| Hotline: 0983.970.780

Chưa nhận đủ tiền đền bù, dân địa phương vẫn "khóa đường" vào bãi rác Nam Sơn

Thứ Tư 03/07/2019 , 15:07 (GMT+7)

Sáng 3/7, đại diện Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội và huyện Sóc Sơn về đối thoại với người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ về vấn đề đền bù, tái định cư để mở đường cho xe rác vào bãi xử lý.

Từ chiều 1/7, người dân 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ tập trung về khu vực bãi rác Nam Sơn để chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý rác thải này.

Sáng 3/7, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã về đối thoại với người dân để tìm giải pháp. Cuộc họp kéo dài đến 12h trưa nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, người dân địa phương không chấp nhận phá bỏ lều bạt chặn đường.

Sáng 3/7, người dân tập trung về Nhà văn hóa xã Nam Sơn để đối thoại nhưng lều bạt vẫn được duy trì. Ảnh: Tùng Đinh.

Nguyên nhân của sự việc là bức xúc của người dân xung quanh mức giá đền bù, chưa được di dời khỏi vùng bán kính cách bãi rác này 500m tính từ tường rào bãi rác; hạn mức diện tích đất nằm trong phạm vi đền bù; tiến độ đền bù đất và tài sản trên đất.

Theo thông tin từ người dân địa phương, sau đợt chặn xe hồi đầu năm 2019, quá trình đền bù khu vực bán kính 500m từ bãi rác được chính quyền cam kết thực hiện xong trong 2 quý đầu năm nhưng đến 1/7 vẫn chưa hoàn thành.

Người dân đến Nhà văn hóa xã đối thoại với đại diện huyện Sóc Sơn và Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Hà Nội sáng 3/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi người dân chặn xe, sáng 2/7, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn bắt đầu chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp. Giá đền bù đất nông nghiệp cộng với hỗ trợ chuyển đổi việc làm là 630.000 đồng/m2; giá lúa tẻ đền bù 7.000 đồng/m2, lúa nếp 10.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết, quá trình đền bù chưa đồng đều, nhiều thôn vẫn chưa nhận được thông báo nhận tiền. Anh Nguyễn Văn Mười, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn nói thôn của anh nằm ngay cạnh bãi rác Nam Sơn, nhưng vẫn chưa nhận được khoản đền bù nào, kể cả đất nông nghiệp.

Tháng 4 vừa qua, huyện Sóc Sơn đã thông báo phương án đền bù đất cho người dân trong khu vực bán kính 500m quanh bãi rác Nam Sơn. Đơn giá đền bù đất được tính cho các loại đất khác nhau, cụ thể, đất ở ven trục đường giao thông của các xã giá từ 1.764.000 - 3.400.000 đồng/m2 tùy vị trí. Đất ở khu dân cư nông thôn là 600.000 đồng/m2.

Mặc dù vậy, tính đến ngày 3/7, người dân trong khu vực 500m quanh bãi rác vẫn chưa được nhận tiền đền bù đất thổ cư.

Người dân đến nhận tiền đền bù đất nông nghiệp tại trụ sở xã Nam Sơn sáng 3/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng khỏi khu vực bán kính 500m, người dân có thể mua đất ở khu tái định cư hoặc tìm chỗ ở mới. Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, trong đó có đất nông nghiệp và đất nhà ở.

Thành phố bố trí 3 khu tái định cư. Cụ thể, đất tái định cư cho xã Nam Sơn được bố trí tại 3 khu: Các hộ dân thôn Đông Hạ dự kiến tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, song cách bãi rác khoảng 1.000 m; dân thôn Xuân Thịnh đến thôn Thanh Hà (cách bãi rác 7 km); dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn (cách bãi rác 4 km).

Khu tái định cư xã Bắc Sơn bố trí ở thôn Nam Lý cùng xã, cách bãi rác 3 km. Khu tái định cư xã Hồng Kỳ quy hoạch tại thôn 3 cùng xã, cách bãi rác khoảng 1.300m.

Xem thêm
Bộ Công Thương đề xuất phương án tinh gọn bộ máy, giảm gần 18% đầu mối

Với phương án đề xuất, số đầu mối trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sẽ giảm 5 đơn vị, từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.