| Hotline: 0983.970.780

Chủ động ứng phó hạn, mặn

Thứ Ba 17/11/2015 , 09:21 (GMT+7)

Chiều 16/11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chủ trì hội nghị.

16-18-34_1-pho-chu-tich-ubnd-tinh-kien-ging-mi-nh-nhin-chi-do-hoi-nghi
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chủ trì hội nghị

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, mùa mưa năm 2015 ở Kiên Giang muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), diễn ra khoảng cuối tháng 5.

Đặc biệt trong tháng 7, 8 lượng mưa phổ biến thiếu hụt khoảng 50-70%. Tổng lượng mưa trong 9 tháng đầu năm phổ biến từ 700-1.600 mm, thiếu hụt so với TBNN từ 20-60%.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long từ đầu tháng 5 cho đến nay luôn ở mức thấp hơn TBNN, có thời điểm thấp hơn từ 1,5 – 1,8 m.

Đây là năm có đỉnh lũ thấp nhất trong gần 100 năm qua. Riêng tại địa bàn Kiên Giang, mực nước đều thấp hơn từ 0,1-0,3 m so với cùng kỳ năm 2014.

Xâm nhập mặn năm 2015 diễn biến bất thường, độ mặn tăng nhanh và đạt giá trị lớn nhất vào tháng 4, lên tới 22,9%o tại TP Rạch Giá. Xâm nhập mặn 4%o lấn sâu vào sông Cái Lớn khoảng 50 km, kênh Rạch Giá – Hà Tiên 17 km.

Đặc biệt là đầu tháng 6, 7, mặn xâm nhập sâu vào các kênh, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài cho TP Rạch Giá.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, hiện tượng Elnino tiếp tục tăng dần và có khả năng đạt giá trị cao nhất vào những tháng cuối năm 2015, đầu 2016.

Mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN trong khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Tình hình xâm nhập mặn có khả năng diễn ra sớm vào tháng 12/2015 và sẽ xâm nhập sâu, độ mặn cao nhất xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2016.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, từ đầu tháng 6, tình hình xâm nhập mặn bất thường đã xảy ra gay gắt, kéo dài đến hết tháng 7, làm thiệt hại 4.812 ha lúa HT, trong đó huyện Kiên Lương thiệt hại 2.133 ha, Giang Thành 1.348 ha, U Minh Thượng 856 ha, Hòn Đất 475 ha.

Ông Nam nhận định: “Đối với sản xuất nông nghiệp thì vùng chịu ảnh hưởng hạn, mặn chính là vùng ven biển TP Rạch Giá – Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, Cái Bé, vùng U Minh Thượng.

Đối với nước sinh hoạt, trọng tâm là TP Rạch Giá, TX Hà Tiên, hải đảo và các trung tâm huyện. Cháy rừng trọng tâm là VQG Phú Quốc, U Minh Thượng và rừng sản xuất”.

Để đối phó với tình hình hạn, mặn thời gian tới, đại diện UBND TP Rạch Giá kiến nghị các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thi công cống Sông Kiên để đưa vào sử dụng trước mùa khô, sớm triển khai cống kênh Nhánh và kênh Cụt để phòng ngừa cho những năm tiếp theo. Cho phép các địa phương sử dụng nguồn thủy lợi phí để nạo vét kênh mương nội đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh Lê Ngọc Tùng cho biết, dù mới xuống giống nhưng toàn huyện đã có 5.000 ha lúa trên nền đất nuôi tôm bị ảnh hưởng mặn, nhiều diện tích mất trắng không thể khôi phục. Diện tích còn lại lúa phát triển chậm, nhiều khả năng diện tích bị ảnh hưởng tiếp tục mở rộng.

16-18-34_2-lu-tom-o-huyen-n-minh-bi-hn-mn-khong-the-pht-trien
Lúa tôm ở huyện An Minh bị hạn, mặn gây thiệt hại không thể phát triển

Ông Tùng kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cống ngăn mặn, hiện mới có 4/14 cống ven biển của huyện được khởi công, trong đó cống Xẻo Nhàu thi công rất chậm, chỉ mới làm được phần móng.

Về nước sinh hoạt, huyện có 6 xã ven biển thì chỉ 2 xã có thể khoan được giếng ngầm, vì vậy để nghị sớm làm hồ chứa nước ngọt cho vùng này.

Về tôm nuôi, nên bố trí mùa vụ hợp lý, không nóng vội thả sớm. Có giải pháp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, không để xảy ra mất nước kéo dài. Vận động người dân làm bồn trữ nước dự phòng và sử dụng nước tiết kiệm.

Theo đại diện huyện Kiên Lương, nắng hạn vừa qua đã làm cho 2.133 ha lúa hè thu của huyện bị thiệt hại, nhiều diện tích phải sạ đi sạ lại 2, 3 lần.

Còn về nước sinh hoạt, trầm trọng nhất là khu vực 2 xã đảo, có thời điểm giá nước cao nhất lên đến 200.000 đ/m3, trong đất liền như xã Bình An cũng lên đến 100.000 đồng/m3.

Còn tại huyện Kiên Hải, hiện hồ chứa nước chính của đảo mới chỉ tích nước được 60% dung tích, khả năng sẽ thiếu nước nghiêm trọng, hàng năm vào mùa khô người dân phải đổi nước từ đất liền chở ra với giá 170.000 đồng/m3.

Huyện kiến nghị tỉnh nên có kinh phí hỗ trợ để chở nước từ đất liền ra đảo phục vụ sinh hoạt. Về lâu dài nên xúc tiến lắp đặt máy lọc nước biển để có nước sinh hoạt.

Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang cho biết, đã tăng cường chứa nước trong các hồ, đồng thời khảo sát khoan thêm từ 10-15 giếng nước ngầm nhằm tăng nguồn cung cho nhà máy.

Kết luận hội nghị, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thực hiện triệt để các giải pháp theo chỉ thị của UBND tỉnh, trong đó công việc cần tập trung là đảm bảo sản xuất, nước sinh hoạt phục vụ dân sinh và phòng chống cháy rừng.

Đặc biệt là thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, tập trung xuống giống sớm và đảm bảo nước tưới cho 305.000 ha lúa ĐX 2015-2016.

Ưu tiên nạo vét hệ thống kênh mương để trữ nước và dẫn nước. Vận hành hệ thống cống chặt chẽ và hợp lý, hạn chế mở cống trong mùa khô. Thi công hoàn thiện nhanh các công trình đang dang dở, đưa vào phục vụ. Chuyển đổi mùa vụ, hạn chế xuống giống vụ xuân hè nhằm tránh tình trạng thiếu nước tưới.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất