| Hotline: 0983.970.780

Chung sức với người trồng tiêu: [Bài 2] Doanh nghiệp, ngân hàng chung tay tháo gỡ

Thứ Năm 19/09/2019 , 13:05 (GMT+7)

Trước những khó khăn của người trồng tiêu, chính quyền, các doanh nghiệp, ngân hàng đã vào cuộc, chung tay giúp đỡ nông dân thoát khỏi "biển nợ"...

Doanh nghiệp: Liên kết sản xuất

Chư Pưh là huyện có diện tích tiêu chết nhiều nhất. Báo cáo của UBND huyện này cho biết: Do áp lực phải trả lãi suất ngân hàng và chi tiêu sinh hoạt gia đình, không ít hộ dân trên địa bàn đã bỏ vào các tỉnh phía Nam làm thuê, để lại nhiều hệ lụy người già không được chăm sóc, trẻ em không được học hành; tình hình trộm cắp ngày càng phức tạp gây mất an ninh trật tự địa phương... Sản xuất nông nghiệp giảm sút do đất đai bỏ hoang không canh tác, các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vườn hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, tỉnh Gia Lai đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản phẩm đầu ra với các doanh nghiệp sản xuất nông sản uy tín trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng cũng đã vào cuộc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, cho vay chuyển đổi cây trồng… Theo đó, người dân phần nào đã ổn định tâm lý, an tâm chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với việc tái cơ cấu cây trồng, tỉnh Gia Lai đã định hướng ổn định 10.000 ha cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty CP Nafood Group… Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng tiêu mạnh dạn chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: "Với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích từ 10.000 - 15.000 ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán hàng, vận tải…".
 

Ngân hàng: Khoanh, giãn nợ

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã có động thái cụ thể, nhằm hỗ trợ người trồng tiêu thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh và cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Người dân trồng xen cây bưởi trong hồ tiêu đã chết.

Ông Võ Bình Độ (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh) là khách hàng được ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh hỗ trợ bằng biện pháp giãn nợ 5 năm để giảm áp lực trả lãi và tạo cơ hội tái sản xuất. Ông cho biết: "Năm 2012, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng 7 ha tiêu. Đến năm 2017 bị chết 7 ha. Không còn nguồn thu nên gia đình không thể trả gốc và lãi vay. Được ngân hàng giãn nợ khoản vay lên 5 năm, mỗi năm trả một ít nên cũng đỡ áp lực. Những diện tích hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống  và trả nợ".

Cũng ở huyện Chư Pưh, ông Lê Hồng Ánh (thôn Hòa Phú, thị trấn Nhơn Hòa) có 6 ha tiêu kinh doanh. Dịch bệnh đến, lấy đi toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình ông, và để lại cho ông khoản nợ trên 3 tỷ đồng với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Cũng như ông Độ, ông Ánh được ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chư Pưh giãn nợ 5 năm. Hiện, ông đã trồng lại được 5 ha cây trồng khác như cà phê, bơ, chanh leo trên diện tích tiêu chết. Ông nói: "Nhờ ngân hàng nông nghiệp giãn nợ nên gia đình tôi đỡ áp lực. Giờ lo chăm tốt vườn cây ăn quả, hy vọng sẽ sớm trả nợ được cho ngân hàng".

Ông Lê Thanh Quang - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh tỉnh Gia Lai, cho biết: Toàn Chi nhánh hiện có tổng dư nợ do thiệt hại hồ tiêu lên đến gần 700 tỷ đồng của hơn 4.100 khách hàng, chiếm hơn 97% dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn.

"Để người dân có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại ổn định cuộc sống, an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập để trả nợ, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ tiếp tục được vay vốn để tái đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những khách hàng trả nợ trong năm 2019 sẽ được áp dụng cơ chế miễn giảm lãi. Ngoài ra, ngân hàng còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, thu gốc trước, thu lãi sau đối với các hộ dân có thiện chí trả nợ" - ông Quang cho biết. 

Sự vào cuộc của chính quyền tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời gian qua, phần nào đã giảm áp lực cho người trồng tiêu, giúp họ vượt qua khó khăn. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân tái đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hơp với hoàn cảnh, điều kiện, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ. 

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) Phạm Ngọc Tuấn, cho biết: "Trước đây, tổng diện tích hồ tiêu của địa phương là 220 ha, giờ chỉ còn dưới 40 ha. Trước thực tế này, ngoài việc vận động người dân chuyển đổi 64 ha sang trồng cà phê, cây ăn quả, chính quyền địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng rà soát cụ thể và xác nhận để các hộ trồng tiêu được giãn nợ, miễn giảm lãi xuất và vay mới tái đầu tư sản xuất".

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm