiểm tra, chỉ đạo sát sao công tác thực hiện bao vây, dập dịch tại các huyện, thị xã, thành phố.

Phun tiêu độc khử trùng các xe vận chuyển động vật qua địa bàn.

Sở NN-PTNT, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND 27 huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Lãnh đạo Chi cục Thú y cùng 3 Đội phản ứng nhanh được phân công trực tiếp tại địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc cùng UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh.
 

Dồn toàn lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Để chủ động ứng phó kịp thời diễn biến dịch tả lợn châu Phi, ngay từ đầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các trang bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác bao vây, khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Tính đến đầu tháng 6/2019, Thanh Hóa đã huy động 119.184 lít hóa chất sát trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 51.000 lít; tỉnh cấp kinh phí mua cấp 38.100 lít hóa chất sát trùng dự phòng cấp cho các đơn vị xảy ra dịch bệnh; các huyện, thị xã, thành phố chủ động mua 30.084 lít. Toàn tỉnh huy động 740 tấn vôi bột trong đó, tỉnh cấp kinh phí mua cấp 455 tấn; các huyện, thị xã, thành phố huy động được 285 tấn. Vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch gồm 8.300 bộ quần áo bảo hộ; 3.090 đôi ủng cao su; 40.000 khẩu trang; 40.000 đôi găng tay cao su; 500 lọ dung môi lấy mẫu; 63 bộ dụng cụ bắt lợn… Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố đã huy động nguồn ngân sách tại chỗ để mua vật tư, hóa chất phục vụ công tác chống dịch.

Tính đến nay, Thanh Hóa đã thành lập và tăng cường 7 trạm, chốt kiểm dịch động vật cấp tỉnh; kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng được 11.760 lượt xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật theo quy định; xử lý 7 xe vận chuyển lợn tiêu hủy 461 con lợn nhiễm bệnh dịch nhập vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ.

Lực lượng liên ngành bắt giữ một vụ vận chuyển lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Ngoài 7 trạm, chốt kiểm dịch động vật, trên địa bàn tỉnh cũng thành lập 584 chốt kiểm soát (578 chốt kiểm soát của 27 huyện, thị xã, thành phố; 3 chốt kiểm soát cửa khẩu) và 35 tổ kiểm soát lưu động để thực hiện việc tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh. Lực lượng liên ngành đã xử lý 45 trường hợp vi phạm vận chuyển lợn, xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy 390 con lợn nhiễm bệnh, 162 kg sản phẩm lợn.

Từ ngày 1/1/2019 đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện lấy 1.355 mẫu giám sát dịch bệnh trên lợn. Trong đó có 610 mẫu để chẩn đoán, giám sát dịch tả lợn châu Phi (có 333 mẫu dương tính); 159 mẫu đối với các bệnh LMLM, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển và 586 mẫu giám sát dịch tả phục vụ kiểm soát giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho rằng, để hạn chế lây lan dịch bệnh, nên tổ chức tiêu hủy lợn trong vòng 3- 8 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm.  Tuy nhiên, thực tế còn nhiều đường mòn, lối mở với các tỉnh phía Bắc khó kiểm soát. Mặt khác do lợi nhuận rất cao nên số lượng xe vận chuyển trái phép lợn có nhiễm bệnh từ vùng dịch bằng rất nhiều hình thức tinh vi đi vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ làm lây lan dịch bệnh khó kiểm soát.

Chỉ trong khoảng vài tháng trở lại đây, cơ quan chức năng Thanh Hóa đã bắt giữ trên dưới 10 vụ vận chuyển lợn từ các vùng dịch phía Bắc đi vào Nam hoặc vào địa phương tiêu thụ, tiêu hủy trên dưới 800 con lợn nhiễm dịch. Đa phần các vụ việc này đều vi phạm hoặc chở lợn ốm chết hoặc vận chuyển lợn từ vùng dịch không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch giả.

Trực tiếp bắt nhiều vụ vận chuyển, ông Đặng Văn Hiệp đã phải thốt lên rằng: “Không hiểu vì lý do gì, việc vận chuyển lợn dịch, lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch lại lọt được qua nhiều trạm, chốt lưu động của các tỉnh khác trước khi bị bắt tại Thanh Hóa. Chúng tôi đã bắt trên dưới 10 vụ vận chuyển và tiêu hủy trên 800 con lợn. Cứ đà này, chẳng mấy chốc Thanh Hóa sẽ trở thành bãi chôn lợn dịch. Chúng tôi đề nghị các tỉnh có đường vận chuyển đi qua cần phải làm quyết liệt hơn nữa”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã thiết lập và phổ biến đường dây nóng chống dịch qua số ĐT 02373.260.009  tại Chi cục Thú y, trực dịch bệnh 24/24 giờ.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 23/2/2019. Tính đến 16h ngày 11/6/2019, dịch đã xảy ra tại 3.547 hộ của 896 thôn, 281/635 xã của 26/27 huyện. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy 32.939 con lợn, trọng lượng 2.257.827kg. Hiện nay đã có huyện Thường Xuân và 1 số xã công bố hết dịch.

Cùng với việc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch, Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện tốt công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra; chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm khác để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm của nhân dân trong thời gian tới do thiếu hụt thịt lợn.

Ngày 31/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quyết định số 2053/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp tạm ứng kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí tạm ứng đợt này là 17,4 tỷ đồng.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm