| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mạnh tay dẹp bỏ 'đế chế tỷ đô'

Thứ Sáu 21/07/2017 , 08:33 (GMT+7)

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố lực lượng vũ trang có ba năm để chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, điều được giới quan sát coi là bước đi xóa bỏ hoàn toàn một đế chế từng mang lại hàng tỷ USD mỗi năm.

Quân đội Trung Quốc mặc đồ ngụy trang do công ty tư nhân cung cấp. Ảnh: Finacial Times

Ngày 28/3/2016, nhật báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đăng quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc yêu cầu “toàn bộ các đơn vị thuộc quân đội và cảnh sát vũ trang phải dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong ba năm tới”.
 

Đế chế tỷ đô

Theo Economist, vào năm 1999, “đế chế kinh doanh” của PLA với 20.000 doanh nghiệp, trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD) với lợi nhuận mỗi năm khoảng 600 triệu USD.

Do đặc thù kinh tế, quân đội Trung Quốc sau năm 1998 được giữ lại các đơn vị kinh doanh 15 ngành dịch vụ công. Hồi tháng một, Tân Hoa xã dẫn lời giáo sư Khương Lỗ Minh, Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cho biết việc ngừng các dịch vụ công do PLA cung cấp, được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một, hạn chót tháng 6/2017, với phương châm “dễ trước, khó sau”, 10 ngành dịch vụ của PLA bao gồm chăm sóc trẻ mầm non, xuất bản, văn hóa thể thao, thông tin liên lạc, bồi dưỡng nhân tài, kỹ thuật xây dựng công trình, vận tải, sửa chữa trang bị cho dân quân tự vệ, kỹ thuật duy tu, đào tạo tài xế, sẽ phải ngừng hoạt động.

Giai đoạn hai, 5 ngành dịch vụ gồm cho thuê bất động sản, sản xuất sản phẩm nông nghiệp, khách sạn, bệnh viện, nghiên cứu khoa học. Nhóm ngành này được ra hạn chót đến tháng 6/2018.

Được đề cập nhiều nhất là bệnh viện quân đội, giáo sư Khương cho biết, do đặc thù kinh tế còn chưa đáp ứng đủ an sinh xã hội trong những năm trước, bệnh viện của PLA lâu nay vẫn góp phần khám chữa bệnh cho người dân. Song đến năm 2018, ông Khương nhận định bệnh viện của PLA sẽ chỉ phục vụ quân nhân, do ngành y tế Trung Quốc đến thời điểm đó về cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, việc xảy ra tình trạng quá tải là điều ít gặp.

CMC cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chấm dứt hợp đồng hiện tại của PLA. Các nhà quan sát cho rằng các chức năng của doanh nghiệp quân đội Trung Quốc sẽ được chuyển cho những tổ chức dân sự trong tương lai. Đa phần giới phân tích quân sự cho rằng động thái của ông Tập đối với PLA nhằm nâng cao sức chiến đấu và sự chuyên nghiệp của lực lượng này. Vào năm 2015, ông Tập từng tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 người trong quân số của PLA trong vài năm.

Chủ tịch Trung Quốc, cũng là người đứng đầu Quân ủy Trung ương (CMC), tuyên bố quân đội nên tập trung vào nâng cấp vũ khí và dành tâm sức cho lĩnh vực công nghệ cao như chiến tranh mạng hay công nghệ vũ trụ.

Các báo chính thống Trung Quốc tỏ ra đồng thuận với quyết sách của ông Tập. Tờ Global Times dẫn lời giáo sư Công Phương Bân, Đại học Quốc phòng, cho biết: “Lợi ích sẽ làm suy giảm sức mạnh và khả năng chiến đấu của quân đội. Các dịch vụ chi trả tiền đôi khi sẽ dẫn đến tham nhũng. Quân đội chỉ nên tập trung vào việc phòng thủ của quốc gia”.

Tờ South China Morning Post nhận định quyết sách của CMC có thể khiến nhiều sĩ quan PLA bị “tổn hại lợi ích”, do lâu nay họ vẫn coi kinh doanh dịch vụ là “thu nhập ngoài”.
 

Mở đường cho công ty tư nhân

Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố ngân sách quốc phòng chỉ tăng 7,6%, thấp nhất trong vòng 6 năm trước đó. Tờ Financial Times cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến Trung Quốc giảm bớt chi tiêu quân sự là do kinh tế nước giảm tỷ lệ tăng trưởng sau nhiều năm giữ ở mức cao. Báo này cho biết từ năm 2015, các công ty tư nhân đã đặt những bước chân đầu tiên trong việc cung cấp dịch vụ cho quân đội.

Thương gia Đậu Phong Xuân, chủ công ty dệt may Đài Châu Hoa Nhuận, tỉnh Giang Tô, là một trong những người tiên phong tiến vào lĩnh vực kinh doanh từng chỉ dành riêng cho PLA. "Chúng tôi đưa báo giá thấp nhất, thời gian hoàn thành ngắn nhất, vì thế chúng tôi thắng thầu", ông Đậu nói. Công ty của ông Đậu đã giành được gói thầu trị giá 17.500 USD cung cấp "thiết bị bảo hộ chuyên nghiệp" cho quân khu Bắc Kinh, theo thông báo của Tổng cục Quân bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông Đậu cho rằng bản hợp đồng đã mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn để hợp tác làm ăn với quân đội.

Tuy doanh nhân này từ chối tiết lộ các thông tin chi tiết của bản hợp đồng, song thông tin trên trang web chính thức của Đài Châu Hoa Nhuận, cho thấy họ cung cấp mũ, áo, lều, bạt ngụy trang cho quân đội. Các doanh nhân Trung Quốc tỏ ra kiệm lời với báo chí Trung Quốc và nước ngoài vì lo ngại rằng tiết lộ thông tin sẽ ảnh hưởng đến cơ hội làm ăn với PLA, vốn có truyền thống bảo mật tối đa.

Theo Finacial Times, Tổng cục Quân bị của PLA lần đầu tiên tổ chức phiên đấu thầu công khai vào tháng 12/2014, thông tin đấu thầu cũng được niêm yết công khai trên trang web của cơ quan này.

Báo cáo được PLA công bố tháng 4/2016 cho thấy chỉ trong ba tháng đầu tiên thực hiện đấu thầu công khai, các công ty tư nhân đã giúp quân đội tiết kiệm được 12 triệu tệ trong tổng số 90 triệu tệ giá trị hợp đồng.

Đại tá về hưu Nhạc Cương, nhà bình luận quân sự nổi tiếng ở Trung Quốc cho rằng đây là nỗ lực "tăng hiệu quả hoạt động, giảm tệ nạn tham nhũng hơn là tiết kiệm máy móc từng xu" của PLA. "Cách làm này sẽ giúp tăng tính minh bạch, góp phần đảm bảo hiệu suất và khả năng chiến đấu của quân đội. Đây là dấu hiệu của tiến bộ", ông Nhạc nói.

Dù sự góp sức của các công ty tư nhân, hay các công ty nhà nước mới chỉ ở mức “muối bỏ bể” so với sức mua của PLA, song giới quan sát nhận định đây là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang muốn học tập mô hình của quân đội Mỹ, đối thủ mà Bắc Kinh cho là sừng sỏ nhất, song cũng hiện đại nhất.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.