| Hotline: 0983.970.780

Chung Sơn khuất sau màn mưa: Nửa đêm đi gọi gạo ơi!

Thứ Tư 11/02/2015 , 10:06 (GMT+7)

Bô lão Nguyễn Văn Đa giải thích rằng tục gọi gạo ngoài việc thờ cúng thần linh còn có ý nghĩa kết đoàn giúp dân làng chống trộm, đuổi cướp./ Chợt nghe câu hát… còn trinh

Bơ gạo kết đoàn

Đuốc sặt cháy phừng phừng soi mặt đường làng lúc mờ lúc tỏ, soi những bóng người cứ nghiêng vẹo, xẹo xiên. Tiếng dùi trống nện vào tấm da trâu thùng thùng động núi động rừng. Đám đông rùng rùng kéo đi, già có trẻ có, nữ có nam có.

Trước mỗi cửa nhà, một đứa trẻ lại cất cao cái giọng trong veo của mình lên rằng: “Gạo ơi gạo hỡi gạo ời. Nắm cơm, bát nước, nấu xôi gạo à”.

Tiếng cả đoàn người đồng thanh “à à” vang dội. Cánh cửa đang kín như bưng bỗng bật mở như có phép nhiệm màu. Gia chủ mau mắn bước ra với bơ gạo nếp ngon nhất trên tay. Đổ xong gạo vào cái thúng đại do hai tráng đinh gánh, đoàn người lại đi, lại gõ trống, lại rao vang “Gạo ơi gạo hỡi gạo ời/ Nắm cơm, bát nước, nấu xôi gạo à” nhà thứ hai, nhà thứ ba rồi đến nhà cuối cùng trong làng là xong một vòng. Cái lệ độc đáo đó chỉ diễn ra một lần duy nhất trong đêm ba mươi ở làng Phúc Lễ (Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang) và loại gạo duy nhất người dân góp là nếp.

Chuyện rằng, thời ngàn năm giặc Tàu đô hộ đất Việt có cô gái trinh xinh đẹp làng Vũ Đình tên là Lường Thị Đỗ bị bắt làm thần giữ của cho kho vàng chôn dưới rừng cây hồng phác. Lũ giặc tàn độc trói nghiến cô rồi trám miệng lại không cho ăn, không cho uống. Tròn trăm ngày cô hóa thành thần.

Thương thần giữ của thủa sinh thời phải chết đói, chết khát dân làng Phúc Lễ mới lập một cái am nhỏ. Cứ đêm ba mươi họ lại đem một thúng xôi với một bát muối trắng ra cúng ngoài am. Tục gọi gạo buổi nhập nhoạng giao thời năm cũ năm mới có từ bấy.

Còn bô lão Nguyễn Văn Đa lại giải thích rằng tục gọi gạo ngoài việc thờ cúng thần linh còn có ý nghĩa kết đoàn giúp dân làng chống trộm, đuổi cướp. Thủa xưa, khi Phúc Lễ còn là một vùng đồi núi hoang vu đầy sơn lam chướng khí giặc cờ đen bên Tàu thường xuyên đến nhũng nhiễu.

16-53-44_dsc05870
Góp gạo đổ vào thúng

Chúng đốt nhà, diệt phu, hãm phụ khiến dân tình không yên, xóm làng chao đảo. Thêm vào đó tháng củ mật (tháng mười hai âm lịch) trộm cắp lại nổi lên như rươi. Chúng núp trong rừng đợi thời cơ là tràn về làng cướp bóc.

Phúc Lễ có năm xóm, mỗi khẩu khi đó đều phải đóng hai mươi que tre để rào làng chống xâm nhập, mỗi gia đình đều phải cử một tráng đinh ra điếm cầm dao, cầm gậy trợ sức cùng đám tuần đinh.

Tối ba mươi, làng nước sáng bừng đuốc sặt, tiếng trống, tiếng mõ gọi gạo dồn vang. Vị tộc trưởng quyền uy dẫn đầu đoàn tráng đinh với giáo mác, gậy gộc lăm lăm sau phát súng lệnh sẽ đi từng nhà, sục vào từng ngõ khiến cho toán cướp núp trong rừng sợ hãi chẳng dám manh động. Làng xóm có yên thì mọi người có Tết mới vui Tết được.

Nghĩa tình thắm đượm

Am bà Đỗ được xây giữa vườn cây hồng phác rậm rạp nằm khuất nẻo xóm làng, mặt ngoảnh ra một cánh đồng chân vàn lộng gió. Ám ảnh bởi câu chuyện kho vàng và vị thần giữ của, cách đây chừng ba mươi năm có hai người đàn ông làng khác một đêm thanh vắng đã vác cuốc ra am đào bới. Sớm hôm sau, mấy người đi đổ trúm lươn sớm ngoài đồng kể rằng chẳng biết lũ trộm có thấy không mà chỉ thấy cái am bị xới đến lật nghiêng lộ ra biết bao bình vôi, bát hương cổ.

16-53-44_dsc05847
Đuốc sáng rực sẵn sàng lên đường

Xưa kia khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì tục gọi gạo ngoài ý nghĩa cúng thần, cầu may còn mang một ý nghĩa nhân văn to lớn là thết đãi những người nghèo trong làng hoặc người vô gia cư lưu lạc từ địa phương khác đến, giúp cho họ có một chút Tết ở ngay trong lòng.

Sau đợt ấy dân Phúc Lễ góp công, góp của tu bổ lại am và cắt người ra trông coi, hương khói. Người già kể rằng, trước cửa am có cây sanh cổ thụ gốc to một người ôm không xuể. Kỳ lạ thay không bao giờ người ta thấy cái cây ấy có một chiếc lá vàng. Cái cây như xanh mãi cùng năm tháng, trời đất.

Ông Nguyễn Văn Chiến được làng cử ra trông coi, hương khói ở am bà Đỗ. Một buổi ông ốm rồi chết đột tử. Không mưa bão, không mối mọt mà cái cây sanh cổ thụ cũng hóa theo ông Chiến không lâu sau đó. Nó chết đứng, chết từ ngọn chết xuống gốc. Đến bây giờ gốc cây cũ đã bị đánh bật lên để người ta thế vào đó một cây sanh mới.

Hăm nhăm tháng chạp, Phúc Lễ đã dựng xong cây đu trước sân điếm Đông. Dân làng góp gạo nấu nồi cháo một trăm rồi đổ ra trăm cái bát cúng thần đất, cúng những linh hồn vô danh vất vưởng. Họ khấn cho thần linh phù hộ cây đu của làng năm đó bay cao, bay xa mà người đánh đu dù nhún mấy cũng không ngã, không tai nạn. Cúng xong toàn dân cùng thưởng cháo. Hết cháo đu làng lại náo nức chờ đợi tiếng gọi gạo ởi, gạo ơi đêm ba mươi Tết.

Ông Vi Văn Công, Trưởng thôn Phúc Lễ, kể tục lệ độc đáo này chỉ gián đoạn một thời gian khi đất nước còn nhòe trong khói bom, khói đạn. Quãng thập niên 90 của thế kỷ trước, gọi gạo Phúc Lễ lại được tái hiện y như lệ cổ chỉ khác một điều là làng xã bây giờ dân cư trù mật nên phải tách ra thành ba bốn đoàn chứ không thể mỗi đoàn đi như ngày xưa.

Đoàn tráng đinh đi đến tàn đêm thì đã đến nhà cuối cùng. Thúng gạo trên vai họ trĩu oằn cong cả chiếc quang gánh. Trên sân điếm các bà, các chị đã thôi xoa xuýt hít hà vì rét, hò nhau trút gạo trong thúng ra vo, nổi lửa thổi xôi rồi đơm ra hai cỗ. Một cỗ mang ra am thờ bà Đỗ, một cỗ mang ra đình cúng thành hoàng làng. Rạng sáng ngày mồng một, người làng đổ ra mỗi lúc một đông, nói cười rộn xóm. Dù mưa mấy, rét mấy cũng không thể ngăn được cái đích cuối cùng của đoàn người là am bà Đỗ. Ngoại trừ những ai đang có tang hay đang cho con bú kiêng kị ra đây vì sợ uế, sợ tạp còn không hễ ai còn có chân là còn muốn đi để thụ lộc.

Tuần nhang trên am thờ đã thôi lập lòe đỏ, thúng xôi nhanh chóng được chia thành làm hàng trăm nắm nhỏ. Lá hồng phác (một loại cây trước đây rất sẵn ở am bà Đỗ có lá to như lá bang - PV) thay mâm, thay bát ngả ngay trên nền đất. Nào có nề hà gì? Người người cùng náo nức chen vai, thích cánh nhón xôi chấm muối ăn ngon lành mong thần phù hộ cho năm mới khỏe mạnh, thóc lúa chật bồ, gà lợn chật chuồng, dịch bệnh vắng bóng.

Ăn xong mọi người lục tục trở lui. Trên đường từ miếu về nhà họ quơ tay ra hai bên, chạm phải lá cây gì đầu tiên dù là cỏ may, ngô, cúc tần đều lấy làm hãnh diện vì đó chính là lộc thánh ban cho phải bứt mang về nhà. Đêm trừ tịch trôi qua trong sự dịu ngọt của tiết xuân đằm thắm. Từng cái cây, ngọn cỏ trên tay người hái lộc vẫn còn ướt sương đêm, dưới nắng sớm bỗng long lanh lên như ngọc.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.