| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhân của máy nông cụ '4 trong 1' không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng

Thứ Ba 18/10/2016 , 14:05 (GMT+7)

Xưởng cơ khí mini (ở ấp Vĩnh Phước I, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vừa là “cần câu cơm” vừa là nơi anh Nguyễn Cao Thượng (SN 1966) mày mò, sáng chế: biến xe máy thành xe cứu hỏa, máy nông cụ “4 trong 1” được rất nhiều nhà nông ưa chuộng.

Xe cứu hỏa “made by” Cao Thượng

Mấy chục năm kiếm cơm bằng nghề sửa máy ở Vĩnh Thuận, anh Cao Thượng từng chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn: khi thì cháy nhà dân, khi thì cháy chợ. Do là vùng sâu vùng xa, lại phải “qua sông lụy phà” nên xe chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh không thể xuống được.

15-35-44_5-nguyen-co-thuong-vn-hng-xe-cuu-ho-tu-che
Xe cứu hỏa lưu động “made by” Nguyễn Cao Thượng
 

Nhìn cảnh người dân chữa cháy bằng thau, xô, đành bất lực trước bà hỏa, anh Thượng chợt nghĩ: “Sao mình không làm chiếc xe chữa cháy để giúp họ? Ý nghĩ ấy cứ lớn dần sau những vụ cháy.

Anh Thượng cho biết, ý tưởng thì có nhưng làm cũng không dễ, vì không có tiền. Vì vậy, đi đâu hễ gặp thứ gì cần là mua để đấy. Để tiết kiệm cũng như tạo tính lưu động, anh sử dụng chính chiếc xe máy vespa của mình để thử nghiệm. “Ban ngày tui làm việc bình thường để kiếm tiền, ban đêm mới mày mò, sáng chế. Thấy đơn giản vậy nhưng có những chi tiết phải chỉnh sửa nhiều lần mới hoàn thiện. Vì làm sao để chiếc xe vẫn vận hành đi lại như bình thường nhưng phải dễ dàng thao tác khi tham gia chữa cháy”, anh Cao Thượng kể.

Chiếc xe dần hoàn thiện, người dân Vĩnh Thuận ban đầu rất ngộ nghĩnh với chiếc xe máy sơn màu đỏ đặc trưng của xe phòng cháy chữa cháy, gắn trên mình lỉnh kỉnh bơm áp lực, còi hú, đèn tín hiệu... Có cả số điện thoại gọi khẩn cấp khi cần chữa cháy.


Anh Nguyễn Cao Thượng vận hành xe cứu hóa do mình sáng chế
 

Dù đã nhiều lần tham gia cứu hỏa, nhưng anh Thượng vẫn hồi hộp mỗi khi nhắc lại chuyến xuất quân lần đầu tiên: “Đêm đó tui đang mở xe ra chỉnh sửa lại, còn mấy con ốc nữa mới ráp xong thì có người chạy qua báo tin chợ bị cháy. Vội vội vàng vàng lên đường, đến nơi thì lửa đã bùng to. May mà máy hoạt động hiệu quả, nước phun xa vài chục mét, áp lực mạnh, ngọn lửa được khống chế không lan rộng thêm. Một lúc sau công an tăng cường thêm máy phao, dập tắt đám cháy”.
 

Vợ bỏ vì mê sáng chế

Chiếc xe thành công, hoạt động hiệu quả cũng là lúc anh lâm nợ, phải thế chấp chính chiếc xe vay trả góp ngân hàng. Từ đây, anh nghĩ phải sáng chế ra thứ gì mà người dân cần, mang lại nguồn thu. Nhớ lại thời làm ruộng, nhà nông rất vất vả mỗi khi sạ phân, xịt thuốc, lại ảnh hưởng tới sức khỏe do phải tiếp xúc thường xuyên với thuốc độc. Ý tưởng về chiếc máy nông nghiệp đa năng ra đời.

“Tôi đam mê sáng chế nên lâm nợ, gia đình có lúc túng quẫn. Tôi chỉ biết lao vào sáng chế, lạnh nhạt với gia đình nên vợ con buồn bã bỏ đi hết. Giờ chỉ còn mình tôi với nhà xưởng, máy móc thôi. Đó là thất bại lớn trong đời tôi” - anh Nguyễn Cao Thượng.

Anh Nguyễn Cao Thượng lại lao vào công việc, ngày làm kiếm cơm, đêm mày mò sáng chế, đến quên ăn, thiếu ngủ. Sau nhiều lần hàn vào, cắt ra, chiếc máy cũng được định hình. Nhưng cứ mang ra ruộng thử là hư, khắc phục xong chỗ này, lại lòi ra bệnh khác.

“Lúc đầu mỗi lần tôi mang máy đi thử, nhiều người háo hức đến xem. Nhưng qua nhiều lần thất bại, chẳng còn ai quan tâm nữa. Có người cười mỉa mai, có người khuyên tôi bỏ cuộc đi, tập trung lo làm mà kiếm cơm. Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc”, anh Thượng nhớ lại.

Sau nhiều chỉnh sửa, cuối cùng chiếc máy cũng thành công, được nông dân rất tin dùng. Nhưng với anh Cao Thượng thì lại mất quá nhiều. Đó không phải là thời gian, tiền bạc đổ vào nghiên cứu mà là hạnh phúc gia đình.

TS. Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH-CN Kiên Giang nhận xét: “Anh Nguyễn Cao Thượng là người xuất thân từ nông dân, do vậy khi nào anh cũng nghĩ cho nông dân. Chứng kiến cảnh bà con vất vả làm đồng và chi phí cao trong việc thuê mướn nhân công, anh đã có những sáng kiến như chế chiếc máy “4 trong 1”, bừa đất, sạ lúa, bón phân và phun thuốc trừ sâu.

15-35-44_4-nguyen-co-thuong-dng-hon-thien-chiec-my-4-trong-1-theo-don-dt-hng-1
Anh Nguyễn Cao Thượng với sáng chế máy "4 trong 1"
 

Máy gọn nhẹ nhưng làm việc hiệu quả, phun thuốc trừ sâu 20 ha/ngày, sạ hàng bình quân hơn 30 ha/ngày, nhanh mà giảm được lượng lúa giống. Giá bán máy thì cực kỳ rẻ, chỉ từ 40-55 triệu đồng/chiếc. Còn chiếc xe cứu hỏa phát huy hiệu quả tốt nhờ tính nhanh gọn, kịp thời len lỏi vào khu dân cư, dập tắt những đám cháy mới phát sinh.

15-35-44_4-nguyen-co-thuong-dng-hon-thien-chiec-my-4-trong-1-theo-don-dt-hng-2
Anh Nguyễn Cao Thượng đang hoàn thiện chiếc máy nông nghiệp "4 trong 1" theo đơn đặt hàng
 

Chiếc xe cứu hỏa lưu động của anh Nguyễn Cao Thượng từng đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang lần III (2010-2011); bản thân anh nhận được rất nhiều giấy khen của ngành Công an về thành tích phòng cháy, chữa cháy tại địa phương. Còn chiếc máy nông nghiệp “4 trong 1” được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013. Hiện nay các sản phẩm “4 trong 1” của anh Thượng khi sản xuất đã đồng đều vì có bản vẽ kỹ thuật và hiệu quả hơn do có cải tiến công nghệ từ một dự án do Sở KH-CN Kiên Giang hỗ trợ năm 2014.

Hơn 100 máy đã được xuất xưởng

Theo anh Nguyễn Cao Thượng, tính từ chiếc máy thành phẩm đầu tiên, đến nay đã có hơn 100 chiếc xuất xưởng. Không chỉ bán ở các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, miền Bắc mà còn xuất khẩu qua Lào, Campuchia. Hiện vẫn còn nhiều đơn đặt hàng nhưng do làm thủ công nên không thể đáp ứng kịp.

Điều đặc biệt ở chiếc máy nông nghiệp "made by" Nguyễn Cao Thượng là dù chế tạo thủ công nhưng tính đồng bộ rất cao, chỉ cần 2 cây khóa là có thể tháp, lắp toàn bộ. Sử dụng động cơ cũ của xe máy nên trọng lượng nhẹ, có thể hoạt động ở mọi địa hình, kể cả ruộng mới khai phá, lầy lội.

Anh Thượng cho biết: “Tôi có thể làm ra chiếc máy hiện đại hơn, kể cả điều khiển từ xa. Nhưng như vậy giá thành sẽ cao và đặc biệt là nông dân sẽ khó sữa chữa khi hỏng hóc. Mong ước của tôi là có được nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc sản xuất đại trà, hạ giá sản phẩm hơn nữa để phục vụ nông dân.

 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Bình luận mới nhất