| Hotline: 0983.970.780

Chưa rõ ràng tiêu chuẩn sữa tươi nguyên liệu

Thứ Năm 25/01/2018 , 08:01 (GMT+7)

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại buổi đối thoại về kiểm soát và đảm bảo chất lượng sữa tươi nguyên liệu do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức.

Kiểm soát chặt nguồn sữa tươi nguyên liệu

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sữa là một sản phẩm rất dễ bị hư hỏng do vi sinh vật gây ra. Vì vậy, kiểm tra chất lượng là một hoạt động không thể thiếu của ngành công nghiệp chế biến sữa. Để đạt được điều đó, các công ty thu mua, chế biến sữa phải chú trọng kiểm soát chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu (STNL) đầu vào theo tiêu chuẩn quốc tế.

dsc-0116091425361
Vẫn còn 65% số lượng bò sữa nuôi quy mô nông hộ (Ảnh: Văn Nguyễn)

Hiện STNL của các cơ sở chế biến có 2 nguồn cung cấp chính: từ các nông hộ chăn nuôi bò sữa và từ hệ thống các trang trại chăn nuôi tập trung. Các Cty thu mua, chế biến sữa có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tất cả các nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm đầu ra. Các quy trình dựa trên việc thực hiện kiểm nghiệm chất lượng tại từng giai đoạn khác nhau từ thu mua, vận chuyển, chế biến, đóng gói, bảo quản và phân phối đến người tiêu dùng.

Chất lượng của STNL được xác định qua các kiểm nghiệm phân tích chỉ tiêu hóa lý gồm hàm lượng chất khô, béo, đạm; chỉ tiêu ATTP là vi sinh và các chất nhiễm bẩn như kim loại nặng, độc tố vi nấm, dư lượng thuốc thú y và thuốc BVTV.

Tại các cơ sở chăn nuôi bò sữa, sữa tươi sau khi vắt được đưa đến các điểm thu gom nguyên liệu. Sau đó sẽ kiểm tra một số chỉ tiêu cơ bản về chất lượng sữa. Nếu sữa đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào bồn bảo quản lạnh ở 4 độ C và chuyển tới nhà máy chế biến bằng xe chuyên dụng.

Với nguồn STNL nông hộ ngay tại các trạm thu mua được kiểm tra các chỉ tiêu sơ bộ bằng các phương pháp kiểm tra chất lượng nhanh như: cảm quan, thử vi sinh (test resazurin), thử kháng sinh, thử cồn, tỷ trọng, tạp chất lạ… để quyết định trong việc phân loại sữa thu mua - chấp nhận hay loại bỏ.

Tại nhà máy chế sữa, ngoài mẫu STNL được chuyển về nhà máy để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng khác (hàm lượng chất khô, béo, đạm). Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với xe bồn chuyên dụng để luôn đảm bảo điều kiện khi vận chuyển sữa về nhà máy, nhiệt độ sữa nhỏ hơn 6 độ C. Khi xe về nhà máy, nhân viên lấy mẫu, tiến hành các test kiểm tra chất lượng (hàm lượng chất khô, béo, đạm). Sữa đủ điều kiện tiếp nhận mới được đưa vào hệ thống chế biến.

Là cơ quan quản lý chuyên ngành, hàng năm, Bộ NN-PTNT có chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sữa như: hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy trình VietGAP; đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi về thực hành vắt sữa đảm bảo vệ sinh, các biện pháp nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu…
 

Chồng chéo quản lý

Tham gia buổi đối thoại, các chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận, ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam dù có nhiều bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn 65% số lượng bò sữa chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc tuân thủ yêu cầu về quy trình chăn nuôi, điều kiện chuồng trại, vệ sinh ATTP chưa đảm bảo.

Ngoài ra, chất lượng giống bò sữa, dinh dưỡng, thức ăn, an toàn dịch bệnh cũng chưa được đầu tư đúng mức, kiểm soát chặt chẽ nên lượng STNL sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đáp ứng gần 40% lượng sữa dạng lỏng tiêu dùng nội địa, chất lượng sữa tươi nguyên liệu còn chưa ổn định.

Bên cạnh đó, tình trạng tiêu thụ sữa tươi cũng gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của người nông dân. Nguyên nhân do giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm mạnh, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, các công ty đều có hạn mức thu mua. Nhiều hộ còn chăn nuôi tự phát, không theo quy hoạch, không ký kết hợp đồng với công ty thu mua sữa để đảm bảo đầu ra ổn định, khi giá sữa tươi tăng, họ bán sữa ra ngoài làm ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu sản xuất.

Những hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ (2 - 3 con/hộ) chưa áp dụng đúng quy trình nên lượng sữa thu gom thấp, không đồng đều, chất lượng không cao, đó cũng là lý do giá sữa tươi thấp, không ổn định.

Về phía quản lý nhà nước, các địa phương còn thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển chăn nuôi và quy hoạch chế biến sữa; liên kết thu mua nguyên liệu. Việc tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo; thiếu vai trò điều tiết, kết nối. Tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chế biến sữa dạng lỏng còn thiếu, chưa rõ ràng đối với nguyên liệu đầu vào để chế biến sữa dạng lỏng, chưa phù hợp với thực tế sản xuất, dễ gây nhầm lần và thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Bộ KH-CN đã ban hành TCVN 7405:2009 về sữa tươi nguyên liệu. Tuy nhiên, TCVN 7405:2009 chưa đề cập đến số lượng tế bào soma trong sữa tươi nguyên liệu nên các DN có thể tự ý điều chỉnh theo ý chủ quan của mình như hạ thấp số lượng tế bào soma xuống để hạ giá thu mua sữa; DN có thể áp dụng hoặc không áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật quy định trong TCVN 7045:2009.

Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế sản xuất và Luật An toàn thực phẩm. Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT thì việc quản lý STNL được giao cho Bộ NN-PTNT. Bộ Công Thương quản lý sản phẩm sữa dạng lỏng còn các sản phẩm sữa dạng lỏng bổ sung vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế quản lý.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm