| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Vinachem - từ quản lý thua lỗ 4.200 tỷ tới 'cả nhà làm sếp'

Thứ Hai 25/09/2017 , 07:28 (GMT+7)

Không chỉ mắc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý khiến Vinachem mất 4.200 tỷ, ông Dũng còn bổ nhiệm người thân, quen giữ nhiều chức vụ quan trọng.

5 năm trên cương vị Chủ tịch Vinachem, ngược lại với kỳ vọng giúp tập đoàn phát triển, dưới sự điều hành của ông Dũng, Vinachem ngày càng sa sút và đang đứng trước nguy cơ mất trắng 4.200 tỷ đồng "chôn" vào các dự án thua lỗ của tập đoàn này.  

Vinachem trước nguy cơ mất trắng 4.200 tỷ đồng

Ban Bí thư đã đề nghị cách mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Anh Dũng do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, được nhắc tới đầy đủ, chi tiết trong kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Theo kết luận này, ông Dũng với tư cách người đứng đầu tập đoàn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, cũng như quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Vinachem tại một số dự án như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP số 2 Lào Cai...

"Những vi phạm này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, để Vinachem và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao, khoảng 4.200 tỷ đồng", kết luận nêu.

Một trong những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc điều hành Vinachem của ông Dũng là dù đã được cảnh báo dự án hiệu quả thấp, nhưng ông vẫn cùng Hội đồng thành viên trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai Nhà máy Đạm Ninh Bình. Đây cũng là dự án được ví như "trái đắng đầu tư của Vinachem" khi tổng vốn bỏ ra hơn 12.000 tỷ đồng, nhưng sau 4 năm hoạt động hiện số lỗ của nhà máy này tới cuối năm 2016 khoảng 3.100 tỷ.

Nghiêm trọng hơn, ông Dũng cùng Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Vinachem đã thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng... Đây cũng là điểm mấu chốt khiến dự án sau khi đi vào hoạt động không thể có hiệu quả và bị thua lỗ kéo dài đến nay không có phương án khắc phục.

Chủ tịch Vinachem - ông Nguyễn Anh Dũng vừa bị Ban bí thư cách mọi chức vụ trong Đảng.

Chia sẻ với VnExpress trước đây, lãnh đạo Đạm Ninh Bình thừa nhận doanh nghiệp này đang hết sức khó khăn dù đã bắt đầu chạy máy trở lại từ đầu năm sau thời gian đắp chiếu. Theo tính toán chỉ khi giá đạm lên trên 8 triệu đồng một tấn và giá vẫn đà đi lên sau năm 2018 thì nhà máy mới giảm được lỗ.

Ngoài chật vật do giá, điều khiến nhà máy đạm này sa sút còn do "mắc cạn" trong triển khai hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc. Chưa kể việc Hội đồng thành viên tập đoàn còn đồng ý cho nghiệm thu khi một số thông số không đạt giá trị. Điển hình như việc Hội đồng thành viên Vinachem chấp thuận cho ban quản lý dự án tiếp nhận nguyên trạng nhà máy khi chưa được nghiệm thu.

Tháng 4/2017, Vinachem đề xuất loạt giải pháp xử lý khoản nợ này, trong đó tập đoàn kiến nghị sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay 162,5 triệu USD sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028. Cũng theo phương án trả nợ Vinachem đưa ra, từ năm 2017 đến 2022 ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinchem khoảng 125 triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi xem xét Bộ Tài chính đã "bác" yêu cầu của Vinachem, đồng thời đề nghị tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình; trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.

chu-tich-vinachem-tu-quan-ly-thua-lo-4200-ty-toi-ca-nha-lam-sep-1

Báo cáo mới nhất về xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương cũng cho biết, trừ DAP Hải Phòng đã có lãi khoảng 4 tỷ đồng, còn lại 3 đơn vị sản xuất phân đạm của Vinachem, trong đó có Đạm Ninh Bình vẫn ngập trong khó khăn do giá nguyên liệu than cho sản xuất cao, giá ure thấp và chính sách thuế chưa được sửa. Đơn cử, tổng nợ phải trả của Đạm Hà Bắc tới hết năm 2016 là 8.776 tỷ đồng; lỗ lũy kế 1.716 tỷ. Số lỗ luỹ kế tại DAP Lào Cai là 1.013 tỷ đồng, nợ phải trả 4.287 tỷ. Ngoài ra, đơn vị này còn khoảng 3.062 tỷ đồng (gốc và lãi) tiền nợ ngân hàng.

Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, Vinachem cho biết đã có lãi trở lại 48 tỷ đồng, song những khoản nợ mà tập đoàn này đang gánh rất lớn, trên 38.130 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn 19.837 tỷ đồng và dài hạn 18.229 tỷ. Phần lớn khoản nợ này là của các dự án thua lỗ nghìn tỷ mà Chính phủ, Bộ Công Thương đang chỉ đạo xử lý, như Đạm Hà Bắc nợ 558 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình là 1.777 tỷ; DAP Vinachem (Hải Phòng) vay gần 127 tỷ đồng và DAP số 2 Vinachem (Lào Cai) mắc nợ 484 tỷ đồng...

Bổ nhiệm "vợ, anh em ruột" làm sếp

Ngoài sai phạm trong quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng còn mắc sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ tại tập đoàn khi đưa người thân, người nhà vào các vị trí lãnh đạo.

Một trong những trường hợp điển hình việc bổ nhiệm người nhà làm sếp là trường hợp ông Nguyễn Văn Minh (em ruột ông Dũng) giữ chức Phó ban kế hoạch - kinh doanh của Vinachem từ năm 2013 và hiện giữ chức Phó tổng giám đốc Đạm Ninh Bình.

Ngoài em trai, em vợ của ông Dũng cũng được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính của Đạm Hà Bắc vào tháng 1/2015. Còn vợ ông Dũng - bà Lê Thị Thái Hường được bổ nhiệm chức Trưởng ban Tài chính kế toán của Vinachem. Tuy nhiên, sau khi ông Dũng bị kiện nhiều lần về việc bổ nhiệm vợ vào vị trí nhạy cảm, sai quy định, ban lãnh đạo Vinachem đã có quyết thu hồi việc bổ nhiệm bà Lê Thị Thái Hường.

Tất cả những trường hợp bổ nhiệm người nhà vào vị trí lãnh đạo tại tập đoàn và các công ty con của ông Dũng được cho là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, không được bổ nhiệm người có liên quan đến người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty đó.

Tháng 10/2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải ký quyết định về việc thụ lý giải quyết tố cáo và lập tổ xác minh tố cáo liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ không đảm bảo quy định của pháp luật tại Vinachem. Tuy nhiên, báo cáo này hiện vẫn chưa được Bộ công bố công khai.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay sẽ xử lý nghiêm trước những vi phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Anh Dũng. "Bộ sẽ họp Ban cán sự Đảng và sẽ đưa ra hình thức xử lý nghiêm khắc", vị này nói.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm