| Hotline: 0983.970.780

Chủ rừng - lâm tặc, chẳng khác nào cuộc chiến

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:40 (GMT+7)

Trong khi lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) né tránh thì lãnh đạo KBT BC-PB lại rất mong muốn được trao đổi với báo chí để nói lên những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng của mình.

“Tôi chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng bình quân một tháng bắt hơn chục vụ phá rừng, hàng chục khối gỗ chứ không ít. Ngăn chặn phá rừng ở đây gần như là không thể. Nguyên nhân cơ bản nhất là luật chưa đủ mạnh, thiếu sự phối hợp ăn ý, khi xảy ra vụ việc thì xử lý không dứt khoát…”.

Đó là ý kiến ông Nguyễn Đăng Quan (ảnh), Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBT BC-PB) khi trao đổi với NNVN.

Trong khi lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) né tránh thì lãnh đạo KBT BC-PB lại rất mong muốn được trao đổi với báo chí để nói lên những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng của mình. Chiều ngày 10/10, chúng tôi đến Ban Quản lý KBT BC-PB giữa lúc lực lượng bảo vệ và kiểm lâm đưa về một khúc gỗ săng đá dài 3 mét, đường kính khoảng 60cm, tang vật tịch thu của lâm tặc.

Đống gỗ trước sân gồm đủ loại: gõ, sao, săng đá, sến, dầu..., mỗi ngày lại được chất cao hơn. “Tụi tôi hầu như chỉ làm được một việc là tịch thu tang vật chứ chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng phá rừng”, một cán bộ trong BQL KBT nói.

Cụ thể nguyên nhân chính khiến tình trạng phá rừng cứ tái diễn nhức nhối như hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Quan: Nguyên nhân chính là công tác xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Dù biết họ cưa cây, phá rừng nhưng khó có thể bắt. Chỉ cần quăng cưa, rìu đi, tang vật còn lại là cái xe, họ nói đi rẫy, thậm chí đi chơi… là xong, mình mang xe về rồi cũng phải thả ra.

Điển hình như năm ngoái, xảy ra một vụ rất lớn. Chúng tôi phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Xuyên Mộc, công an và xã đội xã Bình Châu phục kích trên đường ven biển, phát hiện nhóm lâm tặc đi trên 3 xe gắn máy hai bánh kéo theo một xe lôi chở khúc gỗ săng đá từ Hồ Linh, Hồ Cốc phóng trên đường ven biển về hướng Hàm Tân (Bình Thuận) nên truy bắt nhưng bị tụi họ một mặt vẫn không dừng xe, một mặt chống trả quyết liệt.

Đến ngã 3 QL55, chúng tôi bắn chỉ thiên yêu cầu dừng xe lại để kiểm tra thì họ rồ ga chạy nhanh hơn. Không chỉ thế, họ còn ép xe của tụi tôi, tay lăm lăm những khúc gỗ, cà mã tấu xuống mặt đường làm lửa văng tung tóe, sẵn sàng đánh trả nếu chúng tôi áp sát.


Gần như ngày nào lực lượng bảo vệ rừng của KBT cũng bắt được tang vật mang về như thế này. Nhưng, chỉ có tang vật chứ không có người vi phạm

Mặc dù đã bắn mấy phát chỉ thiên nhưng họ vẫn ngoan cố, chúng tôi bắn vào lốp xe, không may viên đạn trúng khúc gỗ cứng nên đạn đã dội ngược, trúng người làm 3 người (đều trú tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị thương. Lúc này tụi họ mới bỏ chạy vào nhà dân, để lại hiện trường 1 xe máy và khúc gỗ săng đá.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an các cấp đã vào cuộc điều tra. Và kết luận cuối cùng là không đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự, chỉ phạt hành chính. Thậm chí, một điều tra viên thụ lý vụ án còn nói với chúng tôi là giải quyết êm xuôi lo tiền thuốc thang cho 3 tên phá rừng đi, đừng để kiện tụng phiền phức! Như thế, làm sao răn đe được?

Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi bị nhiều cuộc điện thoại gọi tới với nội dung đe dọa. Nhiều khi đang chạy xe ngoài đường, tự nhiên có cục đá to tướng ném trúng. May có mũ bảo hiểm.

Lực lượng bảo vệ của KBT có mỏng quá không, thưa ông?

Nhân sự của KBT có 68 người, trong đó có 42 bảo vệ, chia làm 8 chốt. Năm nay được tăng cường thêm tổ kiểm lâm 11 người nữa. Theo qui định, lực lượng như vậy thì không mỏng. Nhưng trên thực tế thì… mỏng.

Bởi vì như anh thấy đấy, địa hình KBT bằng phẳng, lại “nằm giữa lòng dân”, xung quanh toàn khu dân cư, chỗ nào cũng có thể xâm nhập vào rừng được. Cái khó nữa là phần lớn diện tích KBT ngày xưa là rừng sản xuất, vẫn còn ruộng rẫy của dân, họ vẫn ra vô hàng ngày. Lâm tặc lợi dụng điều này, vào rừng như đi rẫy, rất khó kiểm soát.

Chưa tính sự nguy hiểm, anh em bảo vệ ở đây đã cực lắm rồi. Làm cả ngày lẫn đêm chứ không phải 1 năm không quá 200 giờ như luật đâu. Vậy nhưng, thu nhập chỉ chưa đến 4 triệu đồng/tháng.

Tôi công tác ở đây 30 năm rồi, chứng kiến nhiều chuyện khôi hài lắm. Như việc bắt quả tang lâm tặc chở gỗ, chúng tôi bắt rồi xảy ra xô xát, ra cơ quan công an, tên chở gỗ khai đi rẫy, thấy người ta bỏ gỗ bên đường thấy tiếc nên mang về chứ không phá rừng. 2 tên còn lại nói đi chơi và không quen biết người chở gỗ, họ làm chứng lời khai của tên chở gỗ.

Cơ quan công an chấp nhận. Ngược lại, không tin chúng tôi vì không có ai làm chứng cả. Họ bảo: “Bên kia có người ngoài làm chứng, còn các anh cùng là bảo vệ, đương nhiên phải bảo bênh vực nhau rồi”!

Còn vũ khí, chúng tôi chỉ được trang bị gậy, súng bắn đạn cao su và bình xịt hơi cay. 3 thứ này lâm tặc biết rất rõ và chẳng hề sợ, tụi nó có cưa máy, rựa dài trong tay nên sẵn sàng xô xát.


Ông Nguyễn Đăng Quan và đống gỗ tang vật trước sân BQL KBT BC-PB

Có lần anh em bắt quả tang lâm tặc đang cưa trộm gỗ, trong tay có cầm cây rựa, khi xảy ra xô xát nhẹ, dù chưa làm gì nhưng khi ra cơ quan công an, họ hạch chúng tôi là: ai cho phép các anh dùng rựa làm vũ khí?

Theo ông, cần những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng phá rừng như hiện nay?

Thứ nhất, đối tượng vi phạm có một số từ huyện Hàm Tân, Bình Thuận sang, đa số còn lại là dân địa phương. Nhưng lâm tặc từ Bình Thuận muốn sang đây hoạt động thì phải có người địa phương. Cho nên, phải làm công tác tuyên truyền sâu rộng cho “người nhà” trước đã. Đó là nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp và cả chúng tôi.

Thứ 2 là có hướng giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân. Xưa giờ bà con đa số mưu sinh dựa vào rừng, chính quyền xã phải sàng lọc những đối tượng “cộm cán”, phá rừng chuyên nghiệp để răn đe, thuyết phục và hỗ trợ họ tìm một công việc khác ổn định.

Điều quan trọng thứ 3 là vấn đề xử lý. Như trên tôi đã nói, không kể mức phạt không đủ sức răn đe, nhiều năm nay, các cấp chính quyền từ huyện, xã đến Hạt Kiểm lâm, đã ra cả trăm quyết định xử phạt về tội phá rừng, nhưng họ không đóng, cơ quan chức năng cũng chẳng làm gì, chẳng tiến hành cưỡng chế. Cho nên, cần xử lý mức phạt nặng nhất có thể. Và khi đã có quyết định xử phạt, phải làm dứt khoát. Không đóng phạt thì phải tiến hành cưỡng chế.

Về tình trạng phá rừng lấy gỗ làm than, ngày xưa thì nhiều, nhưng giờ cũng bớt rồi. Chúng tôi đã kết hợp với kiểm lâm đi kiểm tra và hủy khá nhiều lò. Nhưng bây giờ, họ không làm than trong rừng nữa mà đưa hẳn về nhà, rất khó xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất