| Hotline: 0983.970.780

Chủ động ứng phó dịch bệnh nuôi tôm trong điều kiện thời tiết bất thuận

Thứ Sáu 30/07/2021 , 08:55 (GMT+7)

PHÚ YÊN Thời tiết ít thuận lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tôm nuôi không phát triển, xảy ra dịch bệnh.

Nuôi tôm không thuận lợi

Ông Lê Thanh Sang, một người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết, gia đình ông gần 2 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hai vụ nuôi vừa qua, do thời tiết bất lợi, nắng mưa không ổn định kéo theo môi trường nuôi thay đổi theo khiến tôm nuôi chậm phát triển, phát sinh dịch bệnh. Trong đó, vụ đầu có 2 ao nuôi mới được khoảng 2 tháng đã xuất hiện tôm bị bệnh, chết lai rai. Vì vậy gia đình đành thu hoạch “non”, bán giá thấp, lỗ gần 10 triệu đồng.

Người nuôi tôm ở Hòa Hiệp Trung cho biết, thời tiết vừa qua nắng nóng không thuận lợi cho nuôi tôm. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm ở Hòa Hiệp Trung cho biết, thời tiết vừa qua nắng nóng không thuận lợi cho nuôi tôm. Ảnh: KS.

Đến vụ thứ 2 thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, thỉnh thoảng có mưa trái mùa đã làm cho sức đề kháng của tôm bị suy giảm, kém phát triển. Sau 3 tháng nuôi gia đình thu hoạch với sản lượng thấp, lãi khoảng 15 triệu đồng. Riêng vụ thứ 3 hiện gia đình đang thả tôm với diện tích khoảng 1,4 ha. Đến nay tôm nuôi đã hơn 1,5 tháng và phát triển bình thường.

Còn ông Nguyễn Bút nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), cho biết, gia đình ông có 2 ao nuôi tôm với diện tích gần 1,4 ha. Hai vụ vừa qua, mặc dù tôm nuôi không bị bệnh song chậm lớn nên gia đình thu hoạch cũng không lãi.

“Nguyên nhân có thể là do thời tiết bất lợi làm môi trường nuôi thay đổi liên tục khiến sức đề kháng của tôm nuôi bị yếu, bỏ ăn nên chậm lớn. Bên cạnh đó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá bán tôm thấp hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với mọi năm nên nuôi tôm gặp khó khăn”, ông Bút chia sẻ và cho biết thêm, hiện tại vùng nuôi ở xã Hòa Tâm có nhiều hộ thả nuôi vụ 3 và chỉ mong thời tiết thuận lợi để thu hoạch thắng lợi.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 1.570 ha tôm nước lợ, tập trung chủ yếu ở TX Đông Hòa, TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Trong đó đã có khoảng 48ha bị bệnh, cụ thể 30 ha bi bệnh hoại tử gan tụy cấp và 18 ha bị bệnh đốm trắng. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường vùng nuôi và xử lý, khống chế các ổ dịch ngăn ngừa phát sinh tại các vùng nuôi.

Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi ở một số vùng nuôi là do thời tiết bất lợi, môi trường nuôi biến động nên làm sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, hiện nay môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất thải hữu cơ tích tụ, tồn động trong vùng nuôi không được rửa trôi.

Chủ động ổn định vùng nuôi

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 hôm 16/7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi là rất cao. Nguyên nhân là người nuôi tôm bắt đầu tăng diện tích thả nuôi vụ mới, trong khi đó thời tiết đang giao mùa, một số địa phương xảy ra tình trạng xâm nhập mặn nên thủy sản nuôi tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Thu hoạch tôm nuôi ở TX Đông Hòa. Ảnh: CN.

Thu hoạch tôm nuôi ở TX Đông Hòa. Ảnh: CN.

Hiện các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi; các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan…có thể tác động xấu làm tôm nuôi chậm lớn, sức đề kháng yếu, mầm bệnh dễ xâm nhập gây bệnh cho tôm nuôi.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đơn vị đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để tránh lây lan.

Đồng thời, các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát con giống thủy sản nhập về địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh. Các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III: "Đối với nuôi trồng thủy sản, môi trường nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Trong đó, những yếu tố chính liên quan đến phát triển của động vật thủy sản như: Nhiệt độ, pH, DO (oxy hòa tan), độ mặn… Các yếu tố ô nhiễm gây độc như: NH3, NO2, H2S, kim loại nặng, thuốc BVTV…Do đó, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản, quyết định hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của thủy sản nuôi. Việc duy trì chất lượng nước tốt rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển tối ưu của các đối tượng thủy sản nuôi".

    Tags:
Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.