| Hotline: 0983.970.780

Chưa có thỏa thuận nào về xuất, nhập khẩu gia súc, gia cầm với Trung Quốc

Thứ Năm 10/03/2016 , 09:47 (GMT+7)

Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước...

Gần đây có một số thông tin cho rằng, Việt Nam sẽ thúc đẩy nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc, vậy thực hư sự việc này thế nào?

Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.

Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bất hợp pháp qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra.

Trong giai đoạn trước năm 2012, nhiều cơ quan thông tấn báo chí đưa tin bài, phóng sự về tình hình phức tạp của việc nhập lậu gà loại thải và gà con 1 ngày tuổi có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ. Các hoạt động nhập lậu gia cầm chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, hoạt động có tổ chức với các thủ đoạn tinh vi, diễn ra trong thời gian dài, số lượng gà loại thải lớn...

Trước tình hình đó, ngày 27/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088) với mục tiêu đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép từ các tỉnh biên giới vào nội địa để tiêu thụ.

Theo Đề án 2088, ngoài việc áp dụng các giải pháp đồng bộ trong nước còn phải áp dụng giải pháp hợp tác quốc tế: Giao cơ quan ngoại giao và UBND các tỉnh biên giới có kế hoạch làm việc chính thức với các cơ quan chức năng của Trung Quốc và các tỉnh có chung đường biên giới về việc kiểm soát, không để gia cầm mang mầm bệnh nhập khẩu trái phép, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, thực hiện đúng các quy định của Việt Nam và quốc tế về nhập khẩu gia cầm.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ NN-PTNT xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với gia cầm nhập khẩu; ban hành các quy định, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm không để lợi dụng cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật.

Ngày 16/9/2015, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức FAO ký kết Dự án "Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật", cụ thể sẽ triển khai hoạt động: "Phối hợp về chuỗi giá trị và vận chuyển gia cầm qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc để phòng chống và quản lý cúm gia cầm độc lực cao H5N1 và các mối đe dọa mới nổi khác".

Trong hoạt động này, FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai:

- Họp mặt ban quản lý Việt Nam - Trung Quốc và hoàn thiện công tác lập kế hoạch đối với một hoặc hai mô hình vùng an toàn dịch bệnh để khuyến khích vận chuyển động vật an toàn qua biên giới;

- Hội thảo về quản lý và đánh giá rủi ro biên giới phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề về kiểm soát và kiểm dịch biên giới qua các vùng dịch tễ;

- Thực hiện các nghiên cứu chuỗi giá trị xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc về gia cầm, gia cầm 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam và vịt đẻ loại thải từ Việt Nam sang Trung Quốc.


Nguy cơ phát tán cúm A/H7N9 từ chợ gia cầm (Ảnh minh họa)

Ngày 26/1/2016, Hội nghị song phương giữa Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội để thảo luận các hợp tác về chuyên môn giữa hai nước, đồng thời thảo luận thực hiện các hoạt động trong Dự án nêu trên.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Tổ chức FAO sẽ hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức họp với các cơ quan liên quan của Trung Quốc về các nội dung nêu trên theo Dự án đã được Bộ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Cục Thú y sẽ phối hợp với Cục Thú y của Trung Quốc để xác định vùng an toàn dịch bệnh với sự tham gia, đánh giá của Tổ chức FAO.

Sau đó hai bên mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm một cách chặt chẽ (tổ chức đánh giá các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cấp mã số cho từng cơ sở, nội dung kiểm dịch đối với từng loại hàng hóa có chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền của Trung Quốc,... và khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo từng lô hàng tại các cửa khẩu nhập theo đúng quy định như đã áp dụng đối với các nước khác đã và đang nhập khẩu vào Việt Nam), nhằm loại trừ các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người. 

Nếu các nội dung nêu trên tiếp tục diễn ra, Cục Thú y sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu và kết quả đánh giá tại nước xuất khẩu để Bộ xem xét, quyết định có cho phép nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam hay không.

Tương tự phía Việt Nam muốn xuất khẩu vịt đẻ loại thải, gia súc sống và sản phẩm gia súc sang Trung Quốc cũng phải qua các thủ tục nêu trên.

Theo Cục Thú y, hiện nay tất cả các nội dung nêu trên mới chỉ dừng ở việc trao đổi sơ bộ về chủ trương tại cuộc họp song phương giữa hai nước và đang dự thảo báo cáo Bộ NN-PTNT về kết quả cuộc họp song phương để xin chỉ đạo về các hoạt động tiếp theo.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất