| Hotline: 0983.970.780

Chu Quần Phi là nữ doanh nhân tự thân lập nghiệp giàu nhất thế giới

Thứ Ba 14/03/2017 , 08:15 (GMT+7)

Chu Quần Phi là nữ doanh nhân tự thân lập nghiệp giàu nhất thế giới. Bà hiện là Chủ tịch Cty Lens Technology, chuyên cung cấp kính điện thoại, máy tính bảng và máy tính để bàn cho các doanh nghiệp khác. Hai đối tác lớn nhất của Lens Technology gồm Apple và Samsung. Năm 2015, Lens Technology chính thức bước chân lên sàn chứng khoán, nâng tài sản của bà Chu đạt 7,2 tỷ USD.

Chu từng chia sẻ bà cảm thấy thoải mái hơn cả khi ở tại nhà máy sản xuất của mình để mày mò những thứ mới. Bà không ngại nhúng tay vào khay nước để kiểm tra nhiệt độ xem đã chính xác chưa. Bà có thể giải thích cặn kẽ những phản ứng xảy ra khi cho kính nóng vào bồn chứa ion kali. Khi đi qua một chiếc máy nghiền, Chu thỉnh thoảng yêu cầu kỹ thuật viên tránh sang một bên để bà tự thao tác.

“Bà ấy đôi khi ngồi xuống và làm việc như một nhân viên vận hành máy để kiểm tra xem quy trình sản xuất gặp trục trặc gì không”, một quản lý cấp cao tại Lens Technology cho hay. “Lúc này, tôi sẽ rơi vào tình thế khó xử. Nếu có vấn đề xảy ra, bà ấy sẽ hỏi "Tại sao anh không thể nhìn ra lỗi này’”.

17-22-12_02-chinglss-jp1-mster1050
Chu Quần Phi là nữ doanh nhân tự thân lập nghiệp giàu nhất thế giới (Ảnh: Economic Times)
 

Trong quá trình đưa Lens Technology phát triển như ngày nay, bà Chu, 46 tuổi, đã xây dựng hình ảnh bản thân trở thành tấm gương sáng cho những người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng, một điều hiếm hoi trên thế giới. Theo Forbes, Nhật Bản hiện không có nữ tỷ phú tự thân nào. Trong khi đó, tại Mỹ, hầu hết những nữ tỷ phú sở hữu khối gia sản khổng lồ đều nhờ thừa kế từ gia đình.

Chu là một lãnh đạo tương đối kín tiếng. Trước khi Lens Technology lên sàn chứng khoán, rất ít người biết đến bà. Bà hiếm khi trả lời phỏng vấn hay xuất hiện rầm rộ trước công chúng.

Dù sở hữu vẻ ngoài hiền hậu với phong cách thanh lịch, bà Chu là một phụ nữ khá khó tính và cầu toàn. Bà từng yêu cầu một giám đốc “ngồi thẳng lên” giữa một cuộc họp quy tụ toàn các lãnh đạo cấp cao của công ty.
 

Tuổi thơ khốn khó

Bà Chu luôn quan niệm “điều quan trọng là không bao giờ được đắc ý khi thành công cũng như không được phép nản lòng khi thị trường khó khăn”.

Là con út trong gia đình có ba chị em, Chu sinh ra trong một ngôi làng nhỏ nghèo khó thuộc tỉnh Hồ Nam. Mẹ Chu qua đời khi bà mới 5 tuổi. Bố bị mất một ngón tay và mù sau một tai nạn.

Ở nhà, bà nuôi lợn và vịt để phụ giúp gia đình. Tại trường, bà được đánh giá là một học sinh xuất sắc. Dù có thành tích họp tập đáng nể, năm 16 tuổi, Chu vẫn quyết tâm bỏ học để lên Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, làm thuê.

Ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang, Chu cuối cùng lại vào làm việc tại một nhà máy sản xuất thấu kính cho đồng hồ với mức lương 1 USD mỗi ngày. Bà kể điều kiện làm việc lúc bấy giờ vô cùng tồi tệ.

“Tôi phải làm việc từ 8h sáng đến 0h đêm, đôi khi là 2h”, Chu nhớ lại. “Không có ca kíp gì cả, chỉ một vài người. Tất cả những gì chúng tôi làm là đánh bóng mặt kính. Tôi không thích chút nào”.

Sau ba tháng, bà quyết định bỏ việc. Trong lá đơn xin thôi việc gửi ông chủ, Chu phàn nàn về giờ giấc cũng như sự nhàm chán của công việc nhưng cũng thể hiện lòng biết ơn và bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm.

“Tôi cho rằng điều quan trọng là không bao giờ được đắc ý khi thành công cũng như không được phép nản lòng khi thị trường khó khăn”, bà Chu nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng, đối với bà, bí quyết thành công là luôn khao khát học hỏi không ngừng nghỉ.

Lá đơn khiến chủ nhà máy ấn tượng. Người này nói với Chu về kế hoạch áp dụng quy trình sản xuất mới và mời bà ở lại, hứa thăng chức cho bà.
 

Bùng nổ

Năm 1993, sau khi nhà máy Chu làm thuê đóng cửa, bà mở công ty riêng hoạt động cùng lĩnh vực. Với 3.000 USD tiền tiết kiệm, bà và vài người quen biết khởi động công việc lại từ đầu. Họ thu hút khách hàng bằng lời hứa cung cấp thấu kính đồng hồ với chất lượng cao hơn.

Tại công ty mới, Chu gần như làm hết mọi việc. Bà sửa và thiết kế máy móc, tự học quy trình in trên kính phức tạp cũng như những kỹ thuật khó giúp bà in được trên cả những mặt kính cong.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện thoại di động mới là cơ hội biến Chu thành tỷ phú.

Năm 2003, bà vẫn đang miệt mài với công việc làm kính đồng hồ thì nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ giám đốc điều hành hãng điện thoại Motorola. Họ đề nghị bà giúp phát triển một loại màn hình cho thiết bị mới mà Motorola có kế hoạch tung ra thị trường.

Thời điểm đó, màn hình hiển thị trên điện thoại di động đều được làm bằng nhựa. Motorola muốn có một màn hình thủy tinh có khả năng chống xước và cung cấp hình ảnh sắc nét hơn.

17-22-12_04144041940323
Bà Chu luôn quan niệm “điều quan trọng là không bao giờ được đắc ý khi thành công cũng như không được phép nản lòng khi thị trường khó khăn”
 

“Tôi nhận cuộc gọi và họ nói với tôi rằng "Chỉ cần trả lời có hoặc không, nếu có, chúng tôi sẽ giúp bà thiết lập quy trình”, Chu kể. “Tôi đã trả lời "có”.

Không lâu sau, đơn hàng bắt đầu dồn dập đổ về từ các nhà sản xuất điện thoại di động lớn như HTC, Nokia, Samsung. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường với mẫu iPhone sở hữu màn hình cảm ứng. Đây trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trên đường đua giành thị phần điện thoại di động. Apple chọn Lens làm nhà cung cấp, đưa công ty của Chu lên một tầm cao mới ở Trung Quốc.

Chu đầu tư mạnh tay vào thiết bị và thuê những kỹ sư lành nghề. Các đồng nghiệp cho hay, Chu hơn một lần cầm cố nhà để vay ngân hàng. Trong vòng 5 năm, bà đã cho xây dựng nhà máy sản xuất tại ba thành phố lớn của Trung Quốc. Số lượng công nhân viên ước tính lên tới 75.000 người.

“Tôi đã chứng kiến công ty Chu phát triển. Bà ấy nắm giữ một đội ngũ mạnh”, James Hollis, Giám đốc điều hành Corning, công ty đối tác của Lens Technology, nhận xét. “Có hơn 100 đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này nhưng Lens Technology là số một”.

Kính do Lens Technology sản xuất được cắt, đo đạc chuẩn xác, cán bóng rồi ngâm trong bồn ion kali để gia cố. Cuối cùng chúng được làm sạch và tráng một lớp phim chống ẩm, chống phản chiếu. Chu tự mình thiết kế và dàn dựng gần như tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất.

Câu chuyện thành công của Chu đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khởi nghiệp ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

U23 Việt Nam thắng 3-1 U23 Kuwait: Càng đá càng hay

U23 Việt Nam đã có chiến thắng quan trọng mở màn chiến dịch VCK U23 Châu Á trước U23 Kuwait vởi tỷ số 3-1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.