| Hotline: 0983.970.780

Chu Vĩnh Khang - Vụ án thế kỷ: Những bước thăng trầm

Thứ Sáu 12/12/2014 , 08:17 (GMT+7)

Từng nắm trong tay quyền lực, địa vị cực cao, nay cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc rơi vào tình cảnh trớ trêu: đợi ngày ra tòa chịu án./ Từ hổ biến thành "dê tế thần"?

Thời "hoàng kim" của họ Chu là khi nắm trong tay lực lượng an ninh, cảnh sát, mật vụ, hệ thống tòa án, kiểm sát, có uy quyền bao trùm toàn Trung Quốc.

Năng khiếu chính trị

Các cáo buộc đối với Chu, năm nay 72 tuổi, gồm nhận hối lộ với những khoản tiền khổng lồ, lạm dụng quyền lực để mưu lợi cho gia đình và thân hữu, làm lộ bí mật nhà nước, theo tin từ Tân Hoa Xã. Chu cũng bị cáo buộc quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, dùng quyền lực và tiền đổi lấy sắc dục.

Ít nhất lúc này, trong trại giam, Chu Vĩnh Khang cũng có cơ hội điểm lại cuộc đời vùng vẫy của mình. Không giống như Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn sinh trưởng trong gia đình “thế gia” (ông là con trai Tập Trọng Huân, từng là Phó Thủ tướng Trung Quốc), Chu Vĩnh Khang là con một nông dân nghèo ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.

Bố Chu không biết chữ, nhưng ông sẵn sàng vay mượn tiền bạc để cho con đến trường, theo kênh CNN (Mỹ). Thông minh và chăm chỉ, Chu không làm gia đình thất vọng, trở thành một trong số ít sinh viên địa phương được tuyển vào một đại học danh giá ở Bắc Kinh.

Trường này nay có tên Đại học Dầu khí Trung Quốc, là cái nôi khởi nghiệp của những nhân vật tai to mặt lớn trong ngành dầu khí thuộc quản lý nhà nước.

Sau khi tốt nghiệp ngành khai thác dầu mỏ, Chu được sắp xếp về làm việc tại vùng khai thác thuộc đông bắc Trung Quốc và ngoi lên những vị trí quản lý cao trong ngành từ cuối những năm 60 tới giữa những năm 80 của thế kỷ XX.

Nhiều người kể rằng Chu Vĩnh Khang là một cán bộ, đảng viên trẻ đầy năng lực nhưng luôn khiêm tốn, tuy nhiên người ta nhớ nhiều đến năng khiếu chính trị hơn là những hiểu biết chuyên môn ở Chu.

Tài năng chính trị ở Chu Vĩnh Khang tỏa sáng khi ông được đưa về Bộ Dầu khí ở Bắc Kinh. Cơ quan này sau trở thành Cty dầu mỏ nhà nước khổng lồ và là một trong những “căn cứ” quyền lực của họ Chu.

Một lãnh đạo quyết đoán

Vượt qua những cuộc chiến phe phái trong Bộ Dầu khí, Chu tỏ ra là một lãnh đạo quyết đoán, người chủ trương mở rộng khai thác đồng thời cả những dự án trong và ngoài nước, hướng đi đa mũi nhọn vẫn được Trung Quốc áp dụng đến ngày nay.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của các dự án khai thác ngoài nước khiến việc giám sát của chính phủ khó khăn hơn, mở đường cho các hoạt động tham nhũng.

Năm 2001, sau một thời gian làm Bộ trưởng Tài nguyên đất không thành công lắm, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, một trong những tỉnh đông dân nhất.

Báo chí địa phương miêu tả Chu là lãnh đạo có tài hùng biện, tư duy sáng sủa, có công thu hút các Cty công nghệ cao như Intel tới Tứ Xuyên. Chu cũng góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp và du lịch tỉnh này.

Về việc sử dụng nhân sự, Chu được nói là đã xây dựng được những mối quan hệ tốt với dân địa phương, đồng thời vẫn bố trí được những nhân sự trung thành với mình, gồm cả các thư ký, phụ tá ông ta mang theo từ Bắc Kinh, vào các vị trí trọng yếu của Tứ Xuyên.

Thăng tiến đột phá của Chu diễn ra năm 2002 khi ông ta quay về Bắc Kinh lãnh đạo Bộ Công an, điều hành lực lượng cảnh sát và an ninh.

5 năm sau, Chu lên đỉnh cao quyền lực khi giành một ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, với trách nhiệm kiểm soát mọi hoạt động liên quan đến an ninh nội địa. Chu thực sự trở thành một “con cọp” đối với nhiều người.

Trong thời gian này, Chu có nhiều cơ hội chứng tỏ uy quyền và sức ảnh hưởng khi tại Trung Quốc xảy ra những bất ổn xã hội và sắc tộc, sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008, kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2009 và Hội chợ quốc tế Thượng Hải trong năm 2010.

Cũng trong thời gian này, Chu được cho là đã trở thành người đỡ đầu Bạc Hy Lai, một chính trị gia đang lên, người có nhiều chiến dịch chống tội phạm có tổ chức gây tranh cãi ở thành phố đông dân Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc.

Cú rớt đài kịch tính của Bạc năm 2012 cùng các câu chuyện án mạng, hối lộ và phản bội đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Báo chí nhà nước thì nói vụ Bạc Hy Lai là ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đảng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Những người ủng hộ Bạc lại cho rằng ông ta là nạn nhân chính trị, vì đã từng được coi là thách thức chính đối với cuộc đua lên vị trí cao nhất của ông Tập. Nay đến lượt Chu.

Hu Jia, một nhà bình luận người Trung Quốc nói với CNN: “Mọi quan chức đều tham nhũng”. (Cho nên) ông Tập không thể có lý do nào tốt hơn việc dùng cuộc chiến chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ chính trị, phương cách giúp ông được lòng đa số quần chúng”.

Chuyên gia phân tích chính trị Willy Lam từ Hong Kong nhận xét: “Những người bị điều tra thuộc phe thất thế. Những ai thân cận với Chủ tịch Tập ít có nguy cơ hơn”.

Điều Willy Lam nói có cơ sở bởi những ai gần gũi với Chu Vĩnh Khang đều gặp rắc rối, từ gia đình đến các thân hữu, trợ tá cũ, đặc biệt là những người trong ngành an ninh nội địa, dầu khí, quan chức Tứ Xuyên, những nơi Chu từng lãnh đạo.

Con trai lớn của Chu, năm nay 42 tuổi, được cho là có khối tài sản nhiều triệu đô la. Hồi chưa tới 30 tuổi, anh này đã thắng lớn khi giành được hợp đồng nâng cấp hệ thống mạng máy tính cho 8.000 trạm xăng khắp Trung Quốc. Cty của anh này cũng được nói là gặt hái bộn tiền từ việc mua bán mỏ dầu khí, các đập thủy điện. (Hết)

Vậy trong những ngày tới, Chu Vĩnh Khang sẽ ứng xử ra sao?

“Tôi nghĩ không giống như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang sẽ hợp tác với các nhà điều tra bởi vì nhiều thành viên gia đình có liên quan”, Willy Lam nói với CNN. Ông dự đoán hai án tử hình cho hoãn thi hành sẽ được dành cho Chu Vĩnh Khang và con trai Chu Bân. “Động lực duy nhất với Chu Vĩnh Khang lúc này là bảo vệ con trai”, Willy Lam nhận xét.

 

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.