| Hotline: 0983.970.780

Chứng rối loạn lo âu ở trẻ em khi bước vào lớp một

Thứ Bảy 01/09/2012 , 08:42 (GMT+7)

Đứa con cưng của bạn bắt đầu vào lớp một. Cả gia đình và bé cùng chuẩn bị sách vở, quần áo cho ngày vui này. Nếu bé thấy hồi hộp, lo lắng thì đó cũng là chuyện bình thường.

Đứa con cưng của bạn bắt đầu vào lớp một, một giai đoạn mới trong cuộc đời của bé bắt đầu. Cả gia đình và bé cùng chuẩn bị sách vở, quần áo cho ngày vui này. Nếu bé thấy hồi hộp, lo lắng thì đó cũng là chuyện bình thường.


Ảnh minh họa

Nhưng nếu sự lo lắng tồn tại kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bé thì đấy là lo lắng bệnh lý,  thạc sỹ - bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. 

Điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần phải biết rõ một số đặc điểm tâm lý chi phối hoạt động học tập của trẻ như ngôn ngữ, trí tưởng tượng, tri giác và sự tập trung của trẻ.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang .

- Thưa bác sĩ, rối loạn lo âu của trẻ khi bắt đầu chuyển tiếp từ lớp mẫu giáo vào lớp 1 là gì?

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang: Một trong những trở ngại có thể gặp ở trẻ là tâm lý lo sợ khi cha mẹ không ở bên. Nếu sự sợ hãi này trở nên trầm trọng, trẻ dễ bị mắc chứng rối loạn lo âu. Đi kèm rối loạn lo âu là trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn học tập.

- Vì sao trẻ có những rối loạn lo âu?

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang: Đó là do trẻ còn nhỏ, lệ thuộc vào cha mẹ, nên có những lo âu cao độ và kéo dài do xa cách cha mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc. Các em hay lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ hãi. 

Đáng chú ý là trước khi xuất hiện rối loạn lo âu ở trẻ, rối loạn lo âu xuất hiện ở cha mẹ trước. Người mẹ sợ con bệnh, nếu ở bán trú thì lo ăn uống không hợp, lo con phải vào môi trường mới...Trẻ tiếp thu rất nhanh và điều nay làm trẻ khó hòa nhập.

- Thưa bác sĩ, những rối loạn lo âu ở trẻ biểu hiện như thế nào ạ?

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang: Trẻ lo lắng quá mức, không tập trung, có những biểu hiện tiêu cực như sợ sự hiện diện của người lạ, ở đây là cô giáo, bạn bè, vì thế trẻ không chịu đi học, chỉ muốn ở nhà với người thân, khó hòa nhập môi trường mới. Cũng có em e thẹn quá mức, từ chối tham gia chơi nhóm, các hoạt động tập thể.

Trẻ còn bị rối loạn giấc ngủ, sợ bóng tối, sợ ma, khó ngủ, hay gặp ác mộng. Còn có các triệu chứng cơ thể như run tay chân, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hoảng loạn... 

Hậu quả là trẻ thiếu các kỹ năng thực hành xã hội, thiếu tự tin, nhút nhát, né tránh các hoạt động xã hội, điều đó sẽ làm bạn bè tẩy chay, từ chối chơi chung.

- Khi phát hiện trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu cha mẹ cần phải làm gì để giúp trẻ?

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang: Quan trọng là cha mẹ phải phát hiện sớm và coi đó là một rối loạn. Nhiều cha mẹ ít quan tâm và cứ nghĩ rằng đó chỉ là một dạng lo âu bình thường làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. 

Việc điều trị cho trẻ bị rối loạn lo âu cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bác sỹ chuyên khoa tâm thần nhi và chuyên viên tâm lý. Việc điều trị bằng các liệu pháp tâm lý như: nhóm, gia đình, liệu pháp hành vi cho thấy có tác dụng rõ rệt. 

Thêm vào đó trẻ cũng cần được điều trị bằng thuốc khi có các triệu chứng hoảng sợ, ám ảnh và lo âu chia ly. Phụ huynh có thể cùng tham gia trong quá trình điều trị cho trẻ.

Tùy theo từng trường hợp trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, sợ hãi, phụ huynh có thể đưa ra tình huống và cùng với trẻ tháo gỡ khó khăn của tình huống.

- Thưa bác sĩ có cách gì để phòng ngừa rối loạn lo âu cho trẻ không ạ?

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang: Phụ huynh cần tổ chức nhiều trò chơi rồi quan sát trẻ. Nếu trẻ cáu gắt thì cần hướng dẫn trẻ cách sử lý từng trường hợp cụ thể, tập thay thế dần hành vi nhiều lần. Cũng nên xây dựng thói quen cho trẻ tự thực hiện một số công việc trong nhà phù hợp với trẻ. 

Cha mẹ cần hiểu trẻ, khuyến khích động viên trẻ tham gia các hoạt động xã hội, gia tăng hành vi quyết đoán, khen ngợi những điểm tích cực ở trẻ. 

Ngay cả khi trẻ bị điểm kém, hay có sai sót gì ở trường thì cũng nên tôn trọng, yêu thương trẻ, không nên quát tháo, so bì, hay dọa nạt trẻ. 

Điều cần thiết là phụ huynh phải kiên trì, làm đi làm lại nhiều lần những việc trên thì mới có hiệu quả.

Khi có biểu hiện rối loạn lo âu nên đưa trẻ đến bác sỹ chuyên khoa tâm thần ớ các bệnh viện nhi, chuyên viên tâm lý để được xử trí kịp thời và đưa ra những lời khuyên bổ ích./.

Theo Minh Ánh (Vietnam+)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất