| Hotline: 0983.970.780

Chung cư cho người… chết

Thứ Ba 22/05/2018 , 08:01 (GMT+7)

Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) mới khánh thành một mô hình không chỉ đầu tiên của Hà Nội mà có lẽ còn của cả nước. 

Đó là nhà lưu trữ tro cốt nhiều tầng mà người dân quen gọi là chung cư cho người đã chết...
 

Nhiều tầng và rất ngăn nắp

Từ khi khu “chung cư cho người đã chết” được khai trương, ông Nguyễn Đức Huấn trở thành người cai quản đặc biệt ở đây. Vừa lách cách tra khóa vào ổ mở cửa cho tôi thăm bên trong, ông vừa luôn miệng giới thiệu.

18-18-01_dsc_1142
Một góc của “chung cư cho người đã chết”

Trên khuôn viên rộng 1.000m2 là hai dãy nhà lưu trữ tro cốt 4 tầng với tổng số 528 ô chứa. Như một cái tổ ong khổng lồ chứa các ngăn nhỏ ngăn nắp bên trong, tất cả các ô đều chung một kích cỡ rộng 45cm, cao 50cm, sâu 80 cm được đánh theo thứ tự A, B, C, D.

Những đối tượng vào đây được phân theo lứa tuổi. Tầng cao nhất, trang trọng nhất đặt cốt của những người trên 80 tuổi, tầng cao nhì đặt cốt của những người trên 70 tuổi, tầng cao thứ ba đặt cốt của những người trên 60 tuổi và tầng trệt đặt cốt của những người trên dưới 50 tuổi.

Ông Huấn xởi lởi: “Trước đây người dân quan niệm chôn người chết phải là dưới đất để thiên địa giao hòa nhưng nay các cụ ở đây chỉ có tiếp xúc với thiên mà không tiếp xúc với địa”.

Xây “chung cư cho người đã chết” trở thành một nhu cầu tất yếu của cuộc sống ở Liên Trung bởi những lý do khách quan có, mà chủ quan cũng có. Vốn là xã có diện tích đất tự nhiên nhỏ 458ha, trong đó nông nghiệp chỉ có 76ha, dân số hơn 8.300 người, bình quân 80m2 canh tác/người, thấp nhất huyện, nhất thành phố. Phần đất cho người đang sống đã khiêm tốn như thế, phần đất dành cho người chết còn khiêm tốn hơn rất nhiều.

Trung bình mỗi năm xã có 35 - 40 trường hợp tử vong, đều được chôn ở nghĩa trang chung với diện tích chỉ 1,7ha. Năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, nghĩa trang Liên Trung mỗi lúc một thêm chật chội, đến nỗi khoảng trống còn lại chỉ cho phép chôn được thêm vài năm nữa là hết.

18-18-01_dsc_1160
Ông Huấn giới thiệu về những “cư dân” đặc biệt của mình

Ông Huấn kể, vừa qua xã tiến hành giải phóng mặt bằng cho làng nghề nên phải tập kết các mồ mả nằm rải rác ở nhiều nơi về nghĩa trang. 500 - 600 ngôi mộ có chủ được các gia đình bố trí chỗ chôn còn khoảng 1.000 ngôi mộ vô chủ do không còn đủ khoảng trống để chôn từng ngôi một mà phải đào thành những cái hố lớn, xếp 5 - 7 bộ hài cốt rồi lấp đất lên rồi xếp lớp hài cốt khác xuống. Hết lớp này chồng lên lớp kia đến 5 - 6 tầng.
 

Dân ủng hộ, cán bộ thì chưa

Cái mới ban đầu gặp khó khăn ngay từ chính trong tư duy của cán bộ. Khi đưa ra bàn trong cuộc họp dân chính đảng, phải mất 5 cuộc thì mới thông. Thế nhưng đưa ra dân chỉ 1 cuộc họp là nhất trí. Vốn đầu tư cho xây nhà lưu trữ tro cốt được rót từ 3 nguồn gồm ngân sách xã, ngân sách huyện và xã hội hóa, tổng cộng hơn 3 tỉ, trong đó huyện hỗ trợ 50%.

Chính một cán bộ huyện Đan Phượng cũng thừa nhận với tôi rằng bản thân mình và phần lớn cán bộ khác khi có người thân mất đều không chọn hình thức hỏa táng bởi tâm lý còn sợ…nóng và sợ tương lai con cháu sẽ không còn phát nữa.

Công việc san ao, đắp nền, xây dựng được tiến hành khẩn trương để 8 tháng sau thì khu “chung cư cho người chết” được khánh thành vào tháng 12/2017. Về lợi ích cho cá nhân, đi hỏa táng trước đây nhưng về vẫn chôn, tốn diện tích như cũ (khoảng 2m2), mất hàng chục triệu đồng để mua đất lại mất thêm khoảng 5 - 7 triệu nữa để xây mộ.

Như thế vừa tốn thời gian chờ đợi, trong khi đó đưa vào nhà lưu trữ không phải mất một đồng chi phí nào. Về lợi ích cho xã hội vừa tiết kiệm đất đai vừa sạch sẽ môi trường lại phục vụ tốt cho việc xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu.

Lợi ích tuy nhiều thế nhưng từ lúc khánh thành mới chỉ có 2 trường hợp vào nhà lưu trữ tro cốt trên tổng số 13 ca hỏa táng của xã, đạt tỷ lệ 15%. Sở dĩ còn thấp là bởi tâm lý và bởi nhiều gia đình đã xây mộ sẵn cho ông bà, bố mẹ từ trước nên khi hỏa táng xong họ liền đưa cốt xuống.

Bởi vậy UBND xã Liên Trung đang tham mưu với các ban ngành, đoàn thể, thôn xóm đăng ký mô hình, giao chỉ tiêu vận động hỏa táng và đưa vào nhà tro cốt đạt tỷ lệ 30%. Vận động Hội Người cao tuổi, BQL di tích, các nhà chùa tuyên truyền sao cho các cụ già viết di chúc để con cháu thực hiện ước nguyện hỏa táng, lưu trữ tro cốt của mình. Tiếp tục chính sách hỗ trợ 2 triệu/trường hợp đưa vào nhà lưu trữ tro cốt.

18-18-01_dsc_1144
Các tầng của “chung cư cho người đã chết”

Ông Hoàng Văn Hanh, Chủ tịch xã Liên Trung lạc quan: “Trong thời gian tới khi các mộ xây dựng sẵn cơ bản được sử dụng hết thì việc các trường hợp hỏa táng đưa vào nhà lưu trữ tro cốt sẽ phát huy hiệu quả cao”.

Tuy nhiên có một điều khá khó hiểu là chưa nói đến việc lưu trữ tro cốt mà ngay cả tỷ lệ hỏa táng của Liên Trung đã đạt khoảng 60% nhưng lại rất hiếm các trường hợp cán bộ lựa chọn cho người thân của mình.

Ông Hanh giải thích: “Chúng tôi tuyên truyền cho nhân dân về tác dụng của hỏa táng nhưng họ lại bảo các ông lãnh đạo, kể từ cấp cao đến thành phố, huyện thị có hỏa táng đâu mà cứ vận động chúng tôi? Người dân ngày nay họ rất tinh nhưng mình vận động họ vẫn nghe vì đúng, vì phải. Tiếc là trong tư duy, nhận thức của cán bộ lại chưa đổi mới được như thế”.

Lại thêm chuyện Liên Trung nằm trong quy hoạch lõi của một khu đô thị mới nên sẽ phải chuyển một lượng lớn các ngôi mộ rải rác trên vùng giải phóng mặt bằng vào nghĩa trang, quá tải lại càng thêm quá tải. Trong khi đó, chỉ đạo của trên là không được mở rộng nghĩa trang nữa. Do vậy mà xã nghĩ ra mô hình tang văn minh trong đó trọng tâm là hỏa táng và xây dựng nhà lưu trữ tro cốt cho người đã khuất.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm