| Hotline: 0983.970.780

Chùm ngây Bảy Núi vẫn bấp bênh

Thứ Năm 02/04/2015 , 10:11 (GMT+7)

Thực tế trồng và tiêu thụ cây chùm ngây không đơn giản. Đó là thực tế xảy ra với người trồng chùm ngây ở An Giang. 

LTS: Sau khi NNVN đăng tải 2 bài "Hai người kỳ lạ dưới chân đỉnh Vua Bà" (số 58, 59) phản ánh một trang trại rau hữu cơ ở xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội trồng thành công cây chùm ngây, nhiều độc giả rất quan tâm và đề nghị tòa soạn cho biết thêm thông tin về loại cây này.

Thực tế trồng và tiêu thụ cây chùm ngây không đơn giản. Đó là thực tế xảy ra với người trồng chùm ngây ở An Giang. Cây chùm ngây thích nghi vùng Bảy Núi (An Giang), góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn dược liệu quý, song lại tắc đầu ra do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Từ 2010-2013, dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây chùm ngây vùng Bảy Núi” ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với diện tích 200 ha được triển khai, do Th.S Trần Văn Mì, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn chủ trì, kết hợp với Trung tâm Sâm và dược liệu (Viện Dược liệu) chuyển giao công nghệ (từ trồng đến chế biến sau thu hoạch), theo hai hướng sử dụng cho rau sạch và thuốc sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ngành kiểm lâm An Giang, cây chùm ngây có thể tận dụng cả thân, lá, rễ để chế biến dược liệu. Lá chùm ngây còn là thực phẩm rau xanh, vỏ làm gia vị, thân làm củi đốt, hạt để ép lấy dầu.

Ngoài ra còn có dược tính chữa bệnh đường ruột, kích thích tiêu hóa, trị tiêu chảy, kiết lỵ, viêm phổi, tan máu bầm, trị khớp, còi xương, phù nề. Giá trị cao nhất là dùng khử trùng nước, làm nước trong sạch dùng cho sinh hoạt vừa rẻ tiền, không độc hại…

Chùm ngây là loại cây thân gỗ, nó có thể cao tới 5 - 6 m, cây rất dễ trồng, dễ sống, không kén đất, ít tốn phân, “miễn dịch” với sâu bọ. Cây có thể trồng quanh hàng rào, những bãi đất trống, trồng dọc đường...

Vì thuộc họ cây cổ thụ nên tuổi thọ của chùm ngây dài. Người dân có thể trồng chùm ngây xen kẽ dưới tán rừng, khi cây cao 1,5 m thì cắt cành, chỗ cắt sẽ đâm ra nhiều tược, khi tược cao lại cắt ngang, cây sẽ đâm tược theo cấp số nhân.

Khi triển khai dự án "Bảo tồn, phát triển SX và hướng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây chùm ngây" có rất nhiều Cty chế biến dược phẩm trong nước đến vùng Bảy Núi xin đăng ký để bao tiêu sản phẩm.

Nhưng dự án kết thúc thì các Cty cũng lần lượt ngưng thu mua chùm ngây của nông dân. Chính vì vậy nhiều nông dân không còn mặn mà với cây trồng này nên diện tích giảm đáng kể.

Anh Võ Văn Vô, cán bộ Trạm KN huyện Tri Tôn cho biết: Ban đầu cây chùm ngây phát triển lên 20 ha, nhưng không có đầu ra ổn định nên người dân ít chăm sóc, thậm chí đốn bỏ trồng các loại cây khác nên chỉ còn 5 - 6 ha.

Trong khi đó chùm ngây chỉ thu hoạch được 6 tháng mùa mưa, những tháng còn lại rơi vào mùa nắng cây rụng hết lá.

13-31-00_nh-2-trong-cy-chum-ngy-o-vung-by-nui-gp-kho-hien-ny-l-du-r
Cây chùm ngây ở vùng Bảy Núi đang tắc đầu ra

Chị Nguyễn Thị Thúy Loan ở ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn cho biết, gia đình chị trồng 2 công chùm ngây khoảng 2.000 cây ở phía sau triền núi Dài theo dự án của huyện.

Hiện vườn chùm ngây đang cho thu hoạch lá và rễ nhưng chẳng có Cty nào đến thu mua. Vì thế chị tự bán cho các cơ sở bán thuốc nam trong tỉnh và TP.HCM.

Chùm ngây trồng 6 tháng có thể cho thu hoạch lá từ 300 - 500 gr/cây, thời gian hái cách nhau 2 tuần. Cây từ 2 - 3 năm tuổi bắt đầu cho trái.

Hiện tại giá lá chùm ngây non từ 30.000 - 40.000 đ/kg, lá chùm ngây sấy khô 130.000 đ/kg (7 kg lá tươi cho 1 kg lá khô), hạt giống 500.000 - 600.000 đ/kg, rễ 50.000 - 130.000 đ/kg và cây giống 15.000 đ/cây. Theo chị Loan, sắp tới nếu có DN đến bao tiêu cây chùm ngây chị sẵn sàng mở rộng diện tích trồng 30 - 40 ha.

Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn chia sẻ, vấn đề khó khăn nhất khi phát triển cây chùm ngây là tiêu thụ sản phẩm. Các Cty xin đầu tư cây dược liệu này vẫn chưa cho ra đời sản phẩm dược như các loại cây khác dưới dạng viên nhộng, thuốc gói dạng bột…

Phòng NN-PTNT đang tiếp tục xây dựng mô hình điểm tại các xã miền núi còn lại của huyện và tổ chức liên kết SX, tăng cường mời gọi các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư và thu mua sản phẩm.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.