| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch nước phát động “Tết trồng cây” tại Thanh Hóa

Thứ Sáu 07/02/2014 , 11:25 (GMT+7)

Năm 2013, cả nước đã trồng được trên 227 nghìn ha rừng; khoán quản lý bảo vệ 4,26 triệu ha...

Sáng nay, tại đài tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng – TP Thanh Hóa, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” xuân Giáp Ngọ 2014. Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Tấn Sang, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Cao Đức Phát, UV Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Thanh Hóa và hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh, nhân dân trong vùng.

>>Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Thanh Hóa



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống phát động và trồng cây lưu niệm tại đài tưởng niệm mẹ VNAH. 



Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (bên trái) tham gia trồng cây đầu năm 


Thanh niên, học sinh tích cực hưởng ứng ngày hội Tết trồng cây.

Báo cáo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Năm 2013, cả nước đã trồng được trên 227 nghìn ha rừng; khoán quản lý bảo vệ 4,26 triệu ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 372 nghìn ha và trồng cây phân tán được 75,2 triệu cây.

Tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đều tăng so với năm 2012. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41%; tốc độ tăng giá trị SX ngành lâm nghiệp cao nhất từ trước tới nay (đạt 6,02%) và giá trị xuất khẩu lâm sản cũng đạt kỷ lục 5,7 tỷ USD. Số vụ phá rừng trái phép giảm 39% so với năm 2012; diện tích rừng bị phá trái pháp luật giảm 40%... Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào cuộc sống, tạo nguồn thu trên 1.068 tỷ đồng cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ trên 4,1 triệu ha rừng.

Tuy nhiên, để rừng ngày càng phát huy hiệu quả chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt “Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thấy rõ tác dụng của rừng và công tác trồng cây, bảo vệ rừng phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; các địa phương, đơn vị phải chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, nhân lực, kỹ thuật, kinh phí và tổ chức thực hiện để việc trồng rừng phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tỷ lệ sống cao; đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của rừng trồng; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn bác Hồ”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Việc trồng cây, bảo vệ rừng đã trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, mỗi người dân từ người già đến trẻ nhỏ hãy cùng nhau lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu từng vùng; chuẩn bị giống cây chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ, thời tiết mùa xuân để trồng cây có tỷ lệ sống cao, quan tâm chăm sóc để trồng cây nào sống cây ấy; đồng thời, tích cực tham gia trồng rừng, BVR, thực hiện tốt lời dạy của bác “Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân””.

Được biết, đợt phát động trồng cây đầu xuân Giáp Ngọ, 27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh phấn đấu trồng 1,5 triệu cây. Tập trung nhiều ở các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Thạch Thành, Như Thanh, Ngọc Lặc...với các loài cây chủ yếu như: Lim, Sao Đen, Dổi, Lá, Sấu, Sến Mật, Keo.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.