| Hotline: 0983.970.780

Chữa bế kinh với cây lá móng tay

Thứ Hai 09/03/2015 , 15:19 (GMT+7)

Theo y học cổ truyền, lá của cây lá móng có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, sát trùng và thường dùng chữa một số bệnh ngoài da

Theo y học cổ truyền, lá của cây lá móng có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, sát trùng và thường dùng chữa một số bệnh ngoài da như: Hắc lào, ghẻ lở, mụn nhọt, còn dùng chữa tiêu chảy, bại liệt, trừ giun sán, điều kinh, viêm họng. Do lá móng tay có tính chất nhuộm màu nên được dùng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm như dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc. Hoa dùng chữa sốt, mất ngủ.

Cây lá móng tay hay còn gọi là móng tay nhuộm, lựu mọi, tán mạt hoa, chỉ giáp hoa... tên khoa học Lawsonia inermis, thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Là loại cây thân nhỏ, da nhẵn (mọc hoang có gai ở đầu cành, không nhọn sắc). Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng bầu dục nhưng đầu, cuống hơi dẹp. Đầu cành mọc hoa hình thùy, dáng chùm nhỏ màu trắng, già chuyển đỏ rồi vàng sậm (khi héo), mùi thơm hăng hắc. Ngày xưa, khi chưa có mỹ phẩm, phụ nữ đã  lấy hoa móng tay ủ với nước mưa cho ra màu đỏ hoặc hồng để sơn móng tay, chân, làm son môi.

Hiện nay cây được trồng nhiều nơi để làm cảnh, làm thuốc, làm mỹ phẩm.  Vào mùa mưa, các loại nấm phát triển, thường gây ra một số bệnh nấm như nấm móng tay, móng chân, lở ngứa ở kẽ chân móng rồi lây lan, có khi gây lở cả bàn tay, bàn chân. Có thể dùng bài thuốc sau đây để chữa. Lá móng tay rửa thật sạch, giã nát với ít muối rồi đắp vào chỗ đau vào buổi tối, lấy vải sạch buộc rịt lại. Ngày mở ra 1 - 2 lần cho thoáng.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây lá móng tay:

Chữa hắc lào, ghẻ lở: Lấy 200g lá móng tay tươi thêm 100g lá sả, 100g lá ổi (nấu chung với 3 lít nước - như nồi xông), tắm liên tục 2 tuần. Lá móng tay tươi rửa sạch, để khô ráo nước, cho 1/2 thìa muối tinh, giã nhuyễn, trộn với 3 thìa giấm nuôi, lấy nước uống, xác đắp nơi ngứa ngáy. Ngày 2 lần, liên tục trong 10 ngày.

Chữa bế kinh: Lá móng tay 50g, ích mẫu 40g, nghệ đen 30g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống trước chu kỳ kinh 15 ngày.


                                              Cây ích mẫu

Chữa sưng đau tỳ, vị, hạ sườn, hông: Lấy cây lá móng tay 20g, rửa sạch, cắt khúc 3cm, cỏ mực 15g, rau má tươi 20g. Cả 3 thứ sao khử thổ, sắc với 1 lít nước còn 300ml. Uống ngày 3 lần, liên tục 4 tuần.

Chữa đau nhức cột sống, té ngã chấn thương: Lấy toàn cây (rễ, thân, lá, hoa màu trắng) 150g (sao khử thổ vàng), cốt toái bổ 50g  (cạo sạch lông, xắt mỏng, phơi 3 nắng), cam thảo 10g, cẩu tích, ngũ gia bì mỗi thứ 15g. Sắc với 1.000ml nước còn 300ml, uống ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) liên tục 30 ngày.

Lưu ý: Người có chứng ứ huyết,  phụ nữ có thai, người già và trẻ em không dùng./.

 

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Nga/SKĐS

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.