| Hotline: 0983.970.780

Chùm ngây trên đất Thái Nguyên

Thứ Năm 11/06/2015 , 06:12 (GMT+7)

Chùm ngây rất dễ trồng, không kén đất, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. 

KS Vũ Trung Thành, Trung tâm Thực hành thực nghiệm (ĐH Nông lâm Thái Nguyên), đơn vị triển khai dự án cho hay, cuối năm 2014 đã tiến hành trồng thử nghiệm 2 ha chùm ngây phường Lương Châu (thị xã Sông Công); các xã Hóa Trung, Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ).

Các hộ tham gia dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng cây chùm ngây có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Thái Nguyên”  được hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá trị phân bón, được tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…

Chúng tôi cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thực hành thực nghiệm đến thăm mô hình trồng chùm ngây của gia đình anh Hà Duy Văn, tổ 6, phường Lương Châu. Giữa cái nắng hè như đổ lửa, lạc vào vườn chùm ngây 6 tháng tuổi xanh non mướt mắt không khí bắt đầu dịu xuống.

Nhờ trồng chùm ngây gia đình anh Văn đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể và điều quan trọng hơn cả là nguồn thức ăn “tự cung tự cấp” giàu dưỡng chất mà an toàn.

Anh Văn chia sẻ, được sự hỗ trợ của trung tâm gia đình anh trồng 1 ha chùm ngây. Đây là loại cây chịu hạn tốt và rất dễ trồng, không phải bón phân hay chăm sóc nhiều. Tỷ lệ cây sống rất cao, trên 90%.

Đôi ba ngày thì tưới nước và khoảng 2 tuần làm cỏ 1 lần. Loại cây này trồng 2 tháng là có thể thu hoạch lá. 1 cây có độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm cho thu hoạch 0,5 - 1 kg lá. Sau 1,5 - 2 tháng từ khi trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên được 50 kg rau.

Cây sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện bất kỳ một loại sâu bệnh nào. Sản lượng lá tươi trung bình 1 năm từ 800 - 1.000 kg/sào (360 m2), giá bán hiện tại tại các siêu thị là từ 80 - 100 nghìn đ/kg, trừ chi phí cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Như vậy, nếu tính trên diện tích 1 ha, chùm ngây sẽ cho sản lượng trung bình từ 22 - 27 tấn/năm, giá trị ước đạt từ 1,5 - 1,9 tỷ đồng.

Trên thế giới cây chùm ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây chùm ngây.
Một số nguồn nghiên cứu cho biết, chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan...

Hiện tại, thông qua Trung tâm Thực hành thực nghiệm, rau chùm ngây của anh Văn đã có trong thực đơn của nhà hàng Cây Xanh, nhà hàng Cá hồi Chợ Đồn và nhà hàng Dũng Minh ở TP Thái Nguyên. Nhu cầu rau chùm ngây tại thị trường Hà Nội là tương đối lớn.

"Mặt hàng này chủ yếu bán tại các siêu thị. Khoảng 3 tháng nữa, sản lượng thu hoạch của gia đình là khá lớn, tôi đang liên hệ với các siêu thị trên địa bàn TP Thái Nguyên và Hà Nội để đưa vào”, anh Văn nói.

TS Vũ Văn Thông, GĐ Trung tâm Thực hành thực nghiệm cho biết thêm, chùm ngây rất dễ trồng, không kén đất, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Cây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, chịu được hạn hán, ưa nắng và hầu như không bị sâu bệnh hại, do đó chăm sóc không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới.

Nếu trồng cây lấy lá thì nên trồng với mật độ 360 - 500 cây/sào (360 m2) và tốt nhất mỗi năm nên trồng lại 1 lần để đảm bảo năng suất. Nếu trồng lấy củ thì nên trồng với khoảng cách 3 m/cây, sau khoảng 18 tháng thì bắt đầu tỉa củ, trên 36 tháng thì thu hoạch và trồng lại.

Gỗ chùm ngây khá mềm, giòn nên thân cành dễ bị gãy trong mưa bão. Do đó nếu trồng cây để khai thác sử dụng, người trồng thường cắt ngọn khi đạt độ cao nhất định, vừa tiện thu hái; vừa kích thích cây đâm chồi, nảy cành và hạn chế thiệt hại do gãy đổ.

Hiện nay, ngoài triển khai mô hình trên địa bàn tỉnh, trung tâm còn SX và cung ứng giống chùm ngây cho các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh. Năm 2014, trung tâm cung ứng 1,5 vạn cây giống, từ đầu năm đến nay xuất trên 6.000 cây giống.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm