"Phẫu thuật" cho lợn rừng
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, chủ trang trại tổng hợp Vĩnh Châu tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa dẫn chúng tôi ra thăm chú lợn rừng nái mà ông yêu quý. Ông bảo, nó là lợn rừng Việt Nam gốc ông tình cờ mua được cách đây 4 năm. Lúc mua về, chân trái phía trước của chú lợn này bị thương, hoại tử và sức khỏe rất yếu.
Mua được lợn rừng quý, ông trình báo với ngành kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa nhưng do sức khỏe lợn rất yếu, ông xin giữ lại điều trị, chăm sóc.
Nghe tiếng gọi quen thuộc của ông chủ trang trại tổng hợp Vĩnh Châu, chú lợn rừng cái nặng chừng 70 kg trong ô chuồng khập khiễng bước ra. Nó tiến lại gần, phát tiếng kêu quen thuộc của loài lợn, há mõm nhận thức ăn là những múi mít từ tay ông Vĩnh rồi nằm lăn ra giữa đất chờ chủ nhân gãi.
“Thấy con lợn nở hậu, vú đều, cơ thể cân đối, tôi nghĩ nó sẽ là một con nái tốt. Nếu tôi không mua thì nó sẽ các vào nhà hàng tại tỉnh Thanh Hóa và bị giết thịt. Tôi nảy ra ý nghĩ về sẽ “phẫu thuật” cho nó để nó được làm mẹ. Nếu nó khỏe mạnh, cơ thể bình thường sẽ nộp lại cho ngành kiểm lâm thả về rừng” – ông chủ trang trại tổng hợp Vĩnh Châu tâm sự.
Theo ông Vĩnh, ông đã phải gây mê để thực hiện ca “phẫu thuật”. Sau ca “phẫu thuật” dài gần 1 giờ đồng hồ, cẳng chân của chú lợn này buộc phải cắt bỏ trong sự nuối tiếc của ông. Nó dần tỉnh dậy, ăn khỏe và được cho uống thuốc đều đặn nên chỉ sau 2 tháng vết thương lành hẳn.
Điều lạ lùng là, sau ca “phẫu thuật” ấy, chú lợn rừng Việt Nam này gần như chỉ tiếp xúc với mỗi mình ông Vĩnh. Đêm đến, cứ 9 giờ là ông Vĩnh lại tìm một tý thức ăn, ra gọi cho nó ăn. Như cảm nhận được tình cảm của chủ nhân dành cho mình, chú lợn rừng này tìm cách “trả ơn”.
Như bao chú lợn rừng khác, sau kỳ động dục, chửa 4 tháng, chú lợn rừng sinh ra được 6 con lợn rừng con kháu khỉnh. Nó đẻ và nuôi con rất khéo dù cơ thể không lành lặn. Và hầu như lứa nào cũng 6-7 con, con nào con nấy khỏe mạnh, lớn nhanh.
Cứ sau 1,5 tháng thì ông Vĩnh tách lợn con ra nuôi riêng để xuất bán thương phẩm. Đã 4 năm trôi qua, năm nào con lợn rừng này cũng đẻ sòn sòn mỗi năm 2 lứa, đa phần những con cái nó đẻ ra đều có thể giữ lại hoặc bán làm lợn giống.
“Như những chú lợn rừng gốc khác, thường thì chúng rất hung dữ và hay tránh xa con người nhưng con lợn rừng này lại khác. Nó thông minh lắm, chỉ nghe hiệu lệnh, tiếng gọi từ tôi thôi. Tôi nghĩ, làm cái gì cũng phải đam mê. Như tôi, đam mê con lợn rừng, vì thế, không chỉ con lợn cái này mà có một con lợn đực rừng giống mua cách đây mấy năm ở một trang trại bạn, dù trông rất hung dữ nhưng hễ nghe tiếng tôi gọi là nó ra trình diện liền” – ông Vĩnh vừa nói vừa vẫy vẫy, gọi con lợn rừng cái và đực ra khu vực bể nước để tắm.
Lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm nhờ trang trại tổng hợp
Nói về trang trại của mình, ông Vĩnh tâm sự, ông xây dựng trang trại từ năm 1995. Ban đầu nuôi và trồng nhiều loại cây con nhưng hiện nay chủ yếu nuôi lợn rừng và bò sinh sản, trồng các loại cây như nhãn, mít, ổi...
Tiếp nối niềm đam mê của ông, hiện nay người con trai của ông cũng đã tốt nghiệp ngành thú y trở về cùng bố lập nghiệp.
Nói về đam mê của mình, ông Vĩnh cho hay, lúc đầu ông tìm đến đối tượng nuôi là lợn rừng và bò sinh sản, đơn giản vì chúng có đầu ra rộng và giá cả ổn định. Nếu người nuôi thực hiện nuôi theo quy trình an toàn sinh học và đảm bảo cho lợn được ăn các thức ăn hữu cơ, thời kỳ trước xuất bán khoảng 4-5 tháng ngừng hẳn thức ăn công nghiệp, cho lợn vận động thì các nhà hàng, khách sạn rất ưa chuộng. Đối với bò sinh sản, về cơ bản, chi phí nuôi thấp nhưng giá cả tương đối ổn định.
Thời gian gần đây, ông cho bò cái phối tinh bò 3B ngoại nên giá bê cao gấp rưỡi, hiệu quả kinh tế vì thế cũng cao hơn hẳn.
"Với 8 nái rừng, 10 con bò cái, từ mô hình này, mỗi năm gia đình tôi thu lãi ròng trên 200 triệu đồng. Trang trại tổng hợp Vĩnh Châu tạo công ăn việc làm ổn định cho 2 lao động khuyết tật trên địa bàn xã. Lợn rừng và bê từ trang trại tổng hợp Vĩnh Châu được xuất đi nhiều nhà hàng, nhiều khách hàng quen thuộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" - ông Nguyễn Duy Vĩnh, chủ trang trại tổng hợp Vĩnh Châu chia sẻ.