| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch hội cũng bị lừa khi mua lan đột biến nuôi cấy mô qua mạng

Thứ Tư 28/04/2021 , 08:36 (GMT+7)

Tin vào những lời quảng cáo trên facebook về lan đột biến nuôi cấy mô giá rẻ nhưng sau 2 năm chăm sóc, kết quả thu về chỉ là con số không.

Ông Đinh Đức Kháng - Chủ tịch Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đinh Đức Kháng - Chủ tịch Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hoa nở ra không một bông nào 5 cánh trắng

Ông Đinh Đức Kháng - Chủ tịch Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh tỉnh Hòa Bình kể: "Cách đây 3 năm, tôi thấy anh em chơi lan đột biến rầm rộ quá mà Chủ tịch một tỉnh hội như tôi không chơi nghĩ sẽ ảnh hưởng đến phong trào nên cũng chuyển hướng.

Tôi vận động nhiều người quen và trực tiếp gọi điện đặt mua hàng lan đột biến nuôi cấy mô, nghe quảng cáo trên mạng facebook là của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Họ bán dưới dạng chai, mỗi chai giá 300.000đ đem về cấy ra được 20 cây với đủ các loại mặt hoa nhưng chúng tôi chỉ mua 3 loại chính là 5 cánh trắng HO, Mắt Nai và Phú Thọ. 

Các anh em, nhất là trong tỉnh hội, mỗi người đều gửi nhờ tôi mua hộ 5-10 chai (tương đương 100-200 cây). Chúng tôi bảo với nhau rằng sau này trưng bày, triển lãm hoa đột biến, người ta có 1 bông thì mình có hẳn ngàn bông để gây dựng phong trào chơi lan 5 cánh trắng. Nhưng không ngờ, sau 2 năm chăm sóc, giờ đây cây ra hoa sai hết, màu tím, đỏ lung tung không được 1 bông nào là năm cánh trắng cả.

Đã thế màu tím, màu đỏ còn xấu hơn các loại tím, đỏ thông thường, trông hoa rũ rượi, xơ xác không ra hình thù gì. Giàn của tôi rộng 300m2 treo kín khoảng 500 giò lan mua qua mạng. Sau 2 năm kết quả là bằng không, bán chẳng ai mua, chỉ để đem đi cho, tặng. Anh em khác nuôi phần thì chết, phần nở hoa cũng trong tình trạng tương tự nên chán bỏ hết. Tiền thì không mất nhiều nhưng quá lãng phí thời gian”.

Nhân lan đột biến bằng ki thông thường. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nhân lan đột biến bằng ki thông thường. Ảnh: Dương Đình Tường

Nhà khoa học lý giải

Đem chuyện của ông Kháng kể cho GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Phụ trách Viện Nghiên cứu Sinh học Nông nghiệp trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ông bình luận rằng: "Chuyện ông Chủ tịch Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh tỉnh Hòa Bình phải vứt bỏ lan đi, rõ ràng rằng nguồn người bán đã đưa vào nuôi cấy mô không phải là lan đột biến. Họ đâu có mua được các mẫu lan đột biến đắt tiền để nuôi cấy mô mà cứ nhân đại các giống phi điệp bình thường bằng cách lấy quả rồi gieo hạt nên đã phân ly rất nhiều dòng khác nhau.

Kiểu buôn bán như thế phải phạt tới nơi tới chốn vì là tội lừa đảo. Chúng vừa hại cho uy tín của nhà trường, vừa hại uy tín của khoa học đồng thời còn làm cho nông dân thiệt hại. Tôi dám khẳng định chưa có lan đột biến nuôi cấy mô trên thị trường.

Tôi đã làm nuôi cấy mô rất sớm loại lan phi điệp nhưng không có mẫu lan phi điệp đột biến nào để làm. Nếu bây giờ ai có lan đột biến ra hoa rồi mang tới đây đặt nhân thì tôi mới có mẫu để thực hiện. Thái Lan trở thành cường quốc hoa lan chính là nhờ nuôi cấy mô và giống quan trọng nhất của họ là phi điệp hoàng thảo.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhân giống nuôi cấy mô cũng như nhân giống bằng ki (mắt) đều là vô tính. Nuôi cấy mô nếu lạm dụng chất sinh trưởng có thể cây lại bị biến dị còn nếu chỉ cần cho nẩy mầm lên rồi thúc đẩy cho đẻ ra nhiều thì nhờ tính toàn năng của tế bào, nó sẽ ra như cây gốc.

Người nào muốn đầu tư tầm chiến lược phải tập trung vào công nghệ. Có mẫu giống đúng là đột biến, có tên, có bản quyền, có bảo hộ thì phối hợp với các nhà khoa học nhân thật nhanh lên để ra được sản phẩm độc quyền với số lượng lớn thì mới thành sản phẩm mang tính quốc gia có giá trị được.   

Lan đột biến quý hiếm là có thật, đến lúc nào không hiếm nữa thì giá sẽ giảm xuống. Trách nhiệm của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý là phải làm sao cho giá thành của nó được giảm xuống và mang lại nguồn lợi tối đa cho đất nước, cho người dân.

Cần phải minh bạch thông tin và khẳng định bằng những luận chứng khoa học rằng cây lan này đột biến thì đột biến ở đâu, như thế nào. Còn chuyện bảo là các viện không thể chứng minh được loại lan nào là đột biến thì tôi nghĩ rằng cứ lấy cây lan bình thường cùng giống để đối chứng và cây lan đột biến cùng phân tích một đoạn gen quy định phát sinh hình thái của hoa xem nó khác nhau không”.

“Chưa làm cứ nói không làm được nhưng bao nhiêu con người đi học hành ngần đấy năm của đất nước này đào tạo, bao nhiêu phòng thí nghiệm hàng trăm tỉ thì là sự đầu hàng vô nghĩa”, GS Thạch bày tỏ quan điểm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.